10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp: Nhiều cơ hội cho sự phát triển

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/10/2023 | 2:58:04 PM

Nhân dịp Việt Nam và Pháp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, ông Benoit Guidée, Giám đốc khu vực châu Á và châu Đại Dương - Bộ Ngoại giao Pháp, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris những đánh giá của ông về chặng đường 10 năm qua và triển vọng thời gian tới của mối quan hệ chiến lược này.

Ông Benoit Guidée, Giám đốc khu vực Châu Á và Châu Đại Dương - Bộ Ngoại giao Pháp. Ảnh: TTXVN phát
Ông Benoit Guidée, Giám đốc khu vực Châu Á và Châu Đại Dương - Bộ Ngoại giao Pháp. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Benoit Guidée, trong 10 năm qua, mối quan hệ Pháp - Việt Nam đã chứng kiến nhiều bước chuyển. Sau chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand năm 1993, Pháp đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trên cơ sở vững chắc này, ngày 25/9/2013, chính phủ hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trên trường khu vực và quốc tế.

Về kinh tế, năm 2013 cũng là năm ra mắt Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam - Pháp. Hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược phát triển của Việt Nam (năng lượng, hàng không và vũ trụ, ngân hàng, công nghệ thông tin, nông sản thực phẩm, giao thông, môi trường, cơ sở hạ tầng) đã được thực hiện. Ông Benoit Guidée cũng cho rằng "tiềm năng của mối quan hệ vẫn còn rất lớn và hai bên cần làm nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực này, trên cơ sở hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam”. 

Ngoài hợp tác song phương truyền thống, ông Benoit Guidée đánh giá quan hệ đối tác Pháp - Việt cũng phát triển đáng kể liên quan các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh: "Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm lớn, là trọng tâm trong quan hệ đối tác của chúng ta. Chúng ta đang cùng nhau làm việc để giảm phát thải khí nhà kính nhằm ngăn chặn những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu: đây chính là thách thức của quá trình chuyển đổi khí hậu và năng lượng. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và chúng ta đang cùng nhau thực hiện các dự án thích ứng, chẳng hạn như đối phó với hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Benoit Guidée cũng đề cập đến tác động của môi trường khu vực và quốc tế đến quan hệ Pháp và Việt Nam. Theo ông, cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch COVID-19 gây ra đã cho thấy sự vững chắc trong mối quan hệ song phương và sức mạnh của tình đoàn kết giữa hai nước. Ông cho rằng: "Chúng ta cần tăng cường đối thoại để ứng phó với những thay đổi nhanh chóng đe dọa các nguyên tắc như chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không”.

Chia sẻ về những tiềm năng hợp tác giữa hai nước, ông Benoit Guidée tin rằng "vẫn còn nhiều cơ hội cho sự phát triển”, cả ở cấp độ song phương cũng như trên trường quốc tế và đa phương, phù hợp với các ưu tiên của hai nước. Theo ông, ưu tiên hàng đầu trong cuộc đối thoại Pháp - Việt là các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Sự trao đổi này đã có hiệu quả khi Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai nước đã cùng hợp tác trong việc tập huấn, đào tạo về các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Pháp có sự hiện diện mạnh mẽ. Pháp mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là đối tác phát triển”. 

Ưu tiên thứ hai liên quan đến các vấn đề toàn cầu, bắt đầu từ thách thức về khí hậu. Theo ông Benoit Guidée, khuôn khổ quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác phát triển do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dẫn đầu đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác, trong đó chính phủ, các công ty và chuyên gia Pháp cùng tham gia mạnh mẽ vào một chủ đề quan trọng cho tương lai của đất nước Việt Nam. "Chúng ta có thể, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa”, ông Benoit Guidée nhấn mạnh và cho biết Pháp dự định hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt là thông qua Cơ quan Phát triển Pháp cũng như các công ty của Pháp, một số trong đó có chuyên môn được công nhận trên toàn cầu trong các lĩnh vực như thành phố bền vững, giao thông và năng lượng carbon thấp. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cũng phải làm nhiều hơn nữa để bảo tồn đa dạng sinh học và chống ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng của nhựa đến sức khỏe, đánh bắt cá và du lịch, và để cùng nhau cải thiện chất lượng không khí”.

Ưu tiên thứ ba liên quan đến trao đổi kinh tế. Mặc dù trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây liên tục ở mức cao kỷ lục song ông Benoit Guidée cho rằng những trao đổi này vẫn mất cân bằng và chưa hết khả năng. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Pháp vào Việt Nam cũng chưa đáp ứng được mong muốn của Pháp, trong khi đầu tư của Việt Nam vào Pháp vẫn còn nhiều cơ hội, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi môi trường và năng lượng. Những mong muốn này đã được phản ánh qua chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài, ông Olivier Becht, vào tháng 3 năm nay.

Ưu tiên thứ tư trong quan hệ song phương, theo ông Benoit Guidée, chính là việc tăng cường mối liên kết giữa hai dân tộc. Ông nhấn mạnh: "Đặc thù của quan hệ Pháp - Việt Nam là sự khăng khít giữa nhân dân hai nước, đặc biệt dựa trên sự năng động của mạng lưới hợp tác phi tập trung và vai trò quan trọng của các hiệp hội Pháp - Việt. Những yếu tố khác là hoạt động của cộng đồng sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp và mạng lưới kết nối văn hóa phong phú giữa hai nước”.

Theo TTXVN

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự