Chuyển đổi số: Nông dân Việt Nam trên hành trình công nghệ số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/2/2022 | 4:15:50 PM

Chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp mà người nông dân chính là chủ thể.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp mà người nông dân chính là chủ thể.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Đại hội XIII của Đảng đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những biểu hiện cụ thể, thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước.

Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công.

Những làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển. Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng.

Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh bán hàng hiệu quả nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.

Bà Hoàng Thị Gái (Hải Phòng) là một trong số các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Bà Gái hiện có 100 ha trồng lúa, rau màu, trong đó có nhiều loại rau, củ quả xuất khẩu và đang liên kết với hàng trăm nông dân trong vùng để trồng rau sạch phục vụ xuất khẩu. Để việc liên kết đạt hiệu quả cao, bà Gái thành lập các nhóm Zalo, các tổ đội trao đổi thông tin sản xuất hàng ngày. Người nông dân một thời chỉ biết cắm mặt vào đồng ruộng  khẳng định, phải biết áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất thì nông nghiệp mới phải triển được...

"Nông dân bây giờ phải có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội thì mới cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối với thị trường," bà Gái chia sẻ.

[Sàn thương mại điện tử sôi động phục vụ Tết Nhâm Dần 2022]

Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất.  Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.

Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm-nông nghiệp tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn.

Nhân rộng các mô hình số hóa trong nông nghiệp

Thực tế cho thấy, chuyển số trong nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do mô hình sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp...) chưa tương xứng.

Một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp là do trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản; khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.

Chuyen doi so: Nong dan Viet Nam tren hanh trinh cong nghe so hinh anh 2Hàng nông sảng lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình)

Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề nông nghiệp, ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, để đạt được mục tiêu này, nghề nông phải là nghề chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp phải có tay nghề cao, có tư duy hợp tác, đột phá là áp dụng công nghệ cao, số hóa, liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định, để vượt qua những khó khăn, thách thức, tăng thu nhập cho nông dân, không có con đường nào khác là công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới chất lượng cao; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình số hóa trong nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

Những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Để nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung bứt phá trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong xu thế hội nhập toàn cầu, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp chặc chẽ với các bộ, ngành địa phương lựa chọn nội dung có tính chất đột phá, góp phần giải quyết những "nút thắt" hiện nay.

Cán bộ Hội Nông dân chính là người biết rõ nông dân cần hỗ trợ những gì, từ đó chủ động đề xuất, tham mưu và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng triển khai thực hiện với mục đích xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước.

Thực tế, thời gian vừa qua, Hội Nông dân các cấp đã có nhiều chương trình hành động để hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên nông dân áp dụng công nghệ số, vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số có tác dụng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ nông dân hiểu về công nghệ và thành công vẫn là con số ít. Nhưng đây sẽ là những người đi đầu, dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp.

"Hiện nay, nông dân ở nhiều địa phương đã áp dụng các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động,” ông Phùng Đức Tiến cho biết.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp...

Có thể thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, từ đó ra tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.../.

Theo TTXVN(NT)

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự