Công trình nối đôi bờ sông Thương
- Cập nhật: Chủ nhật, 20/2/2022 | 5:46:13 PM
Việc giao thương giữa khu vực phía Bắc của tỉnh Hải Dương với tỉnh Bắc Giang tới đây không còn cảnh cách trở đò giang, bởi hai tỉnh đã quyết định đầu tư các công trình giao thông nối huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với TP Chí Linh (Hải Dương). Công trình sẽ gắn kết đôi bờ sông Thương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh.
Đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37, TP Chí Linh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
|
Hai công trình kết nối
Hai thủ phủ vải thiều của cả nước là tỉnh Bắc Giang và Hải Dương triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát huy hiệu quả những tiềm năng lợi thế của các địa phương, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện và bền vững.
Cuối tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Điểm đầu thuộc địa phận xã Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng, Bắc Giang); điểm cuối kết nối với đường quy hoạch thuộc địa phận xã Hưng Đạo (TP Chí Linh). Công trình có tổng chiều dài 8,59 km, trong đó cầu Đồng Việt dài 731,2 m; còn lại là đường dẫn.
Theo thiết kế, cầu Đồng Việt rộng 22,5 m; mặt đường dẫn rộng 21,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.
Để tạo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn do tỉnh Bắc Giang đầu tư, tháng 12/2021, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37, TP Chí Linh.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 469,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường dài gần 5,3 km. Điểm đầu tại km8+590 kết nối với điểm cuối của dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu do UBND tỉnh Bắc Giang đầu tư, thuộc địa phận xã Hưng Đạo; điểm cuối giao cắt với quốc lộ 37 thuộc địa phận phường Cộng Hòa (cùng TP Chí Linh). Đường dẫn được thiết kế quy mô đường cấp II đồng bằng, nền đường rộng 22,5 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Theo ông Vũ Duy Đăng, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, hiện nay việc kết nối giao thông giữa TP Chí Linh với huyện Yên Dũng chủ yếu qua phà Đồng Việt và cầu Cẩm Lý (cách phà Đồng Việt gần 20 km). Phà Đồng Việt thuộc địa phận xã Hưng Đạo đã hoạt động hơn 20 năm nay. Nhiều năm trước, lượng người qua phà rất lớn, đặc biệt vào mùa lễ hội. Tuy nhiên, những năm gần đây do phà nhỏ, lại xuống cấp nên lưu lượng người qua lại ngày càng ít. Để đi lại giữa hai bên, người dân phải đi đường vòng khá xa.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày phà Đồng Việt chở từ 350 - 400 lượt khách, chủ yếu là lao động người địa phương làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện Yên Dũng. "Chính quyền và nhân dân trong xã đều phấn khởi, vui mừng khi biết tin 2 công trình giao thông kết nối Hải Dương và Bắc Giang qua địa bàn xã sẽ triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi đã và đang rà soát diện tích đất phải thu hồi, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố, của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án”, ông Đăng cho biết.
Phối cảnh cầu Đồng Việt. |
Sớm khởi công xây dựng
Theo ông Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, cầu Đồng Việt và đường dẫn phía Bắc Giang được thiết kế tuyến đi qua 4 xã của huyện Yên Dũng và qua quy hoạch một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Cầu Đồng Việt xây dựng vượt sông Thương cách bến phà Đồng Việt hiện nay khoảng 2,4 km về phía hạ lưu. "Các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đang đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư. Đơn vị đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công, phấn đấu khởi công dự án trong tháng 5.2022”, ông Cường cho biết.
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương cũng đã thực hiện các thủ tục cần thiết để chuẩn bị triển khai dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật tuyến đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37, TP Chí Linh khi xây dựng quy hoạch tỉnh. Sở đã tham mưu tỉnh cân đối, bố trí vốn hằng năm cho dự án này. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, đưa diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án vào phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2025, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của tỉnh làm cơ sở thu hồi và giao đất thực hiện dự án.
Với vai trò là chủ đầu tư dự án, thời gian qua, Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư; phối hợp Sở Giao thông Vận tải thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải vị trí đấu nối nút giao với quốc lộ 37. Thường xuyên phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang để bảo đảm thực hiện và kết nối đồng bộ giữa 2 dự án. "Đến nay, dự án đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị các thủ tục, phối hợp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong tháng 6.2022, dự án sẽ được khởi công xây dựng”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.