Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris
- Cập nhật: Thứ năm, 26/1/2023 | 9:23:10 PM
Đóng góp vào thắng lợi chung của Hiệp định Paris có một phần quan trọng của bà con Việt kiều tại Pháp. Trong thâm tâm của những người con đất Việt khi đó, họ sẵn sàng cống hiến dù gian khó đến đâu để hòa bình sớm được lập lại trên quê hương Việt Nam và non sông thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại Hội người Việt Nam tại Pháp.
|
Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại Hội người Việt Nam tại Pháp:
Lúc đó hoạt động chủ yếu của tôi là tranh thủ những người ủng hộ cuộc đấu tranh ở Việt Nam. Tôi phải đọc nhiều sách để tìm kiếm tài liệu nói rằng Mỹ đã sang Việt Nam và đã có những tính toán sẵn từ trước. Tôi chủ yếu là làm công tác thanh niên, ngoài việc tham gia những việc cụ thể của hội thì cũng tham gia những việc quần chúng.
Còn là sinh viên nên tôi không tham gia trực tiếp vào hoạt động của đoàn đàm phán, mà làm công tác tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng Hiệp định Paris là cần thiết. Công tác quần chúng là một hoạt động rất quan trọng của phong trào yêu nước tại Pháp, có sự tham gia của nhiều cô bác, anh chị trong Hội người Việt Nam tại Pháp. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo để giải thích, làm cho mọi người thấy những việc cần làm vì đất nước.
Phải nói là anh em chúng tôi trong lứa tuổi đó, gặp phong trào là tham gia luôn. Lúc đó muốn đi hoạt động nhiều hơn đi học. Lúc đó không suy nghĩ gì cả, chỉ cần biết tham gia hoạt động vì đất nước.
Chúng tôi đã tham dự phong trào hòa bình quốc tế, tranh thủ cầm cờ đỏ sao vàng để thu hút sự ủng hộ. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức mít-tinh vào ngày kỷ niệm ký Hiệp định Genève, xem như một hoạt động chính trị. Càng theo phong trào, chúng tôi càng ngấm lời căn dặn của của Bác Hồ đối với kiều bào về công tác ngoại giao nhân dân.
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị từ năm 1968-1973, với thế mạnh của giới sinh viên là trẻ, năng nổ, dễ tiếp cận, trong thời gian diễn ra đàm phán, chúng tôi đấu tranh rất quyết liệt và có lúc gặp nguy hiểm.
Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp ngày càng mạnh và tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng đất nước, nhất là từ khi có đàm phán Hiệp định Paris. Chúng tôi có sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng. Đó cũng là lời nhắn nhủ của chúng tôi đối với thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, rằng hãy đoàn kết một lòng hướng về đất nước, góp công gìn giữ và bảo vệ những thành quả của cách mạng.
Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:
Sau khi được biết rằng sẽ có cuộc đàm phán ở Paris, thì trong phong trào chuẩn bị để lập đội ngũ, cái đầu tiên các anh nghĩ đến là vấn đề sức khỏe của đoàn. Thành ra lúc đó tôi được sắp xếp ở trong số anh chị em sẽ chăm lo sức khỏe cho 2 đoàn. Trong nhóm chăm lo sức khỏe có bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ. Lúc đầu chỉ lo đoàn miền bắc, tôi thì ở Choisy-le-Roi nên được bố trí lo đoàn miền bắc mặc dù trong đoàn đã có bác sĩ rồi.
Trong thời gian lo cho đoàn thì có rất nhiều việc mà bà con ở đây không mấy dư dả. Vậy nên thuốc men để lo cho đoàn cũng là một vấn đề. Nhưng may là có mấy bác sĩ có phòng mạch bên này. Họ cũng rất rộng rãi nên nhờ vậy mà mình cũng đỡ tốn kém.
Thời gian đó rất vất vả. Bởi vì bác sĩ bên này rất nhiều việc vào ban ngày, đến tối đêm lại đi giúp đoàn. Nhiều lúc phải đi vào ban đêm nhưng mà lại rất vui vì được tham gia vào công việc chung của đất nước.
Về anh em trong đoàn đàm phán, tôi thấy họ quan tâm, thăm hỏi sức khỏe, hỏi thăm gia đình Việt kiều. Mặc dù các anh em trong đoàn rất bận nhưng khi gặp Việt kiều thì không bao giờ quên hỏi thăm. Vậy nên anh em trong đoàn và bà con trở nên thân thiết với nhau. Tất cả như người nhà.
Tôi có dịp gần các anh ở trong đoàn nhiều hơn vì ai cũng cần thuốc men, chăm sóc sức khỏe. Một năm đầu thì không sao nhưng thời gian hội nghị kéo dài nên cần có chương trình khám sức khỏe mỗi năm. Thành ra tôi cũng có dịp nói chuyện nhiều với các anh. Công việc ở nơi công tác và nơi có đoàn đàm phán cứ cuốn chúng tôi vào guồng máy đấu tranh vì hòa bình cho đất nước. Tới khi biết tin Hiệp định Paris sẽ được ký kết, tôi và rất nhiều bà con vui lắm vì sau nhiều đêm dài đấu tranh, chúng ta đã có chiến thắng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Việt kiều tại Pháp:
Năm nay anh em chúng tôi đã bước sang tuổi 70 rồi. Lúc đó anh em chúng tôi đều trẻ tuổi, chỉ mười tám đôi mươi, là du học sinh từ Việt Nam sang. Qua đây nhờ có phong trào yêu nước cho nên chúng tôi từng bước hiểu cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Và như vậy, anh em chúng tôi tham gia vào phong trào này cho đến hôm nay.
Nói về Hội nghị Paris, tôi nghĩ lực lượng trẻ tuổi lúc ấy trong phong trào là một lực lượng rất mạnh, và có thể nói là nòng cốt cho phong trào thời đó. Phong trào sinh viên được chia ra nhiều phân hội. Chúng tôi luôn nghĩ là "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Suốt 5 năm diễn ra hội nghị cho đến ngày ký kết, chúng tôi thường xuyên đứng phát báo ở trong trường đại học hoặc trong khu ký túc xá sinh viên để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và từ đó giải thích, vận động sự ủng hộ của cả người Việt và quốc tế.
Không chỉ riêng trường đại học của chúng tôi mà tại bất cứ đại học nào ở Pháp cũng thế. Nói về mặt trận dân vận, anh em chúng tôi chủ yếu tuyên truyền giữa người Việt Nam với nhau. Anh em chúng tôi thường đứng ở căng-tin vào buổi trưa. Gặp sinh viên đến ăn mà là người Việt Nam thì chúng tôi phát báo Đoàn kết rồi đề nghị nói chuyện. Rồi cứ như vậy, từng bước, từng bước. Rồi trong lớp học thấy có người sinh viên Việt Nam nào lạ thì mình đến làm quen bằng cách giúp đỡ nhau trong học tập. Có rất nhiều hình thức để tiếp cận họ.
Trước ngày ký hiệp định đó, tôi đã hoạt động chính trong phong trào rồi. Lúc đó tôi tham gia làm báo cho Liên hiệp Việt kiều. Tôi là người đánh máy, còn viết bài là mấy anh lớn tuổi hơn. Tôi đánh máy, sửa lỗi rồi in. Tôi còn nhớ, trước hôm ký một ngày, buổi chiều tôi ở đó làm báo, nhưng buổi tối tôi được chỉ thị đến một nơi để làm cờ. Rất nhiều anh chị em ngồi làm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ cờ nhỏ đến cờ lớn. Các chị hướng dẫn chúng tôi cắt thật khéo.
Ngày 27/1/1973, tầm 4 giờ 30, khi chúng tôi đến gần đường Kléber thì có cảnh sát rất đông nên tôi cũng sợ vì có giấu cờ trong người. May là họ không kiểm tra. Đến lúc 5 giờ sáng thì trời vẫn còn tối lắm, bắt đầu rải rác có người đến nhưng toàn bà con mình. Rồi có người Pháp đến và không bao lâu sau thì thấy đông nghẹt người ở xung quanh. Chúng tôi ngồi đợi đến trời sáng. Đến lúc đoàn đến thì phất cờ.
Cảm xúc của tôi khi đoàn đến thật khó diễn tả, vui mừng rơi nước mắt. Tôi hô hào chào mừng hai đoàn đám phán đến khản tiếng vì quá xúc động.
Ông Cấn Văn Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:
Ngay từ khi biết tin có đoàn đàm phán từ Việt Nam sang, Liên hiệp Việt kiều đã phân công các anh chị tham gia các hoạt động hỗ trợ đoàn, từ công việc phiên dịch tới hậu cần và an ninh.
Có nhiều anh chị em tại Paris làm việc trực tiếp với anh Xuân Thủy và chị Bình. Ở nhiều tỉnh thành khác như Bordeaux có chị Hồng Hoa vốn là chủ tiệm, cũng đóng cửa tiệm để lo phục vụ cơm ăn cho đoàn công tác. Anh Đỗ Chí Dũng lái xe, chị Hoàng Anh giúp việc phục vụ đoàn. Các anh chị em ở các địa phương lo chỗ ăn chỗ ở cho đoàn khi đi làm việc.
Marseille là nơi đoàn đi nhiều nhất. Chị Tiến tiệm cơm Hà Nội, ông Nguyên tiệm cơm Sài Gòn dành cả biệt thự của gia đình cho đoàn nghỉ ngơi. Lúc đó tôi là Phó Tổng Thư ký chi hội sinh viên tại Marseille cũng đi thông dịch cho đoàn. Các anh chị em đã đóng góp sức mình để kết nối đoàn miền nam và đoàn miền bắc cùng với các phong trào của cộng đồng liên tục cho tới ngày ký hiệp định. Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp hoạt động mạnh nhất thời bấy giờ.
Việc đoàn công tác tới Pháp như một sự động viên cho cộng đồng người Việt xa xứ. Dù ở xa quê hương như ai cũng theo dõi tình hình trong nước, qua những chiếc radio bé nhỏ. Thanh niên tri thức và giới yêu chuộng hòa bình tại Pháp dành cho Việt Nam một sự ủng hộ rất lớn.
Nhìn lại lịch sử, tôi thấy lựa chọn Pháp làm địa điểm đàm phán là một sự lựa chọn đúng đắn vì tại đây có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và phong trào yêu nước của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp.
Năm 1969, tôi xuống Marseille làm Phó Tổng Thư ký chi hội sinh viên, lo kết nối với tri thức Pháp, làm thông dịch viên cho đoàn, tổ chức các cuộc mít-tinh tại các trường đại học ở Aix-en-Provence, Marseille, Nice…. Lúc bấy giờ có 18 chi hội, đóng góp mạnh mẽ vào các phong trào kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Phía bắc của Pháp tập trung chủ yếu là trí thức, phía nam là phong trào yêu nước của giới lính thợ. Các buổi xuống đường ở Marseille hay vào dịp Tết thu hút sự tham gia của hơn 2 nghìn người.
Bạn bè Pháp ủng hộ rất nhiều, biểu ngữ cổ động cho Việt Nam được treo nhiều tại các tòa thị chính. Đối mặt với nhiều phe phản đối các phòng trào đấu tranh của hội, anh em trong hội không ngại ngần bởi đã có sự ủng hộ của bạn bè Pháp.
Hai đoàn họp thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, giúp đỡ các chi hội có thể nắm bắt được thông suốt các thông tin, tình hình trong các cuộc đàm phán. Các chi hội tổ chức nhiều cuộc mít-tinh nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh, ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam… với sự tham gia của đông đảo bà con và bạn bè người Pháp. Những cảm xúc vui buồn, đau xót và những khó khăn với đồng bào trong nước cũng đều được kiều bào chia sẻ.
Ngay sau Mỹ ngừng dội bom miền bắc, các anh chị em ở phía miền nam đã làm việc cùng với chi hội ở Paris để chờ đến ngày ký kết thì cùng thuê 4-5 chiếc xe ca chở gần 200 người đi lên Paris để xuống đường. Sau những ngày Hà Nội bị bắn phá và chờ mong tới lúc ký kết hiệp định là những ngày anh em hồ hởi chào đón hai đoàn. Ba dấu mốc lớn của Việt Nam là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ký kết Hiệp định Genève và ký kết Hiệp định Paris khiến cho cộng đồng Việt kiều tại Pháp cảm thấy rất vui sướng. Sự hiện diện của cả hai đoàn đàm phán là minh chứng cho sự đoàn kết của cả dân tộc ở trong và ngoài nước cùng đấu tranh cho độc lập, hòa bình và thống nhất của đất nước.
Ông Trần Tứ Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:
Trên cương vị phụ trách 7 phân hội của sinh viên, tôi đã được làm việc cùng 2 đoàn từ năm 1968. Chúng tôi tổ chức các buổi gặp mặt cùng với một số thành viên trong 2 đoàn công tác nhằm thông tin tới sinh viên các tình hình trong nước. Những buổi gặp mặt với khoảng 6-7 sinh viên, diễn ra trong 1 căn phòng nhỏ hẹp. Có nhiều bác sĩ trẻ ở dưới tỉnh, cũng đã tình nguyện đóng cửa phòng khám, để lên Paris sinh hoạt chung và làm việc cùng với đoàn trong thời gian dài, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, lúc đó là Tổng Thư ký chi hội sinh viên tại Montpellier. Anh em sinh viên vận động sự ủng hộ của các sinh viên quốc tế khác đến từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Do đó, uy tín của Bác trong Đảng Cộng sản Pháp rất lớn. Công nhân Pháp và Đảng Cộng sản Pháp dành cho Việt Nam sự ủng hộ rất nhiệt thành. Hơn thế nữa, không chỉ Đảng Cộng sản Pháp, mà ngay cả chính phủ Pháp cũng tích cực hỗ trợ đoàn đàm phán của Việt Nam từ Tổng thống cho tới Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Á châu đương nhiệm lúc bấy giờ.
Có thể nói, giai đoạn 1968-1973 là giai đoạn hoạt động mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Pháp, sát cánh cùng nhân dân trong nước, để thúc đẩy sự ủng hộ của quốc tế. Giai đoạn này cũng ghi nhận hiệu quả sâu sắc của sự đoàn kết dân tộc.
Bà Hà Ngọc Lan, Việt kiều tại Pháp:
Cuối năm 1969, tôi sang Pháp du học và gia nhập Liên hiệp Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp, thành viên của Liên hiệp Việt kiều. Tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội, nhất là các chương trình văn nghệ.
Lúc đó, các cuộc đàm phán của Hiệp định Paris đã bắt đầu diễn ra và rất cần sự chung tay của các đội hậu cần. Tôi được góp sức trong đội thông tin do anh Phạm Văn Ba phụ trách, dịch thuật tài liệu để thông tin cho báo chí. Các cuộc xuống đường biểu tình, mít-tinh văn nghệ để bạn bè Pháp và quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, để kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế, tôi đều tham gia. Các thành viên trong hội cũng thông tin mạnh mẽ trên báo chí và thông tin nội bộ. Càng đến sát ngày ký kết, sự đồng lòng quyết tâm của từng thành viên trong hội càng trở nên cao hơn bao giờ hết.
Ngày 27/1/1973 diễn ra buổi ký kết Hiệp định Paris. Ngay trong đêm trước ngày ký kết, chị Lương Bạch Vân phụ trách chi hội ở Đại học Orsay đã tập hợp các anh chị em tại nhà của chị để may cờ, cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chỉ với 2-3 cái máy khâu đi mượn ở khắp nơi, mỗi anh chị em trong hội đều chung tay mua vải, cắt vải và may cờ nguyên cả đêm, để sáng hôm sau cùng nhau đứng trước hội trường đón đoàn đàm phán của Việt Nam. Các thế hệ người Việt, từ các bố các mẹ đến các cháu nhỏ, cũng xuống đường chào đón đoàn Việt Nam.
Cuối năm 1972, rất nhiều các cuộc mít-tinh được tổ chức để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế yêu cầu Mỹ chấm dứt các cuộc thả bom tàn phá miền bắc Việt Nam. Đã có những cuộc mít-tinh văn nghệ liên kết của 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ngay ngày ký kết Hiệp định Paris, cộng đồng Việt Nam tại Pháp tổ chức Tết cổ truyền. Đã có rất nhiều người từ nước ngoài bay qua, có những người từ bên Đức, cũng có cả người từ Mỹ sang chung vui. Hội trường với sức chứa 2.000 người vẫn không đủ, đã có người phải đứng phía bên ngoài.
Tôi thật sự ấn tượng với các anh chị trong đoàn đàm phán, dù ở chức vụ cao và có trọng trách lớn đối với đất nước, nhưng lại rất gần gũi với bà con kiều bào, có hoạt động nào cũng đều tham gia cùng.
Dấu mốc của sự kiện lịch sử vẫn còn đó rất hào hùng. Tôi rất mừng là đất nước mình đang trên hướng phát triển cùng nhịp với quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương đất nước, qua những chuyến hồi hương, đặc biệt là các thế hệ trẻ sinh ra tại nước ngoài để tìm về cội nguồn.
Bà Nguyễn Đắc Như Mai, Việt kiều tại Pháp:
Tôi rất vinh dự khi được tiếp đón đoàn và làm việc trực tiếp cùng với hai đoàn miền nam và miền bắc. Lúc đó, tôi đang làm việc trong Ban Khoa học tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên của Pháp. Tôi có cơ hội được trực tiếp đi theo đoàn khi đi làm việc với các đoàn Mỹ Latin tới để ủng hộ Việt Nam như Cuba, Mexico...
Tại Đại học Orsay đã diễn ra buổi hội nghị quốc tế về hóa học và hóa học sinh học, quy tụ nhiều nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đến, trong đó có hai nhà khoa học được giải Nobel. Bà Nguyễn Thị Bình từng phát biểu tại hội nghị rằng: Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Không hiểu vì sao người Mỹ lại có thể làm như vậy, và còn đổ chất độc hóa học da cam xuống Việt Nam, gây ra nhiều đau thương và bệnh tật ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Tôi cũng đã có dịp làm việc với Đại sứ Võ Văn Sung, người đã tham gia cùng đoàn Việt Nam tới làm việc tại Pháp. Tôi đã dịch cuốn sách của anh mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”. Cuốn sách như một lời tri ân tới sự ủng hộ của bạn bè Pháp dành cho Việt Nam, tới Đảng Cộng sản Pháp và Phong trào hòa bình. Đảng Cộng sản Pháp đã rất nhiệt tình giúp đỡ đoàn trong các công tác đi lại, ủng hộ hết mình cho chuyến công tác của hai đoàn Việt Nam tại Pháp. Họ cũng thấy tự hào khi được góp phần làm nên dấu mốc lịch sử này cho những người bạn Việt Nam.
Chúng tôi có cơ hội được có mặt tại buổi ký kết Hiệp định Paris diễn ra ngày 27/1/1973 tại phố Kléber. Mọi thứ gần như vỡ òa cảm xúc, đã có những giọt nước mắt của niềm vui. Khi ký kết xong thì cả ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger đều vui cười thoải mái.
Thời điểm đó, rất nhiều anh chị em trí thức và công nhân Việt Nam đã rất tận tình phục vụ đoàn, từ chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại. Sự chung tay góp sức đều xuất phát từ sự tự hào dân tộc, lòng yêu nước và khao khát đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước.
Tôi rất tự hào về truyền thống gia đình, cả hai vợ chồng tôi, các con cháu dâu, rể đều tham gia nhiệt tình vào các hoạt động trong phong trào yêu nước tại Pháp.
Chị Ani Hồng Ánh, Việt kiều tại Pháp:
Từ nhỏ tôi đã luôn được bố mẹ dắt đi theo các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Tháng 1/1973, khi ấy tôi mới hơn 3 tuổi, được ưu tiên đứng hàng đầu. Kỷ niệm của cô bé con hồi đó là cả biển người đổ xuống đường để tiếp đón đoàn công tác Việt Nam tới Paris. Hai bên đường cờ bay phấp phới. Hồi đó tuy chưa thể nhận thức được Hiệp định Paris là gì, nhưng tôi còn nhớ rõ niềm vui sướng trên khuôn mặt từng người trong cộng đồng, của bố mẹ, cô chú hay anh chị. Lớn lên một chút, tôi mới hiểu, đoàn công tác đó là những con người của lịch sử, mang ý nghĩa quan trọng, làm nên những dấu mốc lịch sử. Vì vậy tôi càng thêm yêu quý và trân trọng phút giây ấy.
Chị Ani Hồng Ánh, theo bố mẹ đến sân bay Le Bourget đón hai đoàn đám phán ngày 26/1/1973. (Ảnh: Lê Xuân Tấn) |
Thông qua những thước phim và ảnh do chính tay bố tôi ghi lại, tôi hiểu rõ hơn về giai đoạn khó khăn của Việt Nam và ngày tháng lịch sử mở ra giai đoạn hòa bình cho đất nước. Qua những câu chuyện kể của bố, tuy sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng tôi không quên về cội nguồn và luôn hướng về đất nước.
Giai đoạn diễn ra đàm phán là giai đoạn quan trọng, ghi nhiều dấu ấn của Hội người Việt Nam tại Pháp, góp phần chung tay vào nỗ lực vì hòa bình chung của đất nước. Tôi tự hào là một thành viên của Hội, hoạt động nhiệt tình từ thời niên thiếu, cho tới lúc sinh viên, ngay cả đến thời điểm hiện tại vẫn luôn tham gia một cách mạnh mẽ trong các công tác chung của cộng đồng.
BD- Theo ND ĐT
Các tin khác
Ngày 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.