Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX: Nhiều ý kiến thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2022 | 3:54:36 PM

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (8/12), HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên thảo luận tại hội trường và chất vấn, trả lời chất vấn. Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa phiên thảo luận.

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Thảo luận nhiều vấn đề "nóng"

Trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 15 lượt đại biểu nêu ý kiến về các lĩnh vực KT-XH, an ninh trật tự. Trong đó, tập trung vào những vấn đề như xây dựng lò, khu xử lý rác và một số vấn đề vướng mắc; thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; một số khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; phát triển du lịch cộng đồng. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; tình hình an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp; giải pháp hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế; thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục mầm non, nhóm trẻ trong thời gian qua; một số khó khăn khi triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi; thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số hiện nay...

Trao đổi về vấn đề thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác thu gom, xử lý rác thải thời gian tới, đại biểu Thân Quang Tình, Tổ đại biểu khu vực huyện Việt Yên kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, lắp đặt các lò đốt rác quy mô cấp xã, liên xã; kịp thời nắm bắt và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết ngay đối với những vướng mắc phát sinh. 

Sớm giải quyết, tháo gỡ bất cập trong quá trình triển khai thu hút đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch tại TP Bắc Giang, huyện Lục Nam, Hiệp Hòa; thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, cho thuê cơ sở hạ tầng để thực hiện xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải tại huyện Việt Yên, Yên Dũng. 

Đại biểu Diêm Hồng Linh tham gia thảo luận.

Đại biểu Diêm Hồng Linh tham gia thảo luận.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, đại biểu Diêm Hồng Linh, Tổ đại biểu khu vực huyện Việt Yên đề xuất giải pháp: Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có sự quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, thời điểm, địa bàn, đối tượng cụ thể. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân tích cực tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Làm rõ nguyên nhân DN sử dụng đất sai mục đích

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Miến, Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Dũng đặt câu hỏi: Qua rà soát các dự án được chấp thuận đầu tư bên ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh có 8 dự án sử dụng sai mục đích hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để xử lý, khắc phục?

Trả lời nội dung này, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận thực trạng đại biểu nêu là đúng. Từ năm 2018 đến nay, Sở đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, TP rà soát tình hình sử dụng đất của gần một nghìn DN trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện nhiều công trình, dự án sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, chậm đầu tư… 

Thời gian tới, Sở sẽ chấn chỉnh, khắc phục ngay việc tổng hợp, theo dõi, cập nhật thường xuyên, đầy đủ có hệ thống đối với tất cả các dự án đầu tư ngoài KCN để chủ động có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý. Thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm, mức độ vi phạm, đối chiếu với các quy định của pháp luật đất đai, phối hợp thanh tra, kiểm tra để đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện dự án, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiết lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định. 

Phối hợp với các sở, ngành thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính; điều kiện ký quỹ, điều kiện, nhu cầu sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, hạn chế vi phạm. Trước mắt, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án có vi phạm pháp luật về đầu tư.

Đại biểu Trần Thị Vượng chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Vượng chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Vượng, Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Thế tiếp tục chất vấn về tình trạng nhiều DN đầu tư bên ngoài các KCN vi phạm về bảo vệ môi trường nhưng chậm khắc phục, một số chủ đầu tư cố tình vi phạm, không tuân thủ cam kết, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và giải pháp xử lý vấn đề này?

Ông Bùi Quang Huy làm rõ: Qua kiểm tra, rà soát có 78 dự án chưa thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường. Về trách nhiệm, trước hết thuộc về các chủ đầu tư dự án (đối tượng phải có thủ tục môi trường); bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm trong việc theo dõi, cập nhật đầy đủ danh sách để đôn đốc, hướng dẫn; thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư. 

UBND cấp huyện có trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và xử lý vi phạm chủ đầu tư các dự án phải thực hiện các thủ tục về môi trường thuộc thẩm quyền trên địa bàn. Việc phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện chưa tốt trong việc chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án đầu tư khi chưa có thủ tục môi trường.

Thời gian tới, Sở sẽ chấn chỉnh việc theo dõi, cập nhật thường xuyên, đầy đủ có hệ thống đối với tất cả các dự án đầu tư ngoài KCN để chủ động có kế hoạch kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngay trong tháng 12 này và thời gian tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các huyện, TP kiểm tra, đôn đốc 48 dự án thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường, yêu cầu lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường trình thẩm định phê duyệt, xử lý nghiêm vi phạm. 

Đại biểu Phạm Thị Nhung, Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Dũng đặt câu hỏi: Hiện có nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư bên ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh nhưng chậm tiến độ, đầu tư sai mục tiêu, đã được giao đất nhưng chưa triển khai xây dựng… Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết?

Bà Bùi Thị Thu Thủy trả lời.

Bà Bùi Thị Thu Thủy trả lời.

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 1.395 dự án được chấp thuận đầu tư bên ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, có 143 dự án chậm tiến độ; 21 dự án đầu tư sai mục tiêu so với mục tiêu đã đăng ký; 21 dự án đã được giao đất nhưng chưa triển khai xây dựng; một số dự án đã được thuê đất nhưng chỉ xây dựng một số công trình phụ trợ mà chưa xây dựng các hạng mục công trình chính để đưa dự án đi vào hoạt động, tình trạng này đúng như ý kiến phản ánh của đại biểu HĐN tỉnh nêu ra.

Nguyên nhân là do đa phần các dự án đầu tư bên ngoài các khu, cụm công nghiệp đều không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, các DN, nhà đầu tư phải tự thoả thuận với người dân có đất khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn tới việc triển khai thực hiện các dự án bị chậm tiến độ. 

Mặt khác, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm dịch diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly… làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư, dẫn đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án bị chậm so với quy định.

Một số DN đã được thuê đất nhưng năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng nên tiến độ triển khai nhiều dự án chậm. Ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn tới việc vi phạm các quy định của pháp luật liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cá biệt có trường hợp cố tình vi phạm.

Để xảy ra những hạn chế, sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư do chưa thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cũng như hướng dẫn, đôn đốc các huyện, TP trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư trên từng địa bàn. UBND các huyện, TP còn chưa thực sự quan tâm, thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác bồi thường, GPMB dẫn tới sai phạm của nhà đầu tư. 

Để tiếp tục tăng cường quản lý đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, TP tổ chức kiểm tra, làm rõ các nội dung liên quan và đề xuất biện pháp xử lý đối với các dự án ngừng hoạt động.

Ông Dương Thanh Tùng trả lời chất vấn.

Ông Dương Thanh Tùng trả lời chất vấn.

Thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Hải Yến, Tổ đại biểu khu vực huyện Tân Yên về thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 còn hạn chế, giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian tới, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong danh mục dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 có 32 dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến hơn 49 tỷ đồng. Năm 2021 có 5 dự án, kế hoạch được hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 78 tỷ đồng. Năm 2022 không có dự án, kế hoạch liên kết nào trình.

Nguyên nhân do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, giá cả vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến việc đầu tư, mở rộng sản xuất của các DN, HTX. Cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn, khuyến khích, thu hút DN, HTX tham gia, thực hiện, do có mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước so với tổng chi phí sản xuất không cao, chỉ chiếm khoảng 15 - 25%; mức hỗ trợ giống, vật tư không quá 1 tỷ đồng/dự án, kế hoạch liên kết đối với dự án/kế hoạch liên kết có quy mô lớn là chưa phù hợp; thời gian thanh toán giải ngân kinh phí hỗ trợ của nhà nước chậm (sau ít nhất từ 1-2 năm), nên cũng chưa thu hút được nhiều  DN, HTX tham gia...

Giải pháp thời gian tới, Sở sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến các cấp chính quyền và các đối tượng thụ hưởng. Đề nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh, nhất là tại khoản 7 Điều 1 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết theo hướng giải ngân, thanh toán kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo từng nội dung hỗ trợ, từng vụ (lứa) sản xuất sau khi có biên bản nghiệm thu của cơ quan thanh toán vốn.

Chất vấn Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu Trần Thị Kim Ngân, Tổ đại biểu khu vực huyện Lục Ngạn đặt vấn đề: Hiện nhiều địa phương đang lúng túng, khó khăn trong việc quản lý, xác định giá trị tài sản, quy trình, thủ tục hồ sơ giao một số tài sản công, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đình Hiếu làm rõ những vấn đề chất vấn.

Ông Nguyễn Đình Hiếu làm rõ những vấn đề chất vấn.

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính, hiện nay các địa phương còn nhiều vướng mắc trong việc thống nhất quản lý tài sản công, nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa đầy đủ. Việc rà soát, theo dõi tài sản công tại một số đơn vị chưa kịp thời, đầy đủ các nội dung và các yếu tố đòi hỏi phải hạch toán theo quy định hiện hành như một số đơn vị chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản; chưa nghiêm túc chấp hành việc báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, thường báo cáo chậm, nội dung báo cáo sơ sài, gây khó khăn cho cơ quan tổng hợp báo cáo…

Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục tổ chức phổ biến tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung mới, các nội dung sửa đổi, bổ sung để kịp thời triển khai trên địa bàn.

Đối với công trình cấp nước sạch tập trung: Các công trình do DN quản lý sẽ yêu cầu DN lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cụ thể đối với từng công trình, xác định rõ thời gian hoàn thành. Trong trường hợp không có khả năng quản lý vận hành, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi để lựa chọn giao DN khác quản lý.

Các công trình cấp nước do UBND cấp xã quản lý sẽ tiếp tục kêu gọi các DN nhận đầu tư và quản lý, vận hành công trình. Trường hợp không có DN nhận quản lý công trình thì đề xuất danh mục cần đầu tư, cải tạo, sửa chữa và đề xuất kinh phí ngân sách nhà nước cấp để sửa chữa, nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động (còn khả năng khai thác) để khôi phục cấp nước cho nhân dân. Những công trình không còn khả năng sửa chữa, sử dụng đề xuất thanh lý…

Về lò đốt rác thải sinh hoạt và bãi xử lý rác thải, sẽ tăng cường tuyên truyền, triển khai phổ biến sâu rộng các quan điểm chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 17- CT/TU, Kết luận số 99-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kế hoạch, quy định, đề án của UBND tỉnh tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng lò đốt rác thải; nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các cơ quan để tham mưu trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ, quy trình đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đối với các huyện có dự án.

Chiều nay, HĐND tỉnh tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về một số vấn đề quan trọng khác.

Theo Báo BGĐT (CN)

Các tin khác
GS. Yann LeCun là nhân vật kiệt xuất trong lĩnh vực AI (Ảnh: The New York Academy of Sciences).

Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội. Chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất trong các lĩnh vực trọng yếu, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học vật liệu, khoa học sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững… sẽ mang tới nhiều thông tin và góc nhìn mới mẻ về tương lai của thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Internet thế giới năm 2024 ở Chiết Giang, Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 20/11, Đại hội Internet thế giới năm 2024 đã khai mạc tại Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu đến từ các nước, khu vực và tổ chức quốc tế trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 18/11, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.

Với chủ đề “Bứt phá Kiên cường”, Lễ trao giải VinFuture 2024 là một trong những sự kiện tâm điểm được đón chờ nhất của giới Khoa học Công nghệ toàn cầu.

Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục