Đánh giá đúng cán bộ - yếu tố quan trọng hàng đầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
- Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2023 | 9:21:22 PM
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ. Đánh giá cao chất lượng của Hội nghị lần này, nhiều cán bộ, Đảng viên cho rằng, một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm, đó chính là công tác quy hoạch cán bộ.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
|
Nhiều cán bộ không "giữ mình” sau khi được bổ nhiệm
Trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác quy hoạch cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, được tiến hành bài bản, với quy trình ngày một chặt chẽ, khoa học. Đây vốn là một công việc khó vì để có được những quy hoạch cán bộ chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vẫn cần có những vấn đề phải tiếp tục đánh giá thấu đáo, phân tích để có được giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trong các cuộc họp, Hội nghị bàn về vấn đề nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở, đây là việc liên quan đến con người, vì thế phải tiến hành kỹ lưỡng, sâu sắc và chặt chẽ. Cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm, phân công, giới thiệu phải thực sự xứng đáng, đảm bảo yêu cầu của Đảng, đủ đức, đủ tài gánh vác để gánh vác trọng trách.
Tại Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh đến công tác quy hoạch cán bộ, cụ thể là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đây vừa là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ cũng như quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Tổng Bí thư chỉ rõ: Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Đánh giá về công tác quy hoạch cán bộ, nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên cho rằng, quy định về việc này luôn được chú trọng. Ngoài tiêu chuẩn về độ tuổi, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy trình, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhận xét, đánh giá. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế khi ở một số cơ quan, đơn vị vẫn có những cán bộ vi phạm những quy định về đạo đức và pháp luật.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, công tác quy hoạch còn một số hạn chế như: Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động” và "mở”. Hơn nữa, tình trạng quy hoạch "chạy theo” bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử vẫn còn. Việc quản lý cán bộ trong quy hoạch có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Đặc biệt, việc công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt có nơi còn thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng thành phần, đối tượng công khai…
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phân tích, bất cập lớn nhất trong công tác quy hoạch cán bộ là "đầu vào” đã được xem xét, lựa chọn, xét duyệt cẩn thận, đúng quy định nhưng trong quá trình làm việc, một số cán bộ đã không "giữ mình” gây ra những sai phạm lớn, phải chịu sự xử lý của pháp luật. Vì vậy, phải tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì, do cơ chế, chính sách hay do sự biến chất của cá nhân đó hay là những nguyên nhân nào khác, để từ đó có giải pháp khắc phục hạn chế và nhân rộng các điển hình, thành công.
Luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh, công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu rất quan trọng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như một vòng tròn khép kín, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Hơn lúc nào hết, Trung ương Đảng cần có những quyết sách đúng, quan trọng, nhanh chóng đối với vấn đề này, đây cũng là kỳ vọng của nhân dân đối với Trung ương Đảng.
Đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ; kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các quy định, hướng dẫn của cấp trên phù hợp với thực tiễn của từng bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng; mở rộng dân chủ đi đôi với phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ để đây thực sự là khâu tiền đề, quyết định các khâu khác trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: Đánh giá; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, điều động; bố trí, sử dụng (bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, giới thiệu ứng cử, chỉ định, phân công phụ trách, miễn nhiệm...); quản lý; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chính sách đãi ngộ; kiểm tra, giám sát; bảo vệ chính trị nội bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác cán bộ.
"Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Khi thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác và ngược lại, nếu một khâu nào đó thực hiện chưa tốt, không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác và kết quả chung của công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch”, Đại tá Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải được tiến hành đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn. Phải lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở để quy hoạch cấp trên, lấy quy hoạch cấp trên bổ sung cho cấp dưới; tăng cường bổ sung những cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực nổi trội vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo để có thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Đặc biệt, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch; phát huy trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thẩm định quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Các ý kiến nhận định, nếu thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ góp phần quán triệt thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về quy hoạch cán bộ tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và là sự chuẩn bị cần thiết cho việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng và cán bộ các cấp nói chung.
Theo Luật sư Hà Huy Từ, để đáp ứng yêu cầu phát triển, kinh tế xã hội trong thời kỳ mới đối với công tác quy hoạch cán bộ cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh việc phải giữ vững những nguyên tắc, quy định mang tính bất biến thì cũng nên xem xét, mạnh dạn áp dụng những thay đổi sáng tạo vì lợi ích chung để lựa chọn được người có tâm, có tài trong quá trình làm việc cũng như sau khi đã nghỉ hưu phải thực sự là tấm gương sáng, là hình ảnh mẫu mực được nhân dân quý mến, tôn trọng.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tạo nguồn cán bộ, đánh giá cán bộ, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược. Cơ quan chức năng có thể tuyển dụng "đặc cách” những cá nhân xuất sắc, giỏi chuyên môn, nhiệt huyết đang công tác tại các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp để bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo của chính quyền…
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.