Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bắc Giang “chia lửa” cùng Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2022 | 3:38:53 PM

Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, "rải thảm" Hà Nội. Bắc Giang là một trong những vùng mục tiêu trọng điểm của địch. Quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hiệu quả, đóng góp sức người, sức của “chia lửa” cùng Hà Nội.

Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ ở đầu cầu đường sắt Bắc Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Việt Anh.
Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ ở đầu cầu đường sắt Bắc Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Việt Anh.

Vùng giáp ranh Thủ đô, trọng điểm đánh phá

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang có vị trí địa-chính trị đặc biệt quan trọng, là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Khu vực thị trấn Kép (Lạng Giang) - nơi có sân bay quân sự Kép, nhà ga, cầu Lường, có tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1 chạy qua. 

Tháng 5/1972, cảng Hải Phòng phải ngừng hoạt động, tuyến vận tải ven biển vào phía Nam bị cắt đứt, tỉnh Bắc Giang lúc này được ví như "cảng nổi” để tiếp nhận, trung chuyển lương thực, hàng quân sự và hàng thiết yếu do Liên Xô và các nước XHCN viện trợ đưa vào miền Nam. Vì vậy, Bắc Giang là một trong những tỉnh thường xuyên bị đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá ác liệt.

Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom "rải thảm" Hà Nội. Trong suốt đợt tập kích chiến lược 12 ngày đêm khói lửa ấy, Bắc Giang cũng là vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Ngay đêm tập kích đầu tiên 18/12, chúng đã ném bom xuống khu vực ga Kép, sân bay Kép, phố Kép (Lạng Giang) và Bệnh viện huyện, làm đổ 58 gian nhà. Vệt bom kéo dài suốt ba xóm ở xã Tân Thanh (Lạng Giang) làm chết 13 người, bị thương 7 người. Cũng trong đêm đó, chúng đánh vào xã Yên Mỹ (Lạng Giang) làm chết 24 người, bị thương 10 người. Bom tàn phá, cắt đứt đường 1A ở làng Sậm, thị trấn Kép. Các đêm tiếp theo 19, 20, 21, 22 và 23/12, địch đánh vào các xã: Yên Mỹ, Tân Dĩnh, Dĩnh Kế. 

Cụ Đặng Đình Để, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh (Lạng Giang) kể về cuộc chiến 12 ngày đêm.

Cụ Đặng Đình Để, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh (Lạng Giang) kể về cuộc chiến 12 ngày đêm.

Đặc biệt là đêm 24/12, địch đã sử dụng đến 33 lần máy bay B52 đánh phá ác liệt xuống tuyến đường 1, sân bay Kép... Ông Đặng Đình Để (SN 1939), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh (Lạng Giang), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Huyện ủy Lạng Giang kể: Địa bàn xã lúc ấy có 2 trục giao thông lớn là quốc lộ 1A và quốc lộ 379, có một phần sân bay Kép và ga xe lửa. Hàng hóa từ các nước chi viện sang đều tập kết tại đây rồi chuyển đến các kho và chiến trường. Nhiều lần địch đánh trúng đoàn tàu, hàng hóa chưa kịp giải tỏa; có lần cả đoàn tàu bị lật, hàng hóa bung ra. Tính riêng đợt đánh địch từ ngày 18 đến 29/12/1972, chúng trút xuống huyện Lạng Giang hơn 3.000 quả bom, làm chết 92 người, bị thương 63 người, phá hủy bệnh viện, trường học và hàng trăm nhà dân.

Theo cuốn "Lịch sử quân sự Hà Bắc (1955-1975)” thì đợt tập kích 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 1.263 lần chiếc máy bay, trong đó có 48 lần chiếc B52 và 67 lần chiếc F111 cánh cụp, cánh xòe để đánh phá; thả xuống Bắc Giang 8.968 quả bom các loại; bắn 124 tên lửa; đánh phá 328 mục tiêu, trong đó có nhiều tuyến giao thông quan trọng. Chúng đánh vào cả khu dân cư ở 164 xã, 226 thôn, 8 khu phố. Riêng khu vực thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) chúng ném 2.832 bom phá, 17 bom xuyên. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, ngày nào cũng có máy bay B52 quần thảo trên bầu trời Bắc Giang, gây tổn thất nặng nề cho nhân dân địa phương.

Kiên cường đánh trả

Để bảo vệ quê hương và "chia lửa” cùng Hà Nội, các đơn vị tên lửa, pháo phòng không và không quân đóng quân trên địa bàn đã cùng nhân dân dũng cảm, kiên cường trụ vững, bám sát các mục tiêu, đồng loạt đánh trả máy bay địch. Ngày 21/12, Đại đội 515 pháo cao xạ, Trung đoàn 240 bắn rơi máy bay F111 tại thị xã Bắc Giang; ngày 26/12, Trung đoàn Tên lửa 285 bắn rơi máy bay F4; ngày 27/12, biên đội máy bay bắn rơi một chiếc F4 ở huyện Hiệp Hòa. Trong 12 ngày đêm, quân và dân Bắc Giang đã bắn rơi 16 máy bay Mỹ, bắt sống 12 giặc lái Mỹ.

Cụ Nguyễn Văn Ngữ (89 tuổi) ở thị trấn Kép - người tham gia bảo vệ sân bay Kép.

Cụ Nguyễn Văn Ngữ (89 tuổi) ở thị trấn Kép - người tham gia bảo vệ sân bay Kép.

Cùng với nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Bắc Giang đã phát động nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia phục vụ chiến đấu, lấy lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt. Tại sân bay Kép và các trận địa phòng không, cho dù bị địch phá ác liệt, hầu hết chỉ sau một đêm, quân và dân Bắc Giang đã sửa chữa để kịp thời cho máy bay ta cất cánh, chiến đấu. Và cũng chỉ một đêm, dân quân đã cùng bộ đội làm xong trận địa tên lửa ở khu vực Cầu Lồ (Lục Nam) bảo đảm yếu tố bất ngờ, bí mật cho trận đánh hôm sau. Đêm đầu tiên 18/12 năm ấy, ngay sau khi địch dùng máy bay B52 và F111 đánh phá ác liệt, lãnh đạo huyện Lạng Giang đã chỉ huy lực lượng gồm hàng nghìn thanh niên, dân quân tập trung sửa đường, bảo đảm thông xe ngay sau đó. 

Là một trong những cán bộ Trung đội dân quân thôn Dinh, xã Tân Thịnh (cũ), cụ Nguyễn Văn Ngữ (SN 1934), 61 năm tuổi đảng hiện sinh sống ở tổ dân phố Dinh, thị trấn Kép bồi hồi kể lại: "Ngày đó, Trung đội gồm 23 chiến sĩ, chia thành 4 đội (chiến đấu, cáng thương, hậu cần và đào bới hầm, hố). Khi máy bay địch xuất hiện, chúng tôi phối hợp với đơn vị bộ đội phòng không B65 bảo vệ sân bay Kép, làm trận địa, cứu hàng. Huyện còn có một lực lượng sửa gấp sân bay, dụng cụ chỉ là cuốc, xẻng và những tấm xi măng đúc sẵn. Sau mỗi trận địch bắn, các đội viên nhanh chóng cùng bộ đội san lấp hố bom, vá đường băng, củng cố các công sự, ụ pháo. Cùng đó là bảo vệ an ninh; báo động phòng không, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đi sơ tán”.

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 18/12/1972. Ảnh: Tư liệu.

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 18/12/1972. Ảnh: Tư liệu.

Tại các địa bàn, hàng nghìn người dân được huấn luyện pháo thủ dự bị. Dân quân sẵn sàng ra đào đắp trận địa, đan áo giáp, làm mũ rơm cho bộ đội chống bom bi, mảnh đạn; gánh nước lên các trận địa núi cao để phục vụ chiến đấu. Các ngành: Công an, quân sự, giao thông, bưu điện, thương nghiệp, tài chính, y tế, văn hóa thông tin… căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tăng cường tuần phòng canh gác bảo vệ kho hàng ở nhà ga; thành lập cửa hàng ăn uống quốc doanh, quầy hàng trực chiến phục vụ các đơn vị chiến đấu và các đoàn xe vận chuyển hàng hóa qua địa bàn; cứu chữa thương binh và nhân dân. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom” cũng lan tỏa rộng khắp, tiếp thêm tinh thần lạc quan cho bộ đội và nhân dân đánh trả giặc Mỹ xâm lược.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến thắng oanh liệt "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang dội đến ngày nay. Trong suốt 12 ngày đêm ấy, quân và dân tỉnh Bắc Giang tự hào đã đóng góp sức người, sức của, "chia lửa” cùng Hà Nội làm nên chiến thắng vĩ đại đó.

Theo Báo BGĐT (CN)

Các tin khác
Đồng chí Trần Tuấn Nam định hướng một số nội dung tuyên truyền.

Ngày 27/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 11. Đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc.

Ngày 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục