Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh
- Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2022 | 8:02:14 AM
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức lễ ký kết "Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam”.
Buổi lễ ký kết "Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam”.
|
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Cục Công nghiệp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương.
Về phía Samsung Việt Nam, có ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Ông Choi Kyoung Soo - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng của Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Kim Hyun - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam.
Buổi lễ ký kết cũng được chứng kiến bởi đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và các doanh nghiệp tham gia Dự án.
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã thúc đẩy nhanh một số xu hướng như tự động hóa, rô bốt hóa và chuyển đổi số nhằm hướng đến tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành. Xu hướng này hứa hẹn những lợi ích vô cùng lớn như duy trì và ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá nguồn lực… nhưng cũng là thách thức không nhỏ bởi sự thiếu thông tin và hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số trong sản xuất, cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện. Việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành, nó đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics.
Do vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương đặt ra trong thời gian tới là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiểu đúng, làm đúng, triển khai tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững thông qua các biện pháp chuyển đổi số.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 02 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Tham gia chương trình, các Tư vấn viên sẽ được đào tạo trong 12 tuần (bao gồm 3 tuần học lý thuyết và 9 tuần học thực hành) nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Dự án hợp tác này là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi kỳ vọng các học viên và doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ.
Còn ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ: "Với dự án này, các chuyên gia của Samsung Hàn Quốc trong lĩnh vực nhà máy thông minh sẽ tham gia hướng dẫn trực tiếp tại nhà máy của các doanh nghiệp tham gia, nên tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ này sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đồng thời, mong rằng đại diện của các doanh nghiệp tham gia dự án lần này sẽ tích cực phát huy tinh thần lãnh đạo và trách nhiệm cao, nỗ lực tối đa thực hiện dự án để đạt được kết quả cao nhất”.
Là một trong số các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình tư vấn phát triển Nhà máy thông minh, đại diện Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEF) thuộc tập đoàn Bưu Chính – Viễn Thông Việt Nam VNPT cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn tham gia vào Dự án hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam để triển khai chương trình đào tạo và tư vấn xây dựng Nhà máy thông minh. Việc được lựa chọn tham gia vào dự án lần này sẽ giúp chúng tôi nâng cao trình độ quản trị và công nghệ cũng như hiệu quả hoạt động và vị thế của doanh nghiệp, hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.”.
Tại sự kiện, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam cho biết: "Đội ngũ nhân sự của Haast sẽ luôn sẵn sàng để phối hợp tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu của dự án, tận dụng tốt cơ hội này để chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình Nhà máy thông minh, đáp ứng đủ các tiêu chí và có cơ hội trở thành đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung Việt Nam trong tương lai gần.”.
Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung triển khai. Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.