80 năm Chiến thắng phát xít: Những giá trị trường tồn
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2025 | 10:47:45 AM
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2025), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp đặc biệt trong ngày 7/5/2025 để tưởng nhớ các nạn nhân trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thanh Tuấn/PV TTXVN tại Mỹ
|
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Philemon Yang nhấn mạnh đây là dịp để thế giới suy ngẫm về những hy sinh to lớn của hàng triệu người đã chiến đấu để bảo đảm quyền tự do của con người. Ông nói: "Thời gian trôi qua, những lễ kỷ niệm ngày càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đa số các cựu chiến binh còn sống đều đã cao tuổi. Việc lưu giữ câu chuyện của họ không chỉ là sự tôn vinh đối với họ, mà còn là trách nhiệm đạo đức của tất cả chúng ta. Chúng ta phải đảm bảo rằng những bài học mà họ để lại không bị phai nhạt mà phải trường tồn với thời gian”.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ cũng lưu ý thế giới đang ở thời điểm mang tính quyết định, không chỉ đối với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới mà còn đối với nhân loại. Ông Yang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chọn hợp tác thay vì chia rẽ và chọn đối thoại thay vì xung đột.
Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzia nhấn mạnh chiến thắng phát xít đã phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng. Theo ông, cái giá mà Liên Xô phải trả là 27 triệu chiến sĩ Hồng quân và người dân Liên Xô đã ngã xuống. Trung Quốc mất 35 triệu người. Mỹ mất khoảng 500.000 người. Serbia đã tổ chức phong trào du kích lớn nhất ở châu Âu, trong khi các anh hùng từ Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi tiến hành các cuộc đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đại diện của Nga bày tỏ: "Chúng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ chiến công vĩ đại mà nhân dân Liên Xô, những người tham gia vào sự kiện lịch sử này, đã giành được. Đó là một thời kỳ vô vàn khó khăn nhưng rất thiêng liêng. Một người trải qua những thử thách lớn lao và vượt qua được sẽ mãi mãi có được sức mạnh từ chiến thắng đó”.
Về phần mình, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, ông Phó Công, nhắc lại sự hy sinh và đóng góp của nước này trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. 80 năm sau sự kiện lịch sử, thế giới bước vào giai đoạn mới đầy biến động, với chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy. Trong bối cảnh đó, đại diện Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau thúc đẩy "hiểu biết đúng đắn” về lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ngoài ra, ông Phó Công cũng hối thúc thế giới duy trì quyền uy và vị thế của LHQ. "Chúng ta phải kiên quyết duy trì hệ thống quốc tế lấy LHQ làm trung tâm, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ”, ông nói.
Đại diện thường trực của Đức tại LHQ, bà Antje Leendertse, cho biết cuộc chiến tranh do Đức Quốc xã phát động đã gây ra nỗi thống khổ tại châu Âu và xa hơn nữa. Bà nói: "Nỗi đau đớn, hủy diệt và mất mát để lại sẽ mãi gắn liền với tên đất nước tôi. Chúng tôi mang gánh nặng này với sự khiêm nhường và trách nhiệm đạo đức, và chúng tôi không do dự khi chấp nhận điều đó".
Theo quan chức ngoại giao Đức, tuyên bố "không bao giờ lặp lại cuộc chiến" không chỉ là cam kết của Đức mà còn là nghĩa vụ chung ràng buộc tất cả các nước trên thế giới. Bà Leendertse khẳng định đây là "nghĩa vụ cứu các thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh, bảo vệ sinh mạng dân thường và những người dễ bị tổn thương; duy trì phẩm giá con người; bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ cho tất cả, bao gồm cả các thế hệ tương lai".
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ, ông Stavros Lambrinidis, nhấn mạnh đây là dịp tôn vinh và tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong và sau chiến tranh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tái khẳng định cam kết hợp tác với tất cả các thành viên LHQ để đảm bảo một tương lai hòa bình, công bằng và thịnh vượng hơn cho các thế hệ mai sau. 80 năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, ông Lambrinidis gợi nhắc về trách nhiệm thiêng liêng của các nước trên thế giới: đó là luôn trung thành với cam kết tập thể trong duy trì các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và đảm bảo không bao giờ lặp lại nỗi kinh hoàng do chiến tranh gây ra.
Tháng 3 vừa qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong đó kêu gọi tổ chức phiên họp đặc biệt vào tuần thứ hai của tháng 5/2025 và sau đó 5 năm một lần để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc chiến. Việt Nam là một trong những nước đồng bảo trợ chính của Nghị quyết và ủng hộ mạnh mẽ các nội dung chính của văn kiện này.
Các tin khác

Năm 1994, tên miền quốc gia “.vn” lần đầu tiên xuất hiện trên Internet đánh dấu chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng. Hơn 30 năm qua, tên miền “.vn” luôn khẳng định được vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân với môi trường số.

Sáng 8/5, Ban Tổ chức Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng” tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Năm 2025 đánh dấu cuộc đua khốc liệt trong ngành công nghệ tiêu dùng khi AI trở thành tiêu chuẩn mới trên mọi thiết bị. Không còn là xu hướng dành riêng cho cao cấp, AI giờ đây là yếu tố sống còn để nâng tầm trải nghiệm cá nhân hóa, định hình lại phong cách sống người dùng toàn cầu. Các hãng công nghệ lớn đang đầu tư mạnh mẽ, không chỉ để bắt kịp xu thế, mà để dẫn dắt tương lai số.

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều năm để sưu tầm hiện vật, tư liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên ở trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, trực tiếp trao tặng, kết nối giúp Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý mang đến công chúng.