Định danh cuộc gọi để chống lừa đảo trên mạng
- Cập nhật: Thứ ba, 12/11/2024 | 10:32:12 AM
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông và công nghệ thông tin đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, quản lý nhà nước, đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị tích cực, cũng tồn tại nhiều nguy cơ khi các đối tượng xấu sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Khách hàng đến đăng ký cập nhật thông tin thuê bao tại quầy giao dịch của Vinaphone. Ảnh tư liệu, minh họa: Minh Quyết/TTXVN
|
Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại trở thành vấn đề nóng, khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định cần có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa tình trạng này, trong đó có việc định danh cuộc gọi của cơ quan Nhà nước. Theo Bộ trưởng, đối tượng lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo nhà mạng đầu tư công nghệ, nếu cơ quan Nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan Nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Nếu nhận được cuộc gọi ở thiết bị điện thoại không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác định là đại diện cơ quan Nhà nước.
732 số di động thuộc các cơ quan Nhà nước đã đăng ký định danh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông để triển khai dịch vụ định danh cuộc gọi (Voice Brandname) đối với các số điện thoại di động của cơ quan Nhà nước. Cụ thể, khi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, hoặc cơ quan thuộc Chính phủ liên hệ với người dân, tên của cơ quan sẽ hiển thị trên màn hình điện thoại thay vì chỉ có số điện thoại. Người dân có thể dễ dàng nhận diện cuộc gọi chính thức từ các cơ quan chức năng, giúp họ phòng tránh được các cuộc gọi mạo danh.
Hiện nay, đã có 732 số điện thoại di động thuộc các cơ quan Nhà nước đăng ký định danh để liên lạc trực tiếp với tổ chức, cá nhân, nhằm phục vụ các công việc chuyên môn. Các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone, cùng các mạng di động ảo như Itel, Mobicast, Local, VNSky và FPT đã hoàn tất khai báo tên định danh cho các số điện thoại này. Khi nhận cuộc gọi từ các số định danh này, người dân sẽ nhìn thấy tên cơ quan Nhà nước hiển thị thay cho dãy số điện thoại.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại có độ dài 10 chữ số (đầu số 03, 05, 07, 08, 09) tự xưng là cơ quan Nhà nước nhưng không hiển thị tên định danh, người dân cần cảnh giác và không nên thực hiện theo các yêu cầu từ cuộc gọi này. Đây là dấu hiệu của các cuộc gọi mạo danh nhằm mục đích lừa đảo.
Bên cạnh số điện thoại di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai định danh cho các số điện thoại cố định được các cơ quan Nhà nước đăng ký. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần sự chuyển đổi từ công nghệ cũ (PTSN) sang công nghệ IP, cùng với việc nâng cấp thiết bị và đường truyền dẫn. Do đó, quá trình định danh cuộc gọi cho số điện thoại cố định sẽ cần thời gian để các doanh nghiệp viễn thông liên hệ tư vấn, thiết kế giải pháp, và thực hiện các thủ tục pháp lý với từng đơn vị.
Một số thuê bao điện thoại cố định hiện nay, nếu không có thiết bị đầu cuối hỗ trợ màn hình, sẽ không thể nhận diện tên định danh khi có cuộc gọi đến. Riêng mạng di động Vietnamobile chưa triển khai hỗ trợ tính năng này, do đó người dân sử dụng mạng này cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng là cơ quan Nhà nước.
Nâng cao an toàn cho người dân
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân khi nhận các cuộc gọi xưng danh cơ quan Nhà nước, nên kiểm tra kỹ thông tin và có thể yêu cầu gọi lại qua số điện thoại di động đã được định danh để đảm bảo chính xác. Nếu nghi ngờ là cuộc gọi lừa đảo, người dân nên báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Việc triển khai định danh cuộc gọi là một trong những bước tiến quan trọng nhằm nâng cao an toàn cho người dân trong bối cảnh các loại hình lừa đảo qua điện thoại ngày càng phức tạp. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực cùng các cơ quan, doanh nghiệp để tạo ra môi trường liên lạc an toàn và tin cậy cho người dân.
Triển khai định danh cuộc gọi đối với các số điện thoại di động của Cơ quan Nhà nước liên lạc trực tiếp với cơ quan, tổ chức và nhân dân, thuê bao có khả năng nhận cuộc gọi hiển thị tên định danh: các thuê bao di động của Viettel, Vinaphone, Mobifone, GMobile, Itel, Mobicast, Local, VnSky, FPT.
Lưu ý: Thuê bao điện thoại cố định sử dụng thiết bị đầu cuối có màn hình và thuê bao di động mạng Vietnamobile không có khả năng nhận dạng cuộc gọi như nêu trên.
Nhận dạng cuộc gọi: Cuộc gọi của Cơ quan Nhà nước đến người dân sẽ hiển thị tên định danh. Các cuộc gọi chỉ hiển thị số chủ gọi (là số điện thoại di động có độ dài 10 chữ số, bắt đầu bằng các số 03, 05, 07, 08, 09) không phải cuộc gọi của Cơ quan Nhà nước.
Danh sách tên định danh số điện thoại cơ quan nhà nước được đính kèm sau đây:
Các tin khác
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) gần đây đã cảnh báo về một loạt hành vi lừa đảo mạo danh OpenAI và Cục Đăng kiểm nhằm đánh vào lòng tin của người dùng.
Cơ cấu Giải Báo chí Quốc gia 2024 sẽ bổ sung 02 Giải mới, đó là Giải Báo chí đa phương tiện và Giải Báo chí sáng tạo. Việc thay đổi này được nhiều chuyên gia nhận định sẽ thúc đẩy tăng cơ hội tham gia của tất cả các tác giả, các cơ quan báo chí mà không bị giới hạn bởi loại hình và thể loại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông và chuyển đổi số báo chí.