Mỗi xã, phường sau sáp nhập dự kiến có 60 biên chế

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/5/2025 | 2:22:05 PM

Bộ Nội vụ dự kiến bình quân mỗi xã, phường, đặc khu sau khi sáp nhập sẽ có 60 biên chế gồm khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ngày 9/5.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ngày 9/5.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đã hướng dẫn nguyên tắc bố trí cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo chủ trương, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số hiện có trước khi sáp nhập và phải thực hiện tinh giản biên chế. Trong vòng 5 năm, biên chế cấp tỉnh cần được điều chỉnh giảm về đúng quy định.

Khi chính quyền cấp tỉnh sau sáp nhập đi vào hoạt động, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để hoàn thiện vị trí việc làm, dựa trên quy mô dân số và diện tích tự nhiên của địa phương, trước khi trình cấp có thẩm quyền giao biên chế.

Đối với cấp xã, phường, đặc khu, biên chế trước mắt sẽ được giữ nguyên theo số lượng hiện có của cấp huyện và cấp xã, ngoại trừ các trường hợp cán bộ, công chức xã không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc tự nguyện thôi việc.

Sau khi hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, Bộ Nội vụ dự kiến sẽ bố trí bình quân 60 biên chế cho mỗi xã, phường, đặc khu, bao gồm biên chế của khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương.

Sau phiên họp ngày 9/5, Bộ Nội vụ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ ban hành 34 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.

Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã đề xuất Thủ tướng tặng bằng khen cho 10 địa phương đã xây dựng hồ sơ đề án trình Chính phủ bảo đảm chất lượng và hoàn thành sớm hơn thời hạn quy định. Các địa phương này bao gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Trị, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng nghị định quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn và thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp tỉnh, xã trong các lĩnh vực chuyên ngành. Công việc này cần được hoàn thành trước ngày 10/6, và các văn bản do bộ, ngành ban hành cần hoàn tất trước ngày 20/6.

Người đứng đầu ngành nội vụ bày tỏ mong muốn lãnh đạo các địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, tài chính, tài sản công, cũng như xây dựng phương án sắp xếp, bố trí nhân sự, nhằm bảo đảm các đơn vị hành chính mới có thể sớm đi vào hoạt động sau khi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan.

Các địa phương cũng cần đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chỉ định, bổ nhiệm, sắp xếp và bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt sau khi sáp nhập. Đồng thời, cần có các chính sách hợp lý để hỗ trợ những người chịu tác động từ việc sáp nhập, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai.

Theo tờ trình Bộ Nội vụ gửi Chính phủ ngày 8/5, sau khi sáp nhập, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; 28 tỉnh gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập là 3.321 đơn vị, trong đó có 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Có 3.193 xã phường mới hình thành do sáp nhập và 128 xã phường giữ nguyên, giảm 6.714 đơn vị so với hiện nay (66,91%).

Theo Báo BGĐT

Các tin khác

Sáng 9/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề cho cán bộ chủ chốt về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Trung tâm Báo chí được đặt tại trụ sở Hội Nhà báo TP HCM

Trung tâm Báo chí tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) chính thức khai trương tại Trụ sở Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, 14 Alexandre de Rhodes, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh vào sáng 27/4/2025.

Phố Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm, dài khoảng 200 m treo nhiều cờ đỏ sao vàng trên cao.

Nhiều tuyến đường, ngõ tại Hà Nội trang trí cờ đỏ sao vàng cùng biểu ngữ chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, thu hút du khách đến vui chơi, check in.

Sau 6 ngày tranh tài sôi nổi, Giải Vô địch cầu lông đồng đội nam nữ hỗn hợp quốc gia năm 2025 vừa kết thúc. Đoàn Bắc Giang xuất sắc giành ngôi vị cao nhất tại giải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự