Đổi thay trên quê hương Cờ Đỏ - Bài 1: Thực hiện 3 khâu đột phá, xây dựng nông thôn mới nâng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2024 | 3:40:57 PM
Cách đây gần 95 năm, vào ngày 10/11/1929, tại một căn chòi gần lẫm lúa (kho chứa lúa) của đồn điền Cờ Ðỏ, làng Thới Đông, quận Ô Môn (nay là huyện Cờ Đỏ), Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng ra đời. Đây là Chi bộ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ lúc đó.
Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ đầu tiên của Cần Thơ - Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng.
|
Bài 1: Thực hiện 3 khâu đột phá, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Là huyện vùng ven còn nhiều khó khăn nhưng sự đồng lòng, chung tay của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã đưa Cờ Đỏ ngày một phát triển. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, địa phương đã nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, thu nhập bình quân 193 triệu đồng/ha; từ đó, góp phần nâng cao đời sống người dân. Hiện, huyện chỉ còn 0,1% hộ nghèo.
Kế thừa và phát huy truyền thống
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918), các đồn điền của người Pháp phát triển mạnh, ruộng đất của nông dân Cần Thơ lần lượt rơi vào tay của người Pháp và địa chủ. Trước sự đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, cùng với tác động và ảnh hưởng của các phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, nhiều tổ chức, cơ sở yêu nước ở Cần Thơ nhanh chóng ra đời. Đêm 10/11/1929, tại một căn chòi gần lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ (thuộc làng Thới Đông), Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ được thành lập, đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư Chi bộ.
Nói về vai trò của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, ông Bùi Xuân Thọ (71 tuổi, người được giao nhiệm vụ viết lịch sử Đảng của xã Thới Đông giai đoạn 1929 - 1975) cho biết, theo những thông tin ông thu thập, ghi chép được từ người dân, đảng viên ở vùng đất Thới Đông đều nhận định, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng do các đồng chí Hà Huy Giáp, Bảy Núi, Nguyễn Văn Nhung lập nên đóng vai trò rất lớn và quan trọng trong công cuộc vận động người dân, người làm thuê, người ở đợ giác ngộ, đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân. Từ Chi bộ đầu tiên, trong tỉnh Cần Thơ (cũ), nhiều chi bộ khác được thành lập.
Sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở Cần Thơ phát triển và tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long... góp phần tích cực đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ngày 31/10/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, năm 2019, ngay trên nền đất cũ đồn điền Cờ Đỏ năm xưa, thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Khu Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ với diện tích gần 40.000 m2 (thuộc thị trấn Cờ Đỏ). Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Tự hào là đảng viên ở địa phương "địa chỉ đỏ", anh Lê Hiền Đức, Bí thư Thị Đoàn Cờ Đỏ cho biết, tiếp nối truyền thống quê hương, hàng năm, Đoàn Thanh niên thị trấn đều tổ chức các đợt về nguồn, tuyên truyền lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, phát triển đoàn viên... tại Khu Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Để tiếp nối và phát huy truyền thống, anh Lê Hiền Đức cho biết, anh luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một Bí thư Đoàn và gương mẫu đi đầu vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động của địa phương, Đảng giao như chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị...
Một góc thị trấn Cờ Đỏ.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao
Trải qua gần 95 năm từ ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ nói chung và huyện Cờ Đỏ nói riêng đã phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước.
Sau khi được chia tách, Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu tháng 1/2004. Ngay sau đó, huyện Cờ Đỏ cũng được thành lập. Đến nay, tròn 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ cùng chính quyền và nhân dân Cờ Đỏ từng bước xây dựng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội vững mạnh; quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cờ Đỏ Nguyễn Ngọc Thanh, công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh luôn được địa phương quan tâm kịp thời. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề theo nghị quyết của Huyện ủy "Về xây dựng Chi bộ ấp, Đảng bộ xã, thị trấn trong sạch vững mạnh toàn diện”, "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong giai đoạn hiện nay”... Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh hàng năm đạt trên 90%; đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt trên 98%; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ được quan tâm... Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước trưởng thành về mọi mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác kết nạp đảng viên mới luôn được quan tâm. Trong 20 năm, huyện Cờ Đỏ đã kết nạp 2.531 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 3.262 người, chiếm 2,8% dân số (tăng 1.667 đảng viên so với năm 2004)...
Trên lĩnh vực kinh tế, địa phương đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt 11%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng khu vực I (nông nghiệp - thủy sản), tăng dần tỷ trọng khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (thương mại - dịch vụ); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 72,86 triệu đồng, tăng gần 14 lần so với năm 2004. Những thành quả trên góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện ngoại thành, đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ nét. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhận định, những kết quả đạt được trong những năm qua đã tạo tiền đề và động lực để huyện tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu: Nông nghiệp - thủy sản, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Cùng với đó, địa phương thực hiện tốt 3 khâu đột phá là: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy sớm hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế tập thể, kinh tế vườn theo hướng tập trung; phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển, nâng chất tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và phát triển văn minh đô thị.
Các tin khác
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.
Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.
Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.