Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử Cao Văn Liên

  • Cập nhật: Chủ nhật, 28/4/2024 | 6:13:03 PM

Dư âm khi đọc "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" của tác giả Cao Văn Liên đọng lại trong lòng bạn đọc là niềm tự hào vô bờ bến về Chiến thắng Điện Biên Phủ; là chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử vượt tầm thời đại - trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm, trí tuệ thông minh, lối sống trọng nhân nghĩa của người Việt Nam.

Bìa cuốn Tiểu thuyết lịch sử Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng.
Bìa cuốn Tiểu thuyết lịch sử Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm đã đặt dấu chấm hết sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và toàn cõi Đông Dương. Chiến dịch kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ với bao hy sinh, gian khổ của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác viết về lịch sử đấu tranh cách mạng. Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng (Nxb Hồng Đức, H.2022) - tập sách thứ tám trong bộ tiểu thuyết nhiều tập diễn giải trường kỳ trải mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc mang tên Việt Nam diễn nghĩa (Nxb Hồng Đức, 2019-2023) của tác giả-nhà nghiên cứu lịch sử Cao Văn Liên không nằm ngoài dòng chảy của nguồn cảm hứng này.

 

Với 11 chương, tác phẩm "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" đã tái hiện sinh động toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ từ khi mở màn đến khi kết thúc thắng lợi vẻ vang. "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" được viết với phương thức luận giải vấn đề lịch sử theo cách phi hư cấu. Và đây cũng là phương thức chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình phục dựng diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ - một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Tác giả Cao Văn Liên đã tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ trong tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử viết văn, chứ không phải là nhà văn viết lịch sử. Có thể coi đây là sự tìm tòi sáng tạo, thể hiện một hướng đi riêng về cách tiếp cận lịch sử của Cao Văn Liên.

Vì thế, với văn phong giản dị, khúc chiết, tình tiết rõ ràng, tôn trọng sự thật, lôi cuốn, hấp dẫn, tác phẩm "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" đã giúp bạn đọc ngược dòng thời gian, xúc động, hồi hộp hòa mình vào không khí những năm tháng hào hùng toàn quân và toàn dân đoàn kết một lòng quyết chiến đấu đến cùng giành độc lập dân tộc.

Tác phẩm đã gửi đến bạn đọc những diễn ngôn mang tính giao thoa giữa hai thể loại văn-sử, đây là cách kết hợp vốn khá quen thuộc trong tiến trình văn học dân tộc. Tuy nhiên, những chất liệu lịch sử được công phu sưu tầm, chọn lọc và được diễn giải qua tư duy lý luận lịch sử của tác giả đã khiến tác phẩm vang lên những thông điệp vừa mang ý nghĩa khoa học vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

"Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" với số liệu minh chứng phong phú, mang tính chân thực lịch sử tác giả đã phác họa đậm nét một bức tranh hoành tráng của thế trận hai bên trong cuộc giao chiến không cân sức.

Xét về mọi phương diện (con người, trang thiết bị, vũ khí, khí tài tác chiến...) quân đội Pháp ở trong thế mạnh và chủ động. Chính phủ Pháp và các tướng lĩnh của họ đã quyết tâm dồn toàn lực cho Điện Biên Phủ: "Xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm kiên cố, vững mạnh với trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhất hiện nay, nhử quân đội Việt Minh tới đánh, sập bẫy xuống” (tr.39). Quân đội Việt Minh trang bị vũ khí thô sơ, thiếu thốn, khó khăn, ở thế bất lợi hơn đối phương rất nhiều. Tuy nhiên, trong trận chiến sinh tử mang tính quyết định sự thành bại này quân và dân Việt Nam đã chiến thắng vẻ vang, ghi một trang vàng chói lọi vào lịch sử của dân tộc-một chiến thắng khiến cả nhân loại phải ngưỡng mộ và khâm phục.

Câu hỏi "Vì sao chúng ta chiến thắng” cho đến hôm nay vẫn được đặt ra và câu trả lời bạn đọc có thể tìm thấy một cách thỏa đáng qua "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng".

Điện Biên Phủ là một cuộc đấu trí về nghệ thuật quân sự giữa người Pháp và người Việt Nam. Quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ (mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã có đường lối chính trị, chiến lược, chiến thuật quân sự khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh khách quan của lịch sử lúc đương thời.

Sự lựa chọn phương án tác chiến linh hoạt và luôn luôn đúng của người chỉ huy trong cuộc đấu trí căng thẳng, cam go với đối phương chính là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất để quân và dân ta chuyển đổi thế trận từ bị động khó khăn, bế tắc sang thế chủ động, phản công, giáng những đòn sấm sét phá tan toàn bộ hệ thống cứ điểm kiên cố của kẻ thù, đập tan cuồng vọng và huyền thoại về cái gọi là "sức mạnh quân sự tối ưu của Đại Pháp” khiến chúng không kịp trở tay, buộc phải kết thúc chiến tranh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ý chí quyết chiến quyết thắng, quả cảm, sẵn sàng hy sinh của nhân dân thuộc đủ mọi tầng lớp và chiến sĩ nơi chiến trường đã làm nên một sức mạnh mà không kẻ thù nào có thể kháng cự được.

Tác giả Cao Văn Liên đã thành công trong những trang văn tái hiện sức mạnh vĩ đại của chiến tranh nhân dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là trí tuệ minh triết trong chiến lược, chiến thuật quân sự, ý chí chiến đấu, bản lĩnh cách mạng kiên cường và tinh thần đoàn kết, sự dấn thân quên mình cho sự tồn sinh của đất nước của quân-dân Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh những nội dung trên, những con số "biết nói” được liệt kê trung thực trong "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" còn mang đến cho bạn đọc nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc.

Chiến tranh khốc liệt và hệ lụy của nó thật nặng nề. Về phía Pháp, đó là sự thất bại nhục nhã; 16.000 lính tinh nhuệ của họ luôn chìm trong nỗi sợ hãi, lo âu hoảng loạn và phải bất lực chịu cái chết uổng, phơi thây nơi chiến trường xa xôi đất khách quê người - họ thực chất là nạn nhân đáng thương bởi tham vọng điên cuồng của những kẻ độc tài cho mình quyền được đi thống trị và gây đau khổ cho các dân tộc khác.

Về phía quân và dân ta, để giành được chiến thắng, cả một thế hệ người Việt Nam đã vượt qua trùng trùng lớp lớp khó khăn gian khổ, hiểm nguy để sống và chiến đấu kiên cường, bất khuất vì sự nghiệp bảo vệ đất nước. Trên từng mét đất nơi chiến trường Điện Biên Phủ thấm đẫm máu đào của hàng ngàn người đã ngã xuống - đó là sự mất mát đau thương và hy sinh vô bờ bến của những anh hùng đã quả cảm xông pha và sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc.

Chiến tranh qua đi, vết thương còn lại mãi... Hôm nay, mỗi ngày được sống bình an, hạnh phúc là mỗi ngày thế hệ sau không được phép lãng quên sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Dư âm "Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng" của tác giả Cao Văn Liên đã đọng lại trong lòng bạn đọc là niềm tự hào vô bờ bến về chiến thắng Điện Biên Phủ; là sự thấm thía và thấu hiểu vì sao chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam, là chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử vượt tầm thời đại - trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm, trí tuệ thông minh, lối sống trọng nhân nghĩa của người Việt Nam.

Điện Biên Phủ trở thành bản hùng ca chiến thắng chung cho của tất cả các dân tộc bị áp bức bóc lột trên thế giới.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ ngày 18 đến 22/11, sáng 19/11, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đảng Tỉnh ủy Quảng Đông. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tưởng Đạt Dũng, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường. Cùng dự có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông Nguyễn Việt Dũng.

Các đồng chí: Mai Sơn, Lâm Thị Hương Thành tặng hoa chúc mừng cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, các đồng chí: Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

Các đại biểu dự Ngày hội.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11 (1930-2024), sáng 17/11, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện Hiệp Hòa.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình công tác tại Cà Mau, sáng 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự