Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/11/2023 | 3:33:54 PM

Với 444 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội, chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, tổng số thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng, trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật. Thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024.

Cùng với đó, bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Chính phủ siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước...

Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương. Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên chưa phân bổ của của Chương trình mục tiêu quốc gia, khẩn trương xây dựng phương án phân bổ cụ thể trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Chính phủ chưa có phương án phân bổ đối với khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, làm rõ về khoản chưa phân bổ này.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan chủ quản Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm tổng hợp báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định, một số nội dung, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giao cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Trong tổ chức thực hiện, khi có đầy đủ thủ tục, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan chủ quản Chương trình trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là những người yếu thế. Nếu không bố trí khoản chi trên, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có thể tiếp tục bị chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng đến người dân.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép bố trí 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phân bổ chi tiết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

Theo TTXVN

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự