Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm và chỉ đạo sản xuất đầu năm tại huyện Sơn Động
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2022 | 2:12:39 PM
Ngày 08/02, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm và chỉ đạo sản xuất đầu năm tại huyện Sơn Động. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và Đoàn công tác đến thăm mô hình sản xuất khoai tây chế biến liên kết với doanh nghiệp của bà con nông dân thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động. Đây là mô hình có tổng diện tích gần 50 ha, được Công ty Tân Nông liên kết với bà con triển khai trồng trong nhiều năm nay. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con khi thu hoạch. Bình quân mỗi 1 sào khoai tây cho năng suất khoảng 3 tạ, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, dù địa thế và điều kiện canh tác của bà con vùng này thuận lợi, song thực tế hiện nay giá trị kinh tế mang lại trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác chưa cao. Việc đưa cây trồng phù hợp để đẩy mạnh việc luân canh tăng vụ, đưa các loại cây trồng xuất khẩu vào sản xuất có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là vấn đề đặt ra đối với địa phương vùng này.
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (địa chỉ tại huyện Lục Ngạn) nhằm gợi mở cho bà con nông dân, chính quyền địa phương về việc hoàn toàn có thể áp dụng triệt để việc luân canh, tăng vụ, sử dụng và phát huy có hiệu quả liên kết sản xuất để nâng cao giá trị. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động phối hợp với Công ty xây dựng mô hình điểm trồng cây đậu tương rau, đồng thời chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu suất và giảm sức lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần lao động, sáng tạo trong sản xuất của bà con, đồng thời động viên và mong muốn bà con mạnh dạn thay đổi tư duy, truyền thống canh tác, áp dụng đưa cây trồng mới vào sản xuất để luân canh, tăng vụ nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
Làm việc với Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Sơn Động, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ về trăn trở cũng như định hướng của lãnh đạo tỉnh đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo vùng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, lãnh đạo tỉnh đã bàn và đang có định hướng xác định Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Thế là vùng phát triển xanh của tỉnh, song vẫn phải đảm bảo đời sống thu nhập và làm giàu cho bà con từ mục tiêu này.
Hiện đối với huyện Yên Thế đã có gà đồi, kinh tế rừng; huyện Lục Ngạn, Lục Nam phát triển cây ăn quả. Riêng huyện Sơn Động, ngoài cây rừng, lãnh đạo tỉnh cũng rất trăn trở và mong muốn huyện phải có từ 3 - 4 cây trồng chủ lực để khẳng định lợi thế vùng của huyện và làm giàu bền vững cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tại buổi làm việc này cơ quan chuyên môn, lãnh đạo huyện Sơn Động và lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp tập trung trao đổi làm rõ về lợi thế, cơ hội nên đưa cây trồng nào vào sản xuất hình thành cây trồng chủ đạo, đặc trưng riêng của huyện Sơn Động.
Từ định hướng gợi mở của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng người dân Sơn Động chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng, hơn nữa địa hình sản xuất cũng khó khăn, trình độ canh tác và sự năng động trong sản xuất của bà con nông dân còn hạn chế. Do đó, ngoài việc phát triển một số loại cây ăn quả sẵn có như: Vải thiều, táo, bưởi thì nên tập trung vào phát triển một số loại cây trồng dược liệu ngắn ngày. Cùng đó là phát triển gia súc, gia cầm số lượng đàn lớn.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Hoàng Văn Trọng cho rằng, nếu cứ phát triển rừng sẽ dẫn đến đất rừng nghèo kiệt, những năm qua huyện cũng đã quan tâm phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, song quy mô còn diện hẹp và hiệu quả vẫn chưa cao. Đồng chí mong muốn các sở, ngành tiếp tục đồng hành với huyện có định hướng, chính sách để huyện Sơn Động phát huy tối đa lợi thế phát triển nông nghiệp.
Đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết về nhu cầu thị trường của các nước trên thế giới đối với việc nhập khẩu một số cây trồng dược liệu mà huyện Sơn Động có thể đưa vào như: Cây quế, câu dổi là loại cây có thể đem lại giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu tốt và nhất là phù hợp với khí hậu của huyện. Ngoài ra, còn có có thể trồng các cây dược liệu khác như: cây đương quy, cây đinh lăng, cây bạch đậu khấu là loại được nhiều doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm luôn. Riêng đối với cây chanh leo là cây tiềm năng, nhu cầu thị trường rất lớn, doanh nghiệp cam kết sẽ đồng hành cùng huyện và bà con nông dân để xây dựng vùng trồng và bao tiêu sản phẩm.
Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để hỗ trợ địa phương, Sở đang thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia về điều tra, định danh cây dược liệu vùng Tây Yên Tử, cuối năm nay sẽ có đánh giá, định danh được các loại cây phù hợp với vùng đất này, xin cấp giấy phép để công bố giống, được phép lưu hành, phát triển, giá trị cao, dễ trồng, có doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu. Đồng thời đề nghị huyện Sơn Động quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đồng thời chú trọng bảo hộ các sản phẩm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, huyện Sơn Động có đặc thù khác, địa hình chia cắt, đất đai manh mún, thủy lợi chủ yếu là giếng trời... nên việc đưa các loại cây trồng mới vào rất khó, do đó huyện cần tập trung vào các loại cây đang có lợi thế như vải thiều và cây vụ Đông vì đây là 2 loại cây các huyện khác đang giảm. Huyện cần quan tâm hướng dẫn người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc đảm bảo thâm canh, nâng cao chất lượng tạo hiệu quả và thuận cho tiêu thụ. Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng cửa hàng bán sản phẩm OCOP để bán sản phẩm địa phương...
Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cũng cho rằng, huyện Sơn Động là địa bàn có dư địa sản xuất lớn. Tuy nhiên chủ yếu là trồng rừng, giá trị sản xuất từ trồng keo chưa cao, song hậu quả về rửa trôi, đất bạc màu từ trồng rừng ảnh hưởng lớn. Chính vì thế, sở, ngành, huyện Sơn Động cần có tham mưu định hướng đúng phát triển nông nghiệp của huyện.
Thực tế việc xây dựng mô hình sản xuất từ trước đến nay ở huyện Sơn Động không thể nhân rộng, cứ hết hỗ trợ là mô hình sản xuất cũng không tồn tại. Cần có sự nghiên cứu bài bản chi tiết đồng bộ, cùng với đó mời chuyên gia nghiên cứu kỹ về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, nhận định để từ đó có định hướng, lựa chọn sản phẩm trên nền tảng lịch sử phát triển nông nghiệp của huyện, có trọng tâm, trọng điểm với chiến lược và chính sách lâu dài gắn với nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nông dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định huyện Sơn Động có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu. Những năm qua, huyện cũng đã có nhiều mô hình phát triển sản xuất, song chưa có sản phẩm tương xứng với tiềm năng, chưa có sản phẩm chủ lực nào ngoài cây lâm nghiệp, đây là hạn chế cần khắc phục. Hiện nay, các huyện trong tỉnh đang có xu thế đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, mỗi huyện đã hình thành được những cây, con thế mạnh cho mình, chỉ riêng Sơn Động là chưa có. Từ thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Sơn Động cần có quyết tâm mới, không để tụt hậu với các địa phương khác.
Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho huyện ngay trong năm nay phải tập trung tổng kết, đánh giá lại các mô hình, cây con từ trước đến nay và phải đặt ra quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải đưa cây trồng, vật nuôi chủ lực để giúp người dân thoát nghèo. Trong đó, ưu tiên cho phát triển cây trồng, vật nuôi có khả năng liên kết; có thị trường xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước và có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra chất lượng vượt trội thì mới có thể thành công. Đồng thời phải tạo ra cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khả năng trình độ canh tác của bà con. Phải coi trọng sản phẩm OCOP để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tiềm năng của Sơn Động là cây dược liệu nên huyện cố gắng tìm cây dược liệu ngắn ngày, phù hợp với địa phương. Đối với cây ăn quả, phát huy thế mạnh sẵn có, giữ vững các cây thế mạnh như lúa, vải thiều, tuy nhiên phải coi trọng đầu tư tương xứng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để vải thiều Sơn Động không thua kém vải thiều Lục Ngạn. Đối với cây táo, huyện có thể quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, huyện nên quan tâm trồng cây bơ vì tiềm năng của loại cây trồng này rất lớn.
Riêng đối với loại cây chế biến xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Sơn Động phải quyết tâm xây dựng mô hình cây chanh leo, chọn các xã điểm để triển khai mô hình, từng bước mở rộng diện tích, đưa Sơn Động trở thành vùng trồng cây chế biến cho doanh nghiệp. Đối với cây vụ Đông, huyện nên mạnh dạn đầu tư cho loại cây trồng này, tỉnh sẽ quan tâm cơ chế hỗ trợ, đầu tư bài bản để nâng cao hiệu quả vì cây trồng vụ Đông có cơ hội liên kết lớn.
Về thị trường tiêu thụ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho rằng, huyện không nên nóng vội, phải xác định trồng cây gì cũng phải từng bước và làm bài bản để mở rộng thị trường, trong đó chú ý ưu tiên chọn cây trồng xuất khẩu và phục vụ thị trường tiềm năng như Quảng Ninh. Đối với chăn nuôi nên xây dựng nhãn hiệu gà Sơn Động. Tuy nhiên để làm được điều này thì vấn đề chính sách hết sức quan trọng, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu xây dựng chính sách, tỉnh sẽ quan tâm ban hành cơ chế đặc thù đối với huyện để đồng bào vùng cao phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tặng hoa và chúc mừng năm mới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Sơn Động, năm mới thắng lợi mới.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và Đoàn công tác đã tham dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Nhâm Dần tại Khu du lịch Đồng Cao, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động.
Ngay trong ngày hôm nay, toàn huyện trồng 3.400 cây, trong cả năm huyện tiến hành trồng 6 triệu cây phân tán. Đồng thời thực hiện có hiệu quả phong trào Tết trồng cây gắn với nhiệm vụ trồng rừng năm 2022 và những năm tiếp theo để đảm bảo giữ tỷ lệ che phủ rừng của huyện Sơn Động đạt 77,5%.
Theo Cổng TTĐTBG (CN)
Các tin khác
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 20/11, Đại hội Internet thế giới năm 2024 đã khai mạc tại Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu đến từ các nước, khu vực và tổ chức quốc tế trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Sáng 18/11, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.
Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ chuyến công tác Brazil, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, ngày 17/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva. Hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược.