Tuổi thanh xuân đặc biệt của Tổng Bí thư Trần Phú

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/4/2024 | 3:21:26 PM

Ở tuổi 26, đồng chí Trần Phú được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trong hành trình sống ngắn ngủi 27 năm (1904 -1931), người chiến sĩ cách mạng ưu tú ấy đã dành trọn thời thanh xuân cho cách mạng và để lại những dấu ấn vô cùng đặc biệt.

Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Tuổi thơ bi tráng

Số phận đã khiến Trần Phú, ngay từ khi mới chỉ là cậu bé lên 4, nói chưa thạo, viết chưa hay đã phải trải qua những nỗi đau quá lớn: Người cha Trần Văn Phổ, bởi nuôi trong mình khí tiết của một nhà Nho ưu thời mẫn thế, thấm rất sâu nỗi nhục nhã của cảnh quan trường thời nô lệ mất nước, bế tắc đã chọn con đường tuẫn tiết ngay chốn công đường. Hai năm sau, ở tuổi lên 6, Trần Phú lại chịu cảnh mất mẹ khi người vợ trẻ không chịu nổi nỗi đau mất chồng cũng rời bỏ dương thế.

Số phận sớm buộc Trần Phú vào nỗi đau tột cùng nhưng cũng sớm hun đúc cho cậu ý chí, nghị lực kiên cường hơn người. Trong khổ cực, buồn đau, không nản chí, không chán chường, cậu bé tìm về những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ xưa của quê hương, để rồi nhận ra rằng nỗi đau của gia đình cậu thực chất cũng là nỗi đau chung của một dân tộc mất nước, rằng để xóa bỏ được nỗi đau ấy, chỉ một cách là tìm con đường cứu dân, cứu nước.

Nghĩ là làm. Thời gian học tập ở Quốc học Huế, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn... Nhóm "Thanh niên tu tiến hội” là nơi để họ không chỉ trao đổi kiến thức mà còn là nơi họ rỉ tai nhau về lòng yêu nước, về những hình mẫu mà họ ngưỡng mộ như Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - người thời điểm đó đang làm chấn động trời Tây bởi "Yêu sách của nhân dân An Nam”...

Cũng bởi những nỗi niềm đau đáu, bởi lý tưởng sôi sục trong tâm, nên năm 1922, dù đỗ đầu kỳ thi Thành chung, Trần Phú không chọn con đường quan lộ mà chọn nghề dạy học và không lâu sau đó, đích đến cuối cùng là con đường cách mạng. Năm 1925, người cách mạng trẻ Trần Phú tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng).

4 cuộc hội ngộ cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Tính từ thời điểm tham gia Hội Phục Việt năm 1925 đến thời điểm bị giặc bắt và hy sinh năm 1931, Trần Phú chỉ "hoạt động cách mạng chuyên nghiệp” vỏn vẹn 6 năm. Nhưng 6 năm ngắn ngủi ấy của người cách mạng trẻ lại chứa đầy những dấu ấn, trong đó đáng nhớ nhất là 4 cuộc hội ngộ lịch sử cùng vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, gọi tắt là "Thanh niên”. Đang bế tắc về đường hướng, Hội Hưng Nam ở TP Vinh nghe tin liền quyết định cử Trần Phú và một số người sang Quảng Châu để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên để học tập. Tuy nhiên, gần 10 tháng sau (đầu tháng 8/1926), ước mơ được gặp "thần tượng” cách mạng của Trần Phú mới thành hiện thực.

Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống.

Tại trụ sở của Tổng bộ Thanh niên ở số nhà 131, phố Văn Minh, đường Diên An I, Trần Phú đã được gặp Nguyễn Ái Quốc, tức Lý Thụy. Từ cuộc gặp ấy, rất nhiều sự đổi thay đã đến với người cách mạng trẻ: Từ lời đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã đổi tên là Lý Quý. Sau hai tháng học tập dưới sự truyền đạt của Nguyễn Ái Quốc, kiến thức của Trần Phú về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được nâng lên rất nhiều, người cách mạng trẻ đã hiểu làm cách mạng thực sự là phải như thế nào, phải đi sâu, gần gũi với quần chúng ra sao. Từ sự thấu hiểu ấy, Trần Phú đã quyết định gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, kết nạp vào "Cộng sản đoàn” và kết thúc lớp huấn luyện chính trị, Trần Phú được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân công về nước phụ trách phong trào ở Trung kỳ.

Những ngày tháng hoạt động ở Trung kỳ, Trần Phú bị thực dân Pháp ráo riết lùng bắt. Để tránh khỏi sự truy nã của kẻ thù, Trần Phú trở lại Quảng Châu vào tháng 1/1927 và lần thứ hai, Trần Phú được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cũng từ cuộc gặp này, nhận thấy Trần Phú là một học trò có khí chất thông minh, đầy nhiệt tình cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định cử đi Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông để đào tạo thành cán bộ cốt cán cho cách mạng.

Và điều kỳ diệu là chỉ 8 tháng sau, tháng 9/1927, tại đất nước của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Trần Phú đeo đuổi, Trần Phú cùng các bạn sinh viên người Việt lại có cơ hội được diện kiến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trong cuộc gặp ngắn ngủi, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng thông báo cho Trần Phú biết những chuyển biến mới của phong trào cách mạng trong nước và dự định thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam đồng thời căn dặn Trần Phú và anh em phải học tập thật tốt để phục vụ cho công tác cách mạng sau này.

Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Trần Phú nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lê-nin-grát bắt đầu hành trình về nước hoạt động. Ngày 8/2/1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Tuy nhiên, ngay sau đó Trần Phú xuống tàu sang Hồng Kông và chính tại đây, lần thứ 4, Trần Phú đã được gặp Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông báo cho Trần Phú biết về sự hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Viết Luận cương chính trị và trở thành Tổng Bí thư

Nói đến Trần Phú, không thể không nói đến bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 mà ông là người chắp bút. Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Ở tuổi 26, đồng chí Trần Phú còn được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Tuy nhiên, một tổn thất lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ phục hồi, củng cố và phát triển là chỉ gần một năm sau, sáng 18/4/1931, tại cơ quan ấn loát của Đảng, số nhà 66 đường Sampannho, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú đã bị địch bắt.

Địch giở mọi thủ đoạn tra tấn tàn ác, dụ dỗ mua chuộc vẫn không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung. Nhưng chế độ tàn bạo của nhà tù đã làm sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư suy kiệt, bệnh tràng nhạc và bệnh lao phổi tái phát nặng hơn. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng khi mới 27 tuổi. Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói ấy ngay sau đó đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống của những người chiến sĩ cách mạng.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự