Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi cán bộ mặt trận ở cơ sở phải “cùng đi, cùng ở, cùng làm” với nhân dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/11/2022 | 7:32:09 AM

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Bằng khen của Thủ tướng cho các điển hình tiêu biểu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Bằng khen của Thủ tướng cho các điển hình tiêu biểu.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng 299 điển hình xuất sắc, tiêu biểu là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nêu rõ: Hội nghị biểu dương 299 tấm gương tiêu biểu ở 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho 10.599 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và hơn 97.000 Trưởng ban công tác Mặt trận.

Các đại biểu được tuyên dương là những điển hình tiêu biểu nhất, đầy đủ thành phần, đại diện cho 43 dân tộc, 8 tôn giáo, là những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những thành tích nổi bật của các đại biểu tham dự hội nghị, cũng như rất nhiều tấm gương thầm lặng khác trên các lĩnh vực công tác của Mặt trận, nhất là ở cấp cơ sở, trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước.

Có thể nói, mỗi đại biểu là một tấm gương "người tốt, việc tốt”, là một câu chuyện đầy cảm động về hình ảnh người cán bộ Mặt trận thầm lặng "ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”, trực tiếp đến từng gia đình, từng cá nhân để vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; thực hành dân chủ ở cơ sở; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chung tay chăm sóc người có công, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...có sự sẻ chia lúc tối lửa tắt đèn, lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hoạt động của Mặt trận cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận đã góp phần quan trọng cùng cả nước từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ chăm lo người dân vượt qua đại dịch và ổn định cuộc sống.

Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm ghi nhận, khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần tích cực vào những thành tựu chung của cả nước. Qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước cho biết: Chiều 26/11, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 63 đại biểu trong số 299 đại biểu tiêu biểu dự hội nghị hôm nay. Những vấn đề đồng chí Tổng Bí thư đã nêu là kim chỉ nam trong công tác Mặt trận ở cơ sở, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận. Đó là, công tác mặt trận trước hết cần phải gần dân, sát dân, trọng dân. Thứ hai, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Thứ ba, giám sát phản biện xã hội, kể cả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa bàn. Thứ tư, cán bộ mặt trận ở cơ sở cần tạo niềm tin cho người dân ở địa bàn của mình và nhiều ý kiến có liên quan khác. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, vận dụng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi công tác Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”.

Tin tưởng và mong muốn thời gian tới, các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận trong cả nước tiếp tục chung tay cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương; Chủ tịch nước đề nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cấp xã và Ban Công tác Mặt trận gắn chặt với cơ sở, cộng đồng dân cư, coi đây là yếu tố sống còn của công tác Mặt trận.

Cán bộ làm công tác Mặt trận cần chủ động hơn nữa, thường xuyên hơn nữa, bám sát cơ sở, xuống tận làng, bản, thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, dòng họ, cá nhân trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, động viên nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, đề cao phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ở nước ta, mỗi địa phương, thậm chí là từng làng, bản, thôn, tổ dân phố… đều có những nét đặc thù về địa lý, dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội… Do vậy, người cán bộ Mặt trận ở cơ sở phải dựa vào tình hình thực tế, nắm rõ, hiểu rõ từng địa bàn, hộ gia đình cụ thể, con người cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đảm bảo "đúng, trúng và kịp thời”.

Bên cạnh đó, chủ động, tích cực, thường xuyên hơn nữa trong việc tham mưu với các cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Trong đó, công tác Mặt trận cần bám vào những nội dung sát thực với từng địa phương, đặc biệt là các vấn đề nóng, thời sự, nhạy cảm đang được người dân quan tâm. Chủ động đề xuất với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham mưu việc tổ chức đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân. Làm tốt hơn vai trò lắng nghe tập hợp ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cán bộ Mặt trận cần nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, chúng ta cần phải giải thích, giải đáp góp phần giải quyết theo nhiệm vụ, mặt khác phải kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời, thấu đáo nguyện vọng chính đáng của người dân, của hộ gia đình.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất những chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ làm công tác Mặt trận tại cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm các cán bộ Mặt trận của chúng ta yên tâm về tư tưởng, ổn định cuộc sống, gia đình để toàn tâm, toàn ý công tác và cống hiến.

Chủ tịch nước mong muốn, mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở luôn là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, gần dân, có uy tín với dân; am hiểu pháp luật, không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động; thật sự gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong khó khăn, vất vả, thậm chí chịu thiệt thòi hơn và hy sinh lợi ích cá nhân để "cùng đi, cùng ở, cùng làm” với nhân dân; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những mâu thuẫn nội bộ cho người dân ngay từ cơ sở...

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, sau hội nghị này, công tác Mặt trận tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức, cách làm, các phương thức hoạt động; phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cấp xã, Ban công tác Mặt trận và cán bộ làm công tác Mặt trận ở hơn 100 nghìn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Báo BGĐT (CN)

Các tin khác
Đồng chí Trần Tuấn Nam định hướng một số nội dung tuyên truyền.

Ngày 27/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 11. Đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc.

Ngày 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục