ATK Kim Quan in đậm bóng hình Người
- Cập nhật: Thứ bảy, 2/9/2023 | 2:38:30 PM
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1953-1954), thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm địa điểm đóng trụ sở làm việc.
Lán ở và làm việc của Bác Hồ tại Kim Quan.
|
Đầu năm 1953, Tiểu đoàn Công binh 333 do đồng chí Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng nhà cho các cơ quan Trung ương.
Để bảo đảm an toàn và bí mật, bộ đội công binh đã đào 3 căn hầm vào sâu trong lòng núi Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan.
Hiện nay, 3 căn hầm này vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, thu hút đông đảo khách du lịch và là nơi thường xuyên diễn ra các buổi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương.
Nhà văn Phù Ninh, nguyên Giám đốc sở Văn hóa-Thông tin, Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang, là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử để viết những cuốn tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết lịch sử.
Hầm an toàn của Bác Hồ tại Kim Quan. |
Ông cho biết: "Cạnh lán của Bác là hầm bí mật được bộ đội công binh đào sâu vào lòng núi, cửa hầm quay theo hướng Đông, trông ra dòng sông Phó Đáy. Tại căn lán nhỏ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao; lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược".
Bác Hồ câu cá tại sông Phó Đáy (ảnh tư liệu). |
Tại Khuôn Điển, Bác Hồ đã gửi thư cổ vũ tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Người viết: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang”. Bác tin tưởng các chiến sĩ sẽ vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó.
Ngày 15/3/1954, cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng gửi điện đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu ở Điện Biên Phủ; nêu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch "là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.
Người nhắc nhở quân đội ta "Phải cố gắng chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Ngày 19/4/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị ra Nghị quyết "Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên phủ".
Nhà văn Phù Ninh kể lại những sự kiện lịch sử tại Hầm an toàn của Trung ương Đảng ở thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan cho các cháu học sinh. |
Tháng 5/1954, tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Ta kháng chiến, ta đàm phán cũng đều nhằm một mục đích giành độc lập, thống nhất thật sự cho dân tộc. Hiện nay, súng trên mặt trận bắn càng nhiều, càng trúng địch chừng nào thì trên bàn họp Giơ-ne-vơ ta lại càng thêm thế chính trị chừng ấy. Giải quyết vấn đề theo nguyên tắc có lợi cho ta và địch có thể thừa nhận, nhưng trước hết là có lợi cho ta. Giải quyết vấn đề là phải có quan điểm toàn cục. Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ, ít nhất phải tranh thủ được thắng lợi chính trị".
Cũng từ nơi đây đồng chí Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta đã lên đường đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.
Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Kim Quan. Người đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, ban hành Luật cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến mau thắng lợi.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, đầu tháng 8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Đảng, Chính phủ rời ATK Kim Quan về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất đất nước.
Theo ND ĐT
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.