Ứng dụng hiệu quả sinh ra từ tâm dịch COVID-19
- Cập nhật: Thứ năm, 3/2/2022 | 8:02:24 PM
Trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 với những biến chủng mới, ứng dụng công nghệ có vai trò quan trọng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. nhân dịp năm mới, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng xung quanh chủ đề này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.
|
Xin Thứ trưởng cho biết, ứng dụng PC-COVID tích hợp hệ sinh thái phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào? Quá trình này đến nay đã được triển khai ra sao và đã khắc phục những bất cập của việc nhiều ứng dụng phòng, chống dịch trước đây ra sao?
Việc có nhiều ứng dụng trong giai đoạn trước đây, nhìn nhận từ góc độ tích cực, thì thể hiện sự sẵn sàng vào cuộc ngay lập tức của công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Nhưng điều này lại gây bất tiện cho người dân và lúng túng cho cơ quan quản lý cũng như lực lượng chức năng phòng, chống dịch.
Trong số rất nhiều ứng dụng đó, trên thực tế chỉ có khoảng 4 ứng dụng là chính thức và được các cơ quan của Chính phủ khuyến nghị người dân sử dụng. Các ứng dụng còn lại, cũng giống như hàng trăm, hàng nghìn ứng dụng khác trên các kho ứng dụng, được phát triển một cách độc lập, hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định và sự lựa chọn của người dân. Một số địa phương như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cũng chủ động phát triển, tích hợp tính năng hỗ trợ phòng, chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh sẵn có và đã quen thuộc với người dân để đáp ứng nhu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công an đã phối hợp triển khai, tích hợp các chức năng từ những ứng dụng trước đây thành một ứng dụng quốc gia thống nhất là PC-COVID. Ứng dụng này được kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các nền tảng, cho phép đồng bộ, cập nhật và hiển thị thông tin y tế của người dùng trên một ứng dụng duy nhất.
PC-COVID ra đời giúp giảm số lượng ứng dụng chống dịch chính thống do các cơ quan quản lý chủ trì phát triển (Bluezone, NCOVI…). Dữ liệu người dùng các ứng dụng trước đây sẽ được đồng bộ tự động khi cài đặt PC-COVID. Điều này giúp tạo thuận tiện và loại bỏ tâm lý hoang mang cho người dân khi cài đặt và sử dụng ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch.
Đối với các ứng dụng phòng, chống dịch tại các địa phương, chúng tôi vẫn khuyến khích các địa phương đang làm tốt để giải quyết nhu cầu đặc thù, nhưng không trùng lặp. Tuy nhiên, các ứng dụng này phải tương thích, liên thông dữ liệu với ứng dụng quốc gia để bảo đảm người dân vẫn sử dụng được ứng dụng này khi di chuyển đến các địa phương khác.
Trong quá trình triển khai ứng dụng trên thực tế, theo Thứ trưởng có những bất cập như thế nào cần khắc phục để ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả?
Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước chung tay phát triển các giải pháp phòng, chống dịch. Theo thời gian, các giải pháp đã được hoàn thiện, từng bước khắc phục các vấn đề kỹ thuật, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu đảm bảo thông tin của người dùng được hiển thị đầy đủ, chính xác lên ứng dụng trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, thành công của việc triển khai thì yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là sự đồng thuận, cách thức tổ chức và phối hợp triển khai. Chính vì vậy, mặc dù cùng sử dụng một giải pháp công nghệ, có những tỉnh triển khai ứng dụng rất thành công, trong khi đó, có những tỉnh chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Bài học thành công cho thấy một số điểm chung là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, mà nòng cốt là Y tế, Công an và Thông tin và Truyền thông và khả năng tổ chức mạng lưới triển khai bám đến từng cơ sở, tổ, đội.
Đồng thời, dịch bệnh là vấn đề toàn quốc, vì vậy, cần quyết liệt triển khai thống nhất một số nền tảng dùng chung trên phạm vi toàn quốc. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần giải quyết triệt để khi triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia trong thời gian tới.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua?
Những công nghệ mà Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đang phát triển và đẩy mạnh ứng dụng trong thời gian qua hướng tới mục tiêu hỗ trợ ngành y tế phản ứng nhanh với các diễn biến của dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải dựa trên dữ liệu toàn quốc, thông qua triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia. Các nền tảng đều hướng tới mục tiêu này và đã phát huy hiệu quả tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Quét mã QR từ app PC-COVID khi tham gia giao thông công cộng. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN
Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp ích đáng kể cho ngành y tế ở mặt trận điều trị, hỗ trợ người dân vùng dịch thông qua việc kết nối bệnh viện với bệnh viện, bác sĩ với người dân, những người dân gặp khó khăn với những người dân sẵn sàng giúp đỡ người khác thông qua các nền tảng như: Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, Zalo Connect, Giúp tôi hay Hỗ trợ chuyển tuyến bệnh nhân 115…
Một số địa phương đã triển khai hiệu quả, phát huy vai trò của công nghệ trong việc đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Để nền tảng phòng chống dịch triển khai hiệu quả có vai trò rất lớn của địa phương, vậy trong thời gian tới Bộ TT&TT định hướng như thế nào để sử dụng một cách thống nhất?
Dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc. Do vậy, nền tảng phải là nền tảng toàn quốc, dữ liệu phải là dữ liệu toàn quốc mới giúp phản ứng nhanh, chính xác với dịch bệnh.
Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh việc triển khai các nền tảng công nghệ chống dịch dùng chung bắt buộc tại các địa phương. Trên tinh thần chỉ đạo này, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho đầu mối các địa phương để triển khai hiệu quả các nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương không đầu tư phát triển các ứng dụng phòng, chống dịch mới, trùng lắp về tính năng. Đối với những ứng dụng địa phương đã được phát triển và đưa vào vận hành, cần đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu chống dịch quốc gia.
Trong quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch, chúng tôi luôn coi đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin người dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để bảo vệ dữ liệu người dùng trên mã QR, ứng dụng PC-COVID hiện nay đã được bổ sung tính năng "mã QR an toàn” chỉ cho phép hiển thị hạn chế thông tin người dùng. Người dùng có thể chuyển sang chế độ mã QR thông thường bằng thao tác phóng to mã QR để thực hiện quét khi cần, và chế độ này cũng sẽ chỉ duy trì trong 60 giây rồi sẽ quay trở lại chế độ an toàn. Hướng tới mức độ bảo mật cao hơn, đảm bảo tính xác thực và chống chối bỏ, làm giả của mã QR, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đang xây dựng lộ trình triển khai đối với phương án ký số mã QR.
Trong quá trình vận hành, để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin người dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ qua nền tảng BugRank để khuyến khích các chuyên gia về bảo mật, các hacker "mũ trắng” phát hiện các lỗ hổng bảo mật và báo cáo lại Bộ, để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời.
Để hướng tới một ứng dụng an toàn, tiện dụng và hiệu quả phục vụ người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập nhiều kênh tương tác trực tiếp với người dùng để tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe các góp ý từ người dùng, chuyên gia… cả trong và ngoài nước, từ đó hoàn thiện các tính năng, giao diện mới trong các phiên bản cập nhật của ứng dụng.
Từ việc triển khai ứng dụng PC-COVID, xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn điển hình trong quá trình chuyển đổi số và những bài học, giải pháp căn cơ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam?
Chuyển đổi số phải là một tiến trình toàn dân và toàn diện, trong đó vai trò của người lãnh đạo đứng đầu là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công.
Nhìn từ góc độ xã hội, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch nói riêng và chuyển đổi số nói chung sẽ làm thay đổi căn bản rất nhiều hành vi, thói quen của người dân để thích ứng với trạng thái xã hội mới, thích ứng với một chu kỳ phát triển mới. Công nghệ dù tốt đến mấy thì tự thân nó không thể tạo ra được sự thay đổi thói quen của gần 100 triệu người dân. Chuyển đổi số còn phải bắt nguồn chính từ sự thay đổi nhận thức của cả xã hội, để có được sự thấu hiểu, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trong chuyển đổi số, công nghệ quyết định 20%, còn mô hình tổ chức triển khai, sự đồng thuận triển khai chiếm tới 80% sự thành công. Thực tiễn triển khai công nghệ phòng, chống dịch đã cho thấy thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở.
Chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự hiệu quả, tiếp cận được toàn dân, nếu nó được sinh ra để giải quyết những vấn đề, nỗi đau thực sự của xã hội, của người dân, doanh nghiệp.
Trong suốt gần 2 năm triển khai công nghệ phòng, chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi nhận thấy những giải pháp công nghệ phát huy được nhiều hiệu quả nhất chưa hẳn đã là những giải pháp học được từ kinh nghiệm thế giới, mà chính là những giải pháp bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế của đội ngũ kỹ thuật khi đi vào tận tâm dịch, được chứng kiến tận mắt những nỗi đau, những mất mát của người dân, những khó khăn của đội ngũ y tế tuyến đầu. Những giải pháp thực sự đã đi vào cuộc sống như Zalo Connect, Giúp tôi! hoặc tra cứu thông tin F0 chính là những sản phẩm đã được sinh ra như vậy.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN(NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.