Góp phần bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ
- Cập nhật: Thứ ba, 20/9/2022 | 3:34:06 PM
Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80). Quy định 80 gồm 6 chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 105). Đánh giá về các nội dung trong Quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, so với Quy định 105, Quy định 80 đã có những nội dung được chỉnh sửa phù hợp thực tế, cụ thể hơn.
Việc ban hành Quy định số 80 thể hiện nỗ lực không ngừng của Đảng ta trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng, cho đất nước, đúng theo tinh thần "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cập nhật thực tiễn
Theo Quy định 80, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị đã được bổ sung. Tại khoản 9, điều 6 về "Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị" nêu rõ: Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, gồm cả dự khuyết). Trước đây, ở khoản 5, điều 4 về "Bộ Chính trị" tại Quy định 105 nêu nội dung: Bộ Chính trị quyết định việc đánh giá, bố trí, giới thiệu ứng cử, chỉ định, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chính sách đối với các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định hoặc phân cấp.
Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), việc ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các ủy viên trung ương, gồm cả dự khuyết) là cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn do Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan theo dõi, quản lý hồ sơ của cán bộ cấp chiến lược, từ đó lựa chọn xác đáng những cán bộ có tâm, có tầm, điều mà toàn dân mong muốn.
Bên cạnh đó, khoản 2, điều 6, Quy định 80 nêu rõ, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; trong khi đó, tại khoản 2, điều 4, Quy định 105 chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là "Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương". Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, việc mở rộng quy định trên nhằm xác định rõ hơn nữa chiến lược cán bộ, tìm ra những cán bộ tiêu biểu nhất, giúp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 80; cho rằng, việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quyết định vận mệnh của đất nước, uy tín và hiệu lực của Đảng trong lãnh đạo nhân dân. Do đó, Quy định 80 cần có những bước tổ chức phù hợp nhằm phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ đảng viên cấp dưới với cấp trên, vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới.
Quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân giới thiệu và tổ chức thẩm định cán bộ được bổ nhiệm, đặc biệt là đối với cấp ủy trực thuộc Trung ương, tại điều 8, Quy định 80 nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định, quyết định của Trung ương về công tác cán bộ và cán bộ tại địa phương. Điều này nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác cán bộ, góp phần cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, từ đó triển khai hiệu quả công tác cán bộ - "khâu then chốt” của "nhiệm vụ then chốt” trong công tác xây dựng Đảng nói chung.
7 điều kiện bổ nhiệm
Một điểm mới nữa được nhiều chuyên gia, học giả đánh giá cao, coi đây là bước tiến trong công tác cán bộ là quy định về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Điều 21 quy định rõ quy trình nhân sự 5 bước đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Như vậy, Quy định 80 giữ nguyên quy trình nhân sự tại Quy định 105. Tuy nhiên, Quy định 80 đã bổ sung 2 điều kiện bổ nhiệm là những nội dung cập nhật, phù hợp thực tiễn: Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cùng với đó, cán bộ được bổ nhiệm phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là hai năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đáng chú ý, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong thời gian từ 12 - 60 tháng.
Đánh giá việc bổ sung điều kiện bổ nhiệm tại Quy định 80, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng nhân dân hay dùng từ khá buồn: "cán bộ tráng men”, đi có vài tháng, 1 năm, rồi lại chuyển, chưa kịp có dấu ấn, chưa thực hiện được ước mơ, hoài bão, sáng kiến đã lại đi. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường nhận định, việc quy định rõ cán bộ được bổ nhiệm phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm là hợp lý, được cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đồng quan điểm, Đại tá, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long, Học viện An ninh nhân dân cho rằng, quy định như vậy nhằm đảm bảo thời gian tổ chức, tập thể đánh giá, nhìn nhận cán bộ được bổ nhiệm, từ đó có những đánh giá xác đáng; đồng thời, có độ chín muồi để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 80 với những điểm mới cập nhật thực tiễn sẽ góp phần bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt nói riêng thật sự tiêu biểu, có tâm, có tài và có tầm, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài và phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng, của đất nước.
Các tin khác
.jpg)
Ngày 18/4, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 568 (Quân khu 3) tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Ban liên lạc) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025) và 40 năm tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc tại chảo lửa Tây Bắc Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (1985-2025) .

Sáng 18/4, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Thực hiện Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc để tang nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày (ngày 4 và 5/4), tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các cơ sở vui chơi, giải trí dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Bắc Giang đang rốt ráo triển khai các phần việc theo chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh.