Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn
- Cập nhật: Thứ hai, 25/7/2022 | 9:18:30 PM
Chiều 25/7, tại tỉnh Quảng Ngãi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
|
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi…
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương đã báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Thị Quỳnh Vân báo cáo thêm về đóng góp của BSR, khẳng định sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị PVN tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi số bảo đảm phù hợp đặc thù ngành dầu khí với trình độ kỹ thuật cao và mô hình kinh doanh trên nền tảng số.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tập đoàn PVN ngày càng khẳng định vị thế và vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và cho sự phát triển kinh tế - đối ngoại của quốc gia, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí góp phần tự chủ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Nhấn mạnh PVN cần tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm; và nêu rõ "không đầu tư dàn trải; quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ, tồn đọng kéo dài".
Theo Chủ tịch Quốc hội, kể từ ngày thành lập 9/5/2008, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn luôn là "anh cả đỏ" của ngành Dầu khí, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để vươn lên mạnh mẽ. Công ty được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả quan trọng đạt được, theo đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức được nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại được hơn 10 năm, đã cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 80 triệu tấn sản phẩm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng hơn 195 nghìn tỷ đồng.
Kết quả ấn tượng khác là Công ty cung cấp việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động (trong đó có trên 52% người lao động là người Quảng Ngãi và khoảng trên 82% người lao động là người miền Trung và Tây Nguyên); đóng góp khoảng hơn 250 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá rất cao nỗ lực, sự chủ động khắc phục khó khăn của Công ty BRS khi quý III/2021 là thời điểm hàng chục tỉnh, thành áp dụng các chỉ thị trong thời gian dài trong phòng, chống COVID-19, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm, tồn kho tăng cao kỷ lục. BSR tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội với tổng kinh phí đã giải ngân trên 40 tỷ đồng, năm 2021 BSR đã đóng góp 20 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine; 12,6 tỷ đồng cho Chương trình mua máy thở; 10 tỷ đồng cho Chương trình "máy tính và sóng cho em"; 1,8 tỷ đồng an sinh xã hội cho Quảng Ngãi…
Theo số liệu báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2022, PVN đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đó là: hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra đối với các chỉ tiêu sản xuất quan trọng; các chỉ tiêu tài chính của PVN tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp rất quan trọng vào ngân sách Nhà nước (đã hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách cả năm 2022 với 66,1 nghìn tỷ đồng); các dự án trọng điểm dầu khí tích cực được triển khai và bước đầu đạt kết quả nhất định (vừa qua đã khánh thành Nhà máy Điện Sông Hậu 1; dự án Nhà máy điện Thái Bình 2 đang từng bước hoàn thiện,…). Tính đến tháng 5/2022, các chỉ số sản xuất kinh doanh chính đều vượt kế hoạch đề ra…
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập thể lãnh đạo, các cấp ủy Đảng, cán bộ, người lao động Tập đoàn PVN tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 23/7/2015 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748, 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần triển khai đồng bộ Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp của PVN, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực đã được đầu tư cũng như hình thành hệ sinh thái, phát triển chuỗi giá trị dầu khí nhằm tăng khả năng cạnh tranh từng bước khẳng định vị thế của Petrovietnam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn tập trung công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính. Nhấn mạnh tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, xu hướng chuyển đổi năng lượng sắp tới là rất lớn, chẳng hạn xe điện sẽ phát triển, nên nhu cầu năng lượng sẽ ít đi. Công ty phải tính dài hạn như vậy, từ đó thay đổi cơ cấu sản phẩm, chủ động phương án tài chính; tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Đồng thời, công ty cần nâng cao tỷ lệ bảo dưỡng; nâng cao năng lực và tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để góp phần nâng cao năng suất lao động, mức độ an toàn, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức.
Công ty BSR cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Quốc gia tại Dung Quất đồng thời góp phần kéo dài chuỗi giá trị dầu khí khẳng định sự phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước liên quan hoạt động ngành dầu khí cũng như thích ứng với biến động của kinh tế vĩ mô hiện nay và xu hướng dịch chuyển năng lượng ngày càng nhanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật; dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới.
Về các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn PVN, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu trong quá trình thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) để hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của luật khi ban hành; giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các kiến nghị của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn chuyển đến các bộ, cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/1997, là công trình trọng điểm quốc gia với tổng số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD (giá trị quyết toán công trình khoảng 43.000 tỷ đồng), công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; sản phẩm chính là Mogas 92/95, diesel, JET A1, FO, LPG, Propylene, Polypropylene. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được quản lý, khai thác, vận hành bởi Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao quà tặng cán bộ, người lao động của Công ty BSR là con thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng.
BD- Theo TTX VN
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.