Báo Nhân Dân lần đầu thông tin về cuốn "Nhật ký trong tù" như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/5/2021 | 9:34:28 AM

Báo Nhân Dân lần đầu thông tin về cuốn "Nhật ký trong tù" như thế nào? - Cuối thế kỷ trước, tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần sau chuyến đi công tác xa trở về, đến dự buổi giao ban báo chí hằng tuần do Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) chủ trì, gặp anh Hữu Thọ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

                                         

Hai trang đầu cuốn Nhật ký trong tù_Ảnh: TL

Mấy phút giải lao, Hữu Thọ ra sân phì phèo điếu thuốc lá và nói vui: “Tuần trước, một bạn đọc gửi báo Đảng một bài viết khá hay, kỷ niệm 50 năm tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Bài hơi dài nhưng có nhiều tư liệu, mình ký duyệt cho đăng luôn.

Khoảng 10 giờ đêm, anh em ở Ban Thư ký gọi điện thoại báo cáo do kẹt về diện tích, xin cắt ngắn bài ấy khoảng mươi dòng. Mình nói, các cậu cứ xử lý. Có điều cắt gì thì cắt, phải để nguyên đoạn tác giả nói Phan Quang là người đầu tiên giới thiệu cuốn “Nhật ký trong tù” với bạn đọc qua một bài đăng Báo Nhân Dân năm 1955. Bởi đó không chỉ là vinh dự của người viết mà là của tất cả chúng ta, những người làm việc tại Báo Đảng.

Chừng mươi năm sau, một hôm tôi nhận được cú điện thoại của một chị tự giới thiệu là chuyên viên công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, xin gặp và trao đổi ý kiến. Chị đang chuẩn bị cho ra cuốn sách giới thiệu “Nhật ký trong tù” từ bản gốc, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ viết bài cuối cùng của tập thơ. Vừa gặp chị tôi nói luôn: “Tôi đâu có biết gì nhiều về thơ của Bác. Có lần tôi nghe anh Hữu Thọ nói Báo Nhân Dân có đăng một bài của một bạn đọc ký Nguyên Khanh, có nhiều tư liệu tốt. Chị đến báo ấy mà tìm hiểu”.

Chị cười: “Nguyên Khanh là bút danh của cháu. Trong bài ấy cháu có dẫn câu bác Phan Quang giới thiệu cuộc Triển lãm về cải cách ruộng đất năm 1955, nói ý Hồ Chủ tịch đã cho Ban tổ chức Triển lãm tập thơ làm tư liệu trưng bày. Bản gốc cuốn “Nhật ký trong tù” nay đã được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có điều hiện có hai ý kiến khác chiều từ các vị phụ trách cuộc triển lãm năm ấy, nay đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang công tác khác. Có người bảo Hồ Chủ tịch xem triển lãm xong, Bác rút từ túi áo ra cuốn sổ tay và nói: “Cho các chú mượn để trưng bày”. Có ý kiến khác lại quả quyết Văn phòng Phủ Chủ tịch gọi điện bảo Giám đốc Triển lãm lên Văn phòng nhận tập thơ mang về trưng bày trước khi Bác Hồ đến xem”.

                                                                                       

Trang cuối cuốn Nhật ký trong tù cùng bài thơ “Vừa ra tù tập leo núi”_Ảnh: TL

Chị nói thêm:

- Bác Phan Quang là người lần đầu giới thiệu rộng rãi trên báo chí tập “Nhật ký trong tù”, qua bài đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 13/9/1955. Cháu sẽ trích đoạn cuối bài ấy cho in vào cuốn sách đang làm. Theo bác, hai ý kiến cháu vừa nói ở trên, ý nào đúng? Câu chuyện đã nửa thế kỷ qua, làm sao có thể nhớ mọi chi tiết! Tôi đành đến tòa soạn Báo Nhân Dân mượn tập báo quý III năm 1952 lưu trữ tại Phòng Thư viện-Tư liệu của Báo, tìm đọc lại “tác phẩm” của mình. Đấy là một bài tường thuật mộc mạc đăng hai kỳ báo, cách nhau mười ngày. Bài 1, “Xem phòng triển lãm cải cách ruộng đất” giới thiệu cuộc sống của nông dân dưới chế độ phong kiến, thực dân qua nhiều văn bản và hiện vật, đăng ở trang 2 số báo đặc biệt Kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh 2/9/1955, và cũng là ngày khai trương triển lãm tại phố Bích Câu, Hà Nội. Bài 2 viết về phong trào nông dân đứng lên đòi địa chủ giảm tô, giảm tức rồi cải cách ruộng đất, đầu đề: “Đảng lãnh đạo nông dân đấu tranh tự giải phóng” đăng số báo ra ngày 13/9/1955, cũng là ngày đóng cửa triển lãm.

Tôi ghi chép tư liệu, viết luôn một lúc tại chỗ cả hai kỳ và đã được Tổng Biên tập báo ký duyệt. Dù vậy, trước khi giao bản thảo bài II cho Tòa soạn lên khuôn, tôi trở lại triển lãm gặp anh Giám đốc hỏi xem có sự kiện gì đáng chú ý trong mười ngày trưng bày.

Anh hào hứng: “Mời nhà báo sang đây, tôi chỉ cho xem cái đặc biệt, rất đặc biệt”.

Anh dẫn tôi sang gian triển lãm chính, lúc này đã vắng khách. Ở đây vừa mới được bày thêm một tủ nhỏ, bốn mặt tủ được ghép bằng bốn tấm kính dày. Bên trong có cái giá cũng làm bằng kính, cao vừa tầm mắt người xem, đặt cuốn sổ nhỏ bằng giấy bản đã ngả màu vàng: Tập “Ngục trung nhật ký” quen thuộc với người Việt Nam chúng ta và không ít người trên thế giới ngày nay. Bên dưới đề sách có hai dòng chữ ghi ngày thực hiện: từ 29/8/1932 đến 10/9/1933(1) .

                                                                                  

Bìa bản gốc cuốn Nhật ký trong tù_Ảnh: TL

Tiếp đó là bốn câu thơ, và phía dưới cùng vẽ hình hai cánh tay bị xiềng, hai bàn tay nắm chặt, quyết tâm bất khuất. Tôi xin phép được cầm tập thơ trên tay. Giám đốc cuộc Triển lãm cho gọi hai anh bảo vệ Triển lãm mang chìa khóa đến. Cái tủ kính nhỏ vừa mới đóng để trưng bày bảo vật quốc gia lần đầu giới thiệu với công chúng được khóa bằng hai ổ khóa. Mỗi ổ có hai chìa. Mỗi anh bảo vệ giữ một chìa. Phải có lệnh của Giám đốc, với sự có mặt của Đội trưởng đội bảo vệ Triển lãm, hai anh mới được phép cùng mở khóa, và đứng chờ ở đấy để ngay sau đó đặt tập thơ vào chỗ cũ và cùng khóa lại tủ trước mắt mọi người.

Anh Giám đốc Triển lãm cho biết: Sau lễ khai trương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó chủ trì, vào cuối giờ một ngày làm việc, đúng lúc Triển lãm chuẩn bị đóng cửa, Hồ Chủ tịch đột ngột đến, không báo trước. Cùng đi với Người, chỉ có vài anh cận vệ. Bác Hồ xem các hiện vật trưng bày, rồi rút từ túi áo ra tập “Ngục trung nhật ký” đưa Ban tổ chức triển lãm, cho phép trưng bày cho công chúng xem.

Tôi giật mình: Bài tường thuật (phần 2) mình đã chuẩn bị sẵn để đăng Báo Nhân Dân số ra ngày mai nhất thiết không thể thiếu phần nội dung này. Vội rời phố Bích Câu trở về phố Hàng Trống, báo cáo với Tổng Biên tập xin được bổ sung một đoạn vào cuối bài “Đảng lãnh đạo nông dân đấu tranh tự giải phóng”.

Đoạn viết thêm như sau: “Chúng tôi có được xem cuốn sổ tay “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch, ghi bằng thơ từ ngày 29/8/1942 đến 10/9/1943, trong khi người từ chiến khu Việt Bắc trở ra nước ngoài hoạt động và bị đế quốc giam giữ hơn một năm. Hồ Chủ tịch đã cho Ban tổ chức triển lãm cuốn sổ tay ấy làm tài liệu trưng bày. Cuốn nhật ký khổ nhỏ, đóng bằng giấy bản màu vàng. Trang bìa có hình vẽ hai nắm tay rắn rỏi giơ lên phá tung xiềng xích cùng mấy câu thơ viết bằng chữ Hán:

Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại

(Nghĩa là: Thân thể ở trong ngục/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn thành sự nghiệp lớn/ Tinh thần cần phải cao).

Đấy là tinh thần của những người cộng sản lãnh đạo nông dân tự giải phóng” - bài báo kết thúc(2)

Phan Quang

--

(1): Đúng ra là “29/8/1942 – 10/9/1943”. Có người giải thích do Bác Hồ cố tình ghi sai để đánh lạc hướng địch, phòng khi cuốn sổ tay rơi vào mắt bọn lính Tưởng Giới Thạch canh tù.
(2): Đoạn này được trích in lại trong cuốn “Nhật ký trong tù” vừa nói ở trên, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003, tr. 279

Các tin khác
‏Hình ảnh minh hoạ cho việc mua sắm có yếu tố công nghệ. Ảnh: Fortune

AI thay người mua sắm, cuộc đua bán lẻ toàn cầu bước sang kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu chia sẻ tại phiên thảo luận mở

Công nghệ không chỉ đang thay đổi cách tạo ra nội dung mả cả cách con người tiếp cận tri thức. Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 diễn ra ngày 24/6, các đại biểu cho rằng trước những thay đổi nhanh chóng của ngành xuất bản toàn cầu dưới tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), xuất bản số là cơ hội lịch sử để thúc đẩy văn hóa đọc mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối tri thức toàn cầu.

Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Ngày 17/6, tại Luxembourg, Bộ trưởng Môi trường của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu các nhà sản xuất phải đảm bảo ít nhất 25% lượng nhựa sử dụng trong xe ô tô mới là từ nguồn tái chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chiều 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự