Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng với hành trình đưa báo cổ đến thế hệ trẻ
- Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2024 | 3:45:48 PM
Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.
Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm
|
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng hiện đang sở hữu số lượng báo giấy lớn với nhiều ấn phẩm và thể loại khác nhau. Mỗi đầu báo đều được ông tâm huyết dành riêng một khoảng trưng bày. Trong đó có những tờ báo có tuổi đời hàng trăm năm. Hay những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như báo Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng mang giá trị lịch sử của đất nước.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng nhớ lại: "Trước đây cha tôi từ những năm 1970 có thói quen hàng ngày là ra các sạp báo để mua những tờ báo yêu thích về, sau khi đọc xong ông cụ cẩn thận đóng lại thành từng quyển, để lưu trữ cho các con cháu sau này đọc. Nhờ đó tôi cũng có thói quen giống ông, lượng sưu tầm cứ thế tăng nhanh theo thời gian, nhiều bạn bè gần xa biết tôi sưu tầm cũng gửi qua đường bưu điện về tặng”.
Đối với ông Dũng, báo giấy không chỉ là trí tuệ là trách nhiệm và tình yêu của người làm báo đằng sau những con chữ mà ông còn khơi gợi niềm đam mê yêu báo giấy đến với thế hệ trẻ. Qua đó ông mong muốn gìn giữ được một phần lịch sử của đất nước.
Trải qua hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm, nhiều tờ báo giấy trong "bảo tàng” của ông khó giữ được nguyên vẹn, công tác bảo quản gặp nhiều khó khăn. Ông mong muốn trong thời gian tới sẽ mở một bảo tàng nhỏ, nhằm nâng cao khả năng lưu trữ và bảo quản các ấn phẩm. Số hóa các ấn phẩm để bảo tồn cho các thế hệ sau.
Mong muốn nhiều bạn đọc biết đến những giá trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng luôn giữ được tinh thần sưu tầm nhiều nhất có thể. Nghe thông tin ở đâu có bán báo cũ là ông tìm đến, cố gắng mua bằng được. Mang được về ông dành thời gian sắp xếp một cách khoa học theo thời gian, chủ đề để dễ tìm kiếm, dễ tra cứu.
Nhận về và cho đi, ông tìm mọi cách để bảo quản một cách tốt nhất và trăn trở làm sao khai thác hiệu quả những giá trị to lớn của mỗi một ấn phẩm trong bộ sưu tập khổng lồ của mình. Không giữ cho riêng mình, ông cũng dành thời gian để giới thiệu cho các cơ quan nhà nước tìm đến, đặc biệt là các thư viện, trung tâm lưu trữ, viện nghiên cứu, bảo tàng đến mượn, đọc, tra cứu.
Hàng năm, trong những dịp nghỉ lễ như: 30/4; 1/5; 21/6; 2/9…, ông vẫn dành thời gian đón tiếp các vị khách từ mọi miền của tổ quốc đến, họ muốn tìm hiểu thông tin về các số báo được phát hành hàng chục năm về trước. Thậm chí các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tiếp cận, tra cứu, ông đều vui vẻ cởi mở tiếp đón và chia sẻ thông tin.
Tận dụng nền tảng mạng xã hội để đưa báo giấy đến với nhiều độc giả hơn, vừa qua nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng đã lập tài khoản TikTok, Facebook để giới thiệu các ấn phẩm báo cũ, báo cổ đến các bạn trẻ. Trong đó, ông giới thiệu các ấn phẩm báo chí có số báo trùng với ngày – tháng - năm sinh của các bạn trẻ thế hệ 7X, 8X, 90X, Gen Z… và ngay lập tức đã có rất nhiều các bạn trẻ liên hệ, tìm đến và nhờ "bảo tàng” tìm giúp ấn phẩm báo chí được phát hành đúng ngày các bạn trẻ được sinh ra.
Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng chia sẻ: Sau các buổi "phát sóng", đăng clip lên TikTok, Facebook đã có hàng trăm lượt bình luận tương tác của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ tò mò xem ngày mình sinh ra, đất nước có những sự kiện gì nổi bật được đăng báo. Vì thời điểm đó báo mạng chưa phát triển, chưa có mạng internet… những sự kiện của đất nước diễn ra ngày đó không có bất cứ thông tin, hình ảnh gì, chỉ có báo giấy là lưu giữ lại. Có nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi mua hoặc photo lại để tặng sinh nhật người thân.
"Thực tế ngày nay với sự phát triển của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, trong đó có quá nhiều thông tin và cả tin giả thì vẫn có một bộ phận giới trẻ bắt đầu quay trở lại quan tâm đến báo giấy, đặc biệt là những ấn phẩm mang hơi thở của thời đại”, ông Nguyễn Phi Dũng chia sẻ.
Không chỉ thế, họ còn biết kết nối giữa quá khứ và hiện tại, công nghệ và truyền thông. Biết ứng dụng công nghệ số để báo giấy đến gần hơn với nhiều người và đặc biệt là để các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử đầy tự hào của báo chí cách mạng và thêm yêu lịch sử của dân tộc.
Các tin khác
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự nổi tiếng, có nhiều năm công tác tại Báo Lao Động. Những tác phẩm báo chí của ông là những câu chuyện đời thường, những nỗi trăn trở về xã hội, thân phận con người. Qua ngòi bút giàu chất trữ tình, hóm hỉnh mà sâu sắc của ông, những vấn đề nghe có vẻ vĩ mô như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng trở nên vô cùng gần gũi, hấp dẫn.
Trong lời ngỏ của tập thơ thứ 8 - Bóng tình, Nhà thơ, nhà báo Phạm Quốc Cường nói một cách triết lý: Có 3 nhân tố quan trọng, đó là Thiên - Địa - Nhân (Trời, Đất, Người) đã có sự giao thoa từ ngàn năm này, để rồi chính họ - con người đã tô điểm thêm cho sự sống, cho tình cảm, tình yêu bất tận...
Mỗi tác phẩm ảnh về miền đất mộng mơ Đà Lạt, Lâm Đồng của nhà báo, nhiếp ảnh gia Võ Trang đều thể hiện những dòng suy tưởng, tư duy sáng tác và cảm hứng riêng biệt; bởi vậy, nó tự cất lên những phát ngôn hữu dụng và lan tỏa đến công chúng thưởng lãm những cảm xúc và sự rung cảm thẩm mỹ đặc biệt.
Đối với mỗi người làm báo theo lĩnh vực ảnh báo chí, để bắt trọn những khoảnh khắc chân thực nhất, họ phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó kinh nghiệm luôn là “ông thầy” quan trọng trong suốt hành trình. Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Thanh Hải (Trần Hải) – Báo Nhân Dân, người đã dành gần 40 năm sự nghiệp để tạo nên những khoảnh khắc báo chí đẹp nhất và cũng là một trong những “tay máy” gắn bó với giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” của Báo Nhà báo & Công luận suốt nhiều năm qua.