Bắc Giang: Kiểm soát tốt thị trường, không để tăng giá bất hợp lý
- Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2022 | 9:09:23 AM
Xăng dầu tăng giá liên tiếp cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho thị trường hàng hóa, dịch vụ thời gian qua có nhiều biến động. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với ngành chức năng trong tỉnh là tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Công ty TNHH Hiệp Anh tăng giá vé xe buýt Bắc Giang - Tây Yên Tử từ ngày 19/2.
|
Nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng giá
Mới đây, liên bộ Công Thương - Tài chính đã tăng giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tháng 12/2021 trước biến động thị trường xăng dầu thế giới. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 hiện nay là 25.530 đồng/lít, RON 95 26.280 đồng/lít, dầu diesel 20.800 đồng/lít… Như vậy mỗi lít xăng, dầu đã tăng từ 3.300-3.400 đồng sau 5 lần điều chỉnh. Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế quan trọng nên việc tăng giá đã tác động tới không ít lĩnh vực.
Hoạt động vận tải đã có "phản ứng” tức thì sau khi giá xăng dầu tăng mạnh. Mặc dù số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện nay còn rất ít do lo ngại dịch Covid-19 (nhiều tuyến xe khách, xe buýt hoạt động cầm chừng) nhưng một số doanh nghiệp đã tăng cước vận chuyển hành khách.
Công ty TNHH Hiệp Anh (Lục Ngạn) tăng giá vé xe khách tuyến Lục Ngạn - Gia Lâm (Hà Nội) từ 75 lên 80 nghìn đồng/hành khách/lượt, tuyến Bắc Giang - Tây Yên Tử từ 60 lên 65 nghìn đồng/hành khách/lượt, Lục Ngạn - Nước Ngầm (Hà Nội) từ 75 lên 80 nghìn đồng/hành khách/lượt. Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Bắc Giang cũng tăng giá taxi từ 7 đến 25% tùy theo loại xe và số km sử dụng.
Ông Nguyễn Đình Chức, Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi điều chỉnh giá cước không chỉ do giá xăng tăng cao mà còn do trong quá trình hoạt động phải trả thêm nhiều chi phí liên quan khác như test Covid-19, các trang thiết bị và vật tư phòng, chống dịch. Hơn nữa, giá cước trước khi điều chỉnh đã áp dụng từ năm 2016 - thời điểm giá xăng chỉ hơn 16 nghìn đồng/lít”.
Không riêng cước vận tải hành khách, giá vật liệu xây dựng cũng tăng nhẹ. Tại một số cửa hàng trên địa bàn TP Bắc Giang, giá thép xây dựng đã tăng vài trăm nghìn đồng/tấn hoặc trên dưới 10 nghìn đồng/cây tùy từng loại. Giá thép cuộn Thái Nguyên phổ biến ở mức 18,5 triệu đồng/tấn, thép cây phi 16 giá 322 nghìn đồng/cây, thép phi 10 giá 120 nghìn đồng/cây. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng nhẹ như mì tôm tăng 5-7 nghìn đồng/thùng, bánh mì Kinh Đô tăng 1 nghìn đồng/chiếc, sữa tươi tăng giá từ 3-5%...
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm thời gian qua tăng mạnh, giá các sản phẩm phòng, chống dịch như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, cồn 70 độ, đèn xông tinh dầu, kit xét nghiệm… cũng tăng.
Bà Ngô Thị Cúc, tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) chia sẻ: "Ngày 26/2, tôi mua kit xét nghiệm tại một nhà thuốc có uy tín trên địa bàn TP chỉ 72 nghìn đồng nhưng hai hôm sau quay lại sản phẩm này đã lên giá 80 nghìn đồng; tuýp C sủi vị cam cũng tăng 3 nghìn đồng so với hôm trước. Không chỉ tăng giá, một số sản phẩm có thời điểm còn không có để mua như nước muối sinh lý, cồn 70 độ...”.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được hình thành chủ yếu từ các yếu tố đầu vào. Khi giá đầu vào tăng hoặc giảm hàng hóa, dịch vụ biến động theo là điều bình thường.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19 tăng giá. |
Thế nhưng, thời gian qua, đã từng xảy ra trường hợp lợi dụng xăng dầu hoặc điện tăng để tăng giá hàng hóa (tăng bất hợp lý). Bên cạnh đó là tình trạng không sòng phẳng trong kinh doanh, chỉ có tăng giá mà ít khi giảm hoặc doanh nghiệp chần chừ trong việc giảm giá.
Trước tác động từ giá xăng dầu và dịch bệnh, khảo sát thị trường, nhiều chủ đại lý, cửa hàng cho biết đã nhận được thông báo từ công ty, nhà phân phối về việc tăng giá một số hàng hóa tới đây. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chính vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi…
Vì vậy, yêu cầu đối với ngành chức năng hiện nay là tăng cường quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nhận được bảng kê khai giá hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp, HTX.
Nếu như thị trường có biến động bất thường, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành hữu quan tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ, gây lũng loạn thị trường theo quy định của pháp luật. |
Đối với hoạt động mua, bán hàng hóa thông thường được thực hiện theo cơ chế thị trường (giá do thị trường quyết định). Tuy nhiên, nếu như thị trường có biến động bất thường, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành hữu quan tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ, gây lũng loạn thị trường theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đặc biệt quan tâm kiểm tra việc niêm yết giá đối với hàng hóa, nhất là xăng dầu và các mặt hàng phòng, chống dịch. Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, tiến hành giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, không niêm yết giá; phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định những vi phạm trong lĩnh vực này.
Đối với mặt hàng phòng, chống dịch, đơn vị yêu cầu cán bộ, nhân viên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cửa hàng kinh doanh, ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về giá hàng hóa.
Ông Tạ Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh nói: "Thời gian qua, lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm về niêm yết giá, riêng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đã xử lý 61 vụ vi phạm. Mới đây nhất đơn vị đã kiểm tra, xử phạt một hộ kinh doanh ở khu Đồng Cửa, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) 750 nghìn đồng về hành vi không niêm yết giá.
Trước tình hình giá cả hàng hóa biến động hiện nay, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nói chung, vi phạm về niêm yết giá nói riêng. Lực lượng QLTT rất mong nhận được sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân. Khi phát hiện vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân có thể thông báo cho các đội, phòng nghiệp vụ của Cục hoặc điện thoại đường dây nóng 0981.027.389 để ngăn chặn, xử lý kịp thời”.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.