Trận chiến trên đồi C1

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2024 | 2:37:15 PM

Đồi C1 là cao điểm phía Đông, một trong những hướng phòng ngự chủ yếu của thực dân Pháp để bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trân trọng giới thiệu bài viết "Trận chiến trên đồi C1" của tác giả Nguyễn Kim Lung. Bài viết in trong cuốn sách "Ký ức Điện Biên Phủ", NXB Văn học, năm 2014.

Cứ điểm Đồi C1, nơi từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ảnh: HÀ KHÁNH
Cứ điểm Đồi C1, nơi từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ảnh: HÀ KHÁNH

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đồi C1, tạo bàn đạp để các đơn vị tiến vào cứ điểm Đồi C2 và A1. 

Trung tuần tháng 11/1953, chúng tôi được lệnh hành quân lên Tây Bắc, giải phóngLai Châu. Đang hành quân thì được tin quân Pháp nhảy dù xuốngĐiện Biên Phủ.

 


Sau hơn 20 ngày đêm hành quân không nghỉ, đến nơi, chưa kịp củng cố chỗ trú quân thì chúng tôi đã phải chiến đấu. Trưa 13/12/1953, địch cho máy bay và pháo binh yểm hộ bộ binh từ Điện Biên kéo ra định chiếm cao điểm 1.168 (đồi Pu San), nhưng bị chúng tôi đánh bật.

Ngày 21/1/1954, tôi sung sướng được kết nạp Đảng tại mặt trận. Lễ kết nạp được thực hiện bên căn hầm dưới giao thông hào trong khu rừng kín của chân dãy Pú Hồng Mèo, có hơn 40 đảng viên của chi bộ dự. Lễ kết nạp đơn giản mà trang nghiêm, có cả cờ Đảng và Quốc kỳ, thêm bó hoa rừng với đủ các màu sắc. 3 người được kết nạp đều là tiểu đội trưởng mới đề bạt sau các trận chiến đấu, có: Tôi, anh Nguyễn Văn Biển và anh Phí Văn Ngụ-y tá. Sau khi bí thư chi bộ đọc quyết định kết nạp, từng người đọc đơn xin vào Đảng, tôi được đại diện lên phát biểu, hứa quyết tâm: "Nêu cao tính tiền phong gương mẫu, ý chí quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh góp phần cho trận đánh lịch sử ngày mai thắng lợi".

Ngày 24/1/1954, chúng tôi rời khỏi vị trí đóng quân đến tập kết ở một khu rừng, chuẩn bị cho đợt tấn công vào khu trung tâm Mường Thanh vào đêm 25/1/1954. Lệnh lui quân bất chợt đến, ai cũng ngỡ ngàng, thắc mắc.

Sau này chúng tôi mới biết, Bộ chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm sang "đánh chắc, tiến chắc”. Những ngày tiếp theo, chúng tôi được cử đi làm nhiệm vụ mở đường kéo pháo, đào giao thông hào trong rừng sâu, qua các cánh đồng đến sát chân đồi địch đang chốt giữ. Tối 13/3/1954, ta mở màn chiến dịch, tấn công vào phân khu phía Bắc đồi Him Lam, Độc Lập và giành thắng lợi.

Tối 30/3, ta mở đợt tấn công thứ hai vào khu trung tâm Mường Thanh, Trung đoàn 98 được giao đánh chiếm các đồi C1, C2. Đại đội 38 của chúng tôi được giao nhiệm vụ chủ công đánh chiếm C1. 14 giờ ngày 30/3, chúng tôi hành quân dọc giao thông hào từ trong rừng sâu đến Khe Chít, Tà Lèng cho tới chân đồi C1 dài gần 3km.

Trung đội bộc phá chúng tôi đi đầu rồi đến hai trung đội xung kích tiếp nối nhau. Lúc này tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội bộc phá. Từ lúc xuất phát cho tới lúc tiếp cận mục tiêu, chiếm lĩnh trận địa, tất cả cán bộ đến chiến sĩ động viên nhắc nhở nhau giữ vững quyết tâm chiến đấu đến cùng. Ai nấy đều háo hức lập công.

Trận địa phòng ngự của địch trên đồi C1 có 9 lô cốt và nhiều ụ súng có nắp nối với nhau bằng những con hào ngang dọc, có 7 hàng rào dây thép gai, xen kẽ là các bãi mìn. Ngoài ra chúng còn được sự chi viện hỏa lực của các đồi A1, C2 và D1, D2 cùng với các trận địa pháo ở Mường Thanh, Hồng Cúm.

17 giờ 15 phút, lệnh tấn công được phát ra. Hỏa lực các cỡ của ta bắn dồn dập vào đồi C1. Phóng lôi (bộc lôi) của Tiểu đoàn lần đầu tiên xuất trận bắn vào hàng rào trước cửa mở, phá tung những đoạn rào và kích nổ mìn trong bãi. Các chiến sĩ bộc phá chúng tôi xông lên phá nốt những đoạn rào còn lại, kịp thời mở thông cửa cho các chiến sĩ xung kích tràn vào đồn, tỏa đi các ngả xung phong áp đảo địch.

Pháo binh ta còn đang cấp tập bắn phá ngoại vi, thấy bộ binh ta đã tràn vào đồn kịp thời chuyển làn bắn sâu về phía trung tâm đồn địch, lúc này pháo địch cũng tới tấp dội vào đội hình tiến quân của chúng tôi. Khẩu đại liên MAS trong ổ đề kháng của địch trực tiếp khống chế cửa mở bị dập tắt. Chúng tôi tiến đến gần cao điểm cột cờ sở chỉ huy của địch, nhưng chúng dựa vào lợi thế cao điểm chống cự quyết liệt. Lúc này ta và địch chỉ cách nhau gần 20m.

Nếu gọi pháo binh chi viện, sợ có thể rơi vào bộ đội ta. Sau khi do dự, cuối cùng Tiểu đoàn phó Lê Đăng Việt quyết định gọi pháo chi viện. Pháo binh ta bắn rất chính xác, trúng mục tiêu đỉnh cao cột cờ. Địch lùi xuống và bộ đội xông lên chiếm cao điểm. Anh Nguyễn Thế Cải nhanh chóng cắm lá cờ lên nóc hầm chỉ huy địch, rồi cùng đơn vị thọc sâu xuống các ngã hào dồn địch về phía Tây điểm cao, buộc chúng lui về giữ các lô cốt số 4, số 5. Pháo địch bắn mạnh về phía ta, sau đó địch mở các đợt phản kích. Các chiến sĩ Đại đội 38 chúng tôi dùng tiểu liên, súng trường, lưỡi lê, lựu đạn, dũng cảm xông lên đánh giáp lá cà, mặc dù lúc này một số anh em thương vong và sức giảm sút, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm chiến đấu đến cùng nên chúng tôi đã chiếm toàn bộ đồi C1. Trận đánh kết thúc lúc 18 giờ, vượt yêu cầu 45 phút, nhanh gọn nhất mặt trận, tiêu diệt 106 tên, bắt sống hơn 30 tên...

Sáng 31/3/1954, địch dùng lực lượng lớn từ đồi Mâm xôi và C2 tấn công sang. Cuộc chiến đấu suốt từ sáng cho tới chiều với nhiều đợt phản kích quyết liệt. Pháo binh từ Mường Thanh, Hồng Cúm cũng liên tục giội vào trận địa ta, nhất là trận địa cối 81 bên C2 bắn sang, chúng dùng cả súng phun lửa yểm trợ cho lực lượng phản kích. Các chiến sĩ chúng tôi vẫn ngoan cường dũng cảm chiến đấu đến cùng, đánh lui 12 đợt phản kích của địch, giữ vững đồi C1, diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, nhưng ta cũng bị tổn thất không nhỏ.

Sau khi dùng lực lượng lớn phản kích không chiếm lại được C1, địch liên tục giội pháo xuống trận địa ta và không từ bỏ âm mưu lấy lại C1. Do vị trí quan trọng của đồi C1 nên ngày 10-4, địch lại dùng lực lượng lớn có xe tăng và pháo binh yểm hộ liên tiếp mở nhiều đợt phản kích đều bị ta đẩy lùi, nhưng cuối cùng chúng cũng chiếm lại nửa đồi C1. Từ đây ta và địch mỗi bên một nửa đồi, giành nhau từng tấc đất. Cũng từ đây xuất hiện mặt chiến thuật bắn tỉa gây cho địch khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại...

Ngày 12/4/1954, Đại đội 38 chúng tôi lại được lệnh lên đánh chiếm lại nửa đồi C1. Sau trận 30-3, lực lượng của Đại đội còn lại hai trung đội, được chi viện thêm hai trung đội của đơn vị bạn... Tôi được điều lên làm cán sự chính trị Đại đội. 12 giờ, chúng tôi lại từ con hào trong khu rừng Pú Hồng Mèo ra khe Chít rồi đi dọc đường hào, tiến quân chiếm lĩnh trận địa.

Đến cách chân đồi C1 khoảng 200m thì bị hỏa lực địch của đồi C2 bắn chặn lướt sườn, anh Nguyễn Tử Liêm, Chính trị viên phó Đại đội bị thương nặng. Đúng 17 giờ, pháo binh ta bắn sang phía trận địa địch, và pháo địch cũng dồn dập đáp trả. Sau những đợt pháo cấp tập, anh Nguyễn Công Pho cùng tiểu đội xung kích xông thẳng lên chiếm điểm cao cột cờ, đánh bật chúng xuống phía Tây Nam đồi. Tôi đi cùng tổ tải thương của Trung đoàn gồm những chiến sĩ khỏe, ngoan cường, dũng cảm, hết lòng vì đồng đội luôn theo sát đội hình xung kích. Tôi bảo anh em thương binh nặng đưa ra trước, nhẹ sau và liệt sĩ sau cùng. Qua mấy đoạn hào thấy tổ tải thương đi giữa đội hình xung kích ảnh hưởng đến việc tiến quân đánh địch, tôi cho anh em rẽ sang ngách hào để xung kích vượt lên. Cuộc chiến giữa ta và địch trở nên quyết liệt. Hai bên chỉ cách nhau 15-20m, giành giật nhau từng đoạn hào suốt từ 17 giờ ngày 12/4 đến 3 giờ 30 sáng hôm sau. Lúc thì ta tấn công, khi thì địch phản kích.

Chiến đấu đến 1 giờ sáng 13-4, lực lượng ta còn khoảng hơn 1 tiểu đội. Đạn đã gần hết, nhất là lựu đạn và thủ pháo, tôi đi từng ngách hào thu gom tất cả đạn, lựu đạn và thủ pháo của anh em bị thương, hy sinh, kể cả của địch, lựu đạn của ta tôi mở nắp sẵn giao cho các tổ, vừa động viên vừa dặn anh em hạn chế dùng hỏa lực (vì hỏa lực ban đêm dễ lộ mục tiêu) cứ lựu đạn và thủ pháo mà ném, cần thiết dùng tiểu liên quyết diệt chúng. Từ đây địch phản kích hai lần đều bị anh em chúng tôi đánh bại, hôm ấy ta chỉ nhích thêm được một phần đồi CI.

Vì không còn lực lượng chi viện, đến 3 giờ 30 phút ngày 13/4 chúng tôi được lệnh rút giao lại cho đơn vị khác tiếp tục phòng ngự bảo vệ trận địa. Sau đó, đến ngày 1/5/1954, ta mới đánh chiếm lại toàn bộ đồi C1, tạo điều kiện thuận lợi cho đợt tổng công kích giải phóng Điện Biên.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự