Áp lực tăng giá hàng hóa khi giá xăng dầu “leo thang”

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2022 | 8:09:59 AM

Trong vòng một tháng qua, giá xăng dầu ở nước ta đã tăng liên tiếp ba lần. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc này sẽ tác động mạnh đến hiệu quả của chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng đang được triển khai, dẫn tới khó đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội).
Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội).

Giá xăng Ron 95 V trong nước hiện đang bám sát mức 26 nghìn đồng/lít và gần 25 nghìn đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92, dự kiến phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày hôm nay 21/2 còn tiếp tục tăng cao, càng khiến thị trường "dậy sóng”.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên”

Vài ngày gần đây, ở nhiều địa phương, hàng loạt cửa hàng xăng dầu đã cố tình găm hàng, bán nhỏ giọt, đợi giá lên cao kiếm lời bất chính. Ngày 18/2, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ bán cho người đi xe máy 30 nghìn đến 50 nghìn đồng, đi ô-tô tối đa 200 nghìn đồng. Một số cửa hàng viện lý do hết xăng chỉ bán dầu, hoặc mượn cớ sửa chữa để dừng bán hàng, thậm chí, có cửa hàng xăng dầu ở Sóc Trăng "găm” 7.000 lít xăng E5 Ron 92 không bán cho khách. Các địa phương cho hay, từ tháng 1 đến nay có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân như không đủ nguồn cung, không đủ nhân lực, tạm dừng sửa chữa, bảo dưỡng cửa hàng,...

Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng ngồi không yên, bị giảm đơn hàng do giá cước vận tải tăng cao so với bình thường. Giám đốc Công ty gạch men Ceramic (Thanh Hóa) Lê Toàn Thắng cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giá các loại nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp sản xuất phải "gồng mình” để chống đỡ. Đầu năm 2022, khi giá xăng vượt mức 25 nghìn đồng/lít đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Theo tính toán, chi phí vận tải đang chiếm khoảng 10% đến 15% giá thành sản phẩm, do đó khi giá xăng dầu tăng cao, khiến công ty dự kiến có thể phải tăng giá từ 5% đến 10% để bảo đảm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm trong thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước tình thế này, biện pháp ứng phó duy nhất của doanh nghiệp là khuyến khích đại lý nhập hàng với số lượng lớn trong một lần vận chuyển để giảm giá cước vận chuyển. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương, thời gian qua, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình sản xuất và lao động trở lại làm việc đã cải thiện, tuy nhiên, chi phí vận chuyển (logistics) vẫn còn nan giải, chưa tháo gỡ được nhiều, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng mạnh.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị chuyên về logistics cho biết, đối với vận tải đường bộ, 40% giá cước là chi phí nhiên liệu, giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Muốn điều chỉnh giá cước vận tải ngay cũng không được, vì giá đã quy định trong hợp đồng. Công ty phải tìm cách thương lượng với khách hàng để điều chỉnh cước nhằm bù đắp một phần. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá xăng dầu tăng khiến các đơn vị buộc phải tìm cách giảm giá thành sản xuất, hoặc chịu giảm lợi nhuận để giữ cam kết với khách hàng.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phân tích, một container từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ trước đây có giá từ 7 đến 7,2 triệu đồng, giờ tăng lên 7,5 đến 7,6 triệu đồng, các chi phí khác cũng đội lên 10% đến 15%, nhưng doanh nghiệp rất khó tăng giá vì giá thị trường quốc tế không tăng, nếu tăng thì đối tác sẽ chuyển thị trường khác. Chi phí xăng dầu tăng còn tác động đến nhiều ngành nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ. Đơn cử như ngành vận tải hàng hóa container, xăng dầu chiếm từ 30% đến 35% chi phí. Vì vậy, giá xăng tăng rất dễ kéo giá vận chuyển hàng hóa tăng lên, từ đó tác động tăng chi phí liên hoàn tới nhiều ngành, lĩnh vực và hàng hóa lưu thông trên thị trường. Với nhiều ngành khác, chi phí xăng dầu cũng chiếm từ 5% đến 10% hoặc cao hơn tùy theo lĩnh vực.

Nguy cơ gia tăng lạm phát

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc hãng ta-xi Nguyên Minh, xăng dầu chiếm 35% đến 40% giá thành vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải đang nghe ngóng, nếu kỳ này giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lượng khách sụt giảm nhiều, doanh nghiệp đang "tiến thoái lưỡng nan” chưa biết chọn đường nào để tồn tại. Ông Nguyễn Quốc Biên, đại diện hãng ta-xi Quê Lụa cho biết, lượng khách đi ta-xi giảm mạnh, chỉ bằng 35% đến 40% so thời điểm trước dịch. Xăng tăng giá mạnh, nhưng giá cước của hãng vẫn phải duy trì ổn định trong thời gian dài vừa qua, từ khi giá xăng ở mức 16 nghìn đồng/lít, đến nay đã lên 25 nghìn đồng/lít nhưng các hãng ta-xi vẫn phải nhìn trước, ngó sau chưa dám điều chỉnh.

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty ta-xi Mai Linh miền bắc cho hay, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp ta-xi cạn kiệt nguồn lực, giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe giảm sút thu nhập, dẫn tới bỏ việc. Là đơn vị vận tải khách tuyến cố định, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho rằng, số xe của đơn vị mới hoạt động được 30% dù hoạt động du lịch, đi lại đang từng bước khôi phục. Giá nhiên liệu tăng liên tục làm đơn vị vận tải khó khăn hơn, không tăng giá dịch vụ là thua lỗ, mà tăng trong thời điểm này thì rất khó.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho hay, hiện nay Nhà nước không quản lý giá cước vận tải, doanh nghiệp có quyền tự quyết định, cho nên khi giá nhiên liệu tăng cao, doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng giá cước để cân đối thu chi. "Việc tăng giá các loại mặt hàng, dịch vụ sẽ tạo ra mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch, đồng thời người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng của việc tăng giá này”, ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận.

Giá xăng tăng cao đang là vấn đề đáng lo ngại, có tính tác nhân kích thích lạm phát gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục cần có nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, tài khóa và tài chính, sự bình ổn của thị trường nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh và phát triển. Giá xăng dầu "leo thang” cũng gây những ảnh hưởng nhất định đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đề ra. Theo nhận định của TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào thế giới, hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ đều sử dụng xăng dầu, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Có thể thấy, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đối với nền kinh tế nước ta, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%, ngoài ra trực tiếp tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

 Đối với nền kinh tế nước ta, xăng dầu là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Giá xăng dầu tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy khó lường và tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kiến nghị Nhà nước và bộ, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế bảo đảm nguồn cung dự trữ xăng dầu trong dài hạn, có chính sách điều hành linh hoạt hơn, nhất là những trường hợp bất khả kháng như giá xăng dầu thế giới tăng cao, nguồn cung bị sụt giảm. Cần tính lại các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở như lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức xăng dầu,... cho phù hợp thực tế, qua đó giúp thị trường xăng dầu vận hành ổn định, minh bạch và tự điều tiết theo cơ chế thị trường.

 
Theo Báo Nhân Dân (NT)

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự