Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tập trung cao hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH
- Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2022 | 10:23:29 AM
Chiều 16/2, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
|
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh dự.
Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Nghị quyết nêu rõ, đối tượng hỗ trợ gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong năm 2022- 2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo cáo của Ngân hàng CSXH Việt Nam tại hội nghị nêu rõ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43, Ngân hàng CSXH đã ban hành kế hoạch thực hiện. Cụ thể, Ngân hàng CSXH tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định với tổng nguồn vốn 10 nghìn tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn tối đa là 15 nghìn tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập và trang trải chi phí học tập, nguồn vốn cho vay tối đa là 3 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng còn cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 với nguồn vốn cho vay tối đa là 9 nghìn tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch, tổng vốn cho vay tối đa là 1,4 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, được giải ngân trong giai đoạn 2022-2023, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đề nghị các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 11 bảo đảm hiệu quả. Đồng thời quan tâm đến các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số cao…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, nhất là Ngân hàng CSXH tập trung cao để triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11. Trong đó, căn cứ vào nguồn vốn, Ngân hàng CSXH phân bổ hài hòa, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngân hàng khẩn trương rà soát các đối tượng để giải ngân nguồn vốn, không để xảy ra vi phạm các quy định trong hoạt động giải ngân. Đồng thời bảo đảm chính xác, đúng đối tượng thụ hưởng; quản lý rõ ràng, minh bạch nguồn vốn cho vay. Cùng đó, Ngân hàng CSXH tập trung kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn để phát huy hiệu quả.
Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xác định nhu cầu vốn các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH theo quy định gửi Ngân hàng CSXH trước ngày 20/2 năm nay… Các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để các trường hợp thuộc diện thụ hưởng nắm bắt được chính sách.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.