Mở cửa du lịch: ''Siết'' khách quốc tế vào VN liệu có ''lợi bất cập hại''?
- Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2022 | 2:53:24 PM
Trong khi Chính phủ vừa đồng thuận trên tinh thần mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3, thì Bộ Y tế lại vừa có công văn khẩn gửi Bộ VHTTDL với loạt quy định được siết chặt hơn dành cho khách quốc tế.
Những du khách đầu tiên trở lại Việt Nam trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
|
Góp ý về dự thảo "Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch” trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 90/BYT-DP đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng thực tế thị trường du lịch vẫn đang đứng trước ngưỡng cửa giai đoạn vô cùng "nhạy cảm.”
Khách quốc tế phải cách ly 72 giờ
Bộ Y tế yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.
Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận).
[Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững]
Trong khi đó, dự thảo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đề xuất du khách ở tại nơi lưu trú trong 24 giờ và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nếu có kết quả âm tính, có thể tự do du lịch.
Với trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao cũng có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.
Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc COVID-19 không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ; sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 mới được dời nơi lưu trú. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất công nhận kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 chỉ cần bằng phương pháp test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh và trong vòng 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR.
Về ứng dụng khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu du khách cài và sử dụng PC-COVID suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam. Ở cửa khẩu có các triệu chứng ho, sốt, đau họng, sổ mũi... cần báo với cơ quan y tế để cách ly theo quy định. Trên đường từ cửa khẩu về nơi lưu trú phải đảm bảo 5K, hạn chế dừng đỗ, tiếp xúc cộng đồng…
Với những nội dung quy định này, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định Bộ Y tế đang siết chặt hơn với khách quốc tế. Mặc dù điều này trái với tinh thần mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 của Chính phủ, nhưng dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch” sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các bộ, ngành để góp ý, hoàn thiện trước khi trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại rằng dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam hiện nay cùng các chính sách siết chặt với khách quốc tế như đề xuất của Bộ Y tế sẽ khiến du lịch nước nhà mất đi vị thế cạnh tranh với các nước đã nhanh chân mở cửa với các quy định thông thoáng hơn.
Tour "ngoại" rục rịch khởi sắc
Trong bối cảnh các quy định đón khách quốc tế vào Việt Nam đang được thắt chặt thì nhiều đơn vị lữ hành lớn trong nước cho biết đã sẵn sàng "đường đua ngoại” cho du khách Việt và không khí đã bắt đầu nóng lên.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho hay doanh nghiệp này đã mở lại nhiều tour nước ngoài định kỳ, trong đó phải kể đến Mỹ, Singapore, Dubai-Abu Dhabi... Đặc biệt, trong tháng Ba này Saigontourist sẽ tiếp tục khai thác các tuyến điểm đến châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á với các hình thức tour trọn gói, Free & Easy nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách.
Các chương trình tour hướng du khách đến thưởng ngoạn các quốc gia có chính sách visa thông thoáng, có quy định rõ ràng về phòng, chống dịch COVID-19. Với mức giá cạnh tranh, lịch khởi hành đa dạng, Saigontourist kỳ vọng các chùm tour sẽ thu hút khách trong giai đoạn mới.
Trong khi đó, Công ty du lịch Vietravel trong những ngày gần đây ghi nhận lượng khách tham khảo và đăng ký tour nước ngoài tại các văn phòng có dấu hiệu "tăng nhiệt.” Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho hay dựa vào tình hình mở cửa đón khách du lịch trở lại của các nước hiện nay, Vietravel đang gấp rút hoàn thiện bộ sản phẩm tour du lịch nước ngoài.
Hiện công ty đã có tour đến Campuchia, Thái Lan, Dubai, Maldives, Australia, Mỹ, châu Âu... Cuối tháng Hai vừa qua, Vietravel có đoàn charter 180 khách hành hương đến Ấn Độ, đầu tháng Ba tiếp tục có đoàn khoảng 45 khách đi Dubai. Đây là hai đoàn khách outbound đầu tiên của Vietravel khởi hành trong năm nay.
Với việc mở cửa các đường bay thương mại quốc tế, nhiều đơn vị lữ hành đang có "đường đẹp” để khôi phục lại thị trường outbound và kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc vào giai đoạn Hè năm nay. Mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng đại diện một số doanh nghiệp nhận định thị trường này vẫn đang đứng trước ngưỡng cửa "nhạy cảm”./.
Ngày 25/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1231/VPCP-KGVX gửi Bộ Ngoại giao về việc khôi phục chính sách thị thực đã áp dụng cho khách nhập cảnh Việt Nam như trước khi có dịch COVID-19. Theo đó, đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trên cơ sở trình của Bộ Ngoại giao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản về việc điều chỉnh tạm dừng chính sách miễn thị thực (đơn phương, song phương) với các nước. Đến nay, để thực hiện "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” và thực hiện mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 như kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản: số 440/BVHTTDL-TCDL ngày 15/2/2022 và số 464/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2/2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao khẩn trương có Tờ trình Chính phủ về việc áp dụng lại chính sách thị thực như trước khi có đại dịch COVID-19. Cũng trong ngày 25/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 597/BVHTTDL-TCDL gửi Sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3. |
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.