Xu hướng số hóa thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng
- Cập nhật: Thứ bảy, 12/2/2022 | 8:55:48 PM
Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên các lĩnh vực. Đây là nhận định của trang eastspring.com trong bài đăng ngày 10/2.
Chị Trần Gia Minh Châu, chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), bán hàng online thông qua website thương mại điện tử của cơ sở và mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
|
Bài viết khẳng định Việt Nam được biết đến với dân số "vàng”, trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ cao nhất so với các nước có mức thu nhập tương tự trong khu vực. Với việc thế hệ X và thế hệ Y đang hình thành hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi thế hệ Z nhanh chóng nổi lên như một làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030.
Ước tính tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700 USD/tháng tại Việt Nam sẽ chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho tiêu dùng nội địa đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm "xanh”.
Theo bài viết, số hóa hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, tài chính số và giáo dục.
Thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất. Với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có giá trị thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Trong khi đó, là lĩnh vực quan trọng của đất nước, dịch vụ tài chính đang tận dụng xu hướng số hóa. Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa hoàn toàn, lấy con người làm trung tâm.
Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi các chiến lược phát triển kỹ thuật số. Cũng giống như thương mại điện tử, sự dễ dàng và thuận tiện của ngân hàng số sẽ thay đổi cách mọi người thực hiện các giao dịch tài chính. Số lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 73% trong 9 tháng đầu năm 2020, mức cao nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của ngân hàng số vẫn ở mức vừa phải và dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới.
Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ do thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức là sinh ra vào những năm 1980 đến 2012, thúc đẩy. Nhóm này có xu hướng sử dụng Internet nhiều và sử dụng điện thoại thông minh. Sở thích và nhu cầu mua hàng của họ được quyết định bởi các yếu tố khác nhau. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng độ hài lòng của khách hàng.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.