Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Cuộc trò chuyện với đồng nghiệp bằng sắc màu
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2022 | 2:09:31 PM
Vừa bị cách ly dịch, vừa bị liệt nửa người, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chọn cho mình cách vẽ để chiến thắng bệnh tật, chống trầm cảm, hâm nóng đam mê vẽ vời mà ông đã có từ… nửa thế kỷ trước.
Một số bức ảnh chân dung được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Sơn Hải.
|
Trong 9 tháng bị tai biến vừa qua, tôi mới tập vẽ chân dung hơn 4 tháng. Vừa bị cách ly dịch, vừa bị liệt nửa người, tôi chọn cho mình cách vẽ để chiến thắng bệnh tật, chống trầm cảm, hâm nóng đam mê vẽ vời mà tôi đã có từ… nửa thế kỷ trước và muốn đóng góp chút gì đó nhỏ bé vào công cuộc chống dịch COVID-19” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ trước thềm Lễ khai mạc Triển lãm "Nhà báo vẽ” cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch COVID-19 của ông diễn ra vào ngày 3/3/2022 do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức.
Lần đầu tiên triển lãm độc lập các tác phẩm tranh vẽ của một nhà báo
Đó là khẳng định của Giám đốc Bảo tàng Báo chí Trần Kim Hoa khi nhắc đến Triển lãm "Nhà báo vẽ” rất đặc biệt này. Nhà báo Kim Hoa cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một triển lãm độc lập gồm các tác phẩm tranh vẽ của một nhà báo. Mấy năm trước, tại một Hội báo Toàn quốc, Bảo tàng chúng tôi đã kết hợp vừa làm trưng bày hiện vật tư liệu báo chí, vừa làm một triển lãm tranh mini với tổng cộng khoảng 20 bức tranh của nhà báo, nhà giáo Nguyễn Văn Hải. Nhiều người đến xem và chia sẻ rằng họ rất thú vị vì Bảo tàng đã đem đến một màu sắc mới đa dạng hơn trong các hoạt động của mình.
Sau đó, chúng tôi cũng kết hợp trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc, để giới thiệu cuốn tiểu thuyết của nhà báo Phạm Quốc Toàn mang tên "Từ bến sông Nhùng”, viết dựa trên nguyên mẫu nhà báo lão thành Phan Quang. Sự kiện rất thành công, khiến chúng tôi càng mong muốn có nhiều cơ hội được tổ chức sự kiện giới thiệu tác giả, tác phẩm báo chí tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Điều này tôi cũng từng trao đổi với một số nhà báo và rất được tán thành, khuyến khích”.
"Chúng tôi vô cùng cảm kích ý chí, nghị lực, niềm lạc quan và thái độ lao động của một nhà báo trong bối cảnh rất đặc biệt và đầy nghiệt ngã đó. Theo sát đời sống báo chí, tôn vinh những tấm gương mạnh mẽ, bản lĩnh, kiên cường vượt lên hoàn cảnh cụ thể để tiếp tục cống hiến cho xã hội của nhà báo trong cuộc sống và sự nghiệp chính là trách nhiệm của những người làm báo với đồng nghiệp, của người làm bảo tàng đối với cộng tác viên của mình. Đó là lý do chúng tôi quyết định tổ chức triển lãm Nhà báo vẽ và mời nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với tư cách tác giả, họa sĩ phối hợp thực hiện” – nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ.
Là một triển lãm độc lập mang tính chất giới thiệu tác giả tác phẩm nhưng đến với "Nhà báo vẽ” mới thấy đây không chỉ là không gian đơn thuần giới thiệu về tác giả Huỳnh Dũng Nhân mà ở đó còn có thể "bắt gặp” rất nhiều gương mặt các tổng biên tập, các nhà báo, nhà giáo, nghệ sỹ… đươc nét cọ tài hoa của ông phác họa. Không gian sinh động, đa dạng của những bức tranh với cách bố trí đẹp mắt đã thực sự thu hút người thưởng lãm.
"Cá nhân tôi tin rằng đây sẽ là một sự kiện ý nghĩa, có ảnh hưởng tích cực tới đời sống tinh thần, tình cảm và lao động của các nhà báo chúng ta. Công chúng cũng sẽ trực tiếp nhìn thấy nhà báo chúng ta đã sống và làm việc ra sao trong khó khăn, thử thách... chứ không chỉ thuần túy tiếp nhận điều đó qua những nhân vật ngoài đời trên trang viết của họ!” – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam khẳng định.
Nghỉ cầm bút viết thì cầm cọ vẽ…
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng chiếc nạng - "vật bất ly thân” bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mấy ngày qua để cùng đội ngũ cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực hoàn thiện các phần việc cuối cùng cho ngày ra mắt công chúng.
Nhắc đến cơ duyên với cây cọ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ rất giản đơn rằng: "Tôi cũng không ngờ tôi đang đi như điên, đang viết như rồ, đang sung sức hoạt động đủ mọi lĩnh vực văn thơ, báo chí, thể thao, xã hội… thế mà lại bị đột quỵ, bị tai biến. Thật không thể chấp nhận được một Huỳnh Dũng Nhân đang tung tẩy đủ trò thế mà nay phải nằm một chỗ. Đợt dịch tạo ra nhiều trạng thái bi thương, lo lắng, khâm phục, nhiều suy nghĩ về sự cống hiến và mất mát… Chính vì thế bên cạnh việc làm thơ, viết báo, tôi muốn vẽ tranh, vẽ chân dung đồng nghiệp, bè bạn, vẽ các áp phích cổ động việc phòng chống dịch. Với tôi không có gì cách ly ngòi bút cây cọ được…”.
Và thế là, cùng chiếc cọ và trí tưởng tượng của mình sau những năm tháng rong ruổi với cuộc chơi con chữ, những bức chân dung bạn bè, tranh cổ động các chiến sĩ chống dịch mùa COVID đã ra đời từ đó! Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dư, song tranh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người xem ghi nhận và đánh giá cao bởi có phong cách và đậm tính thời sự, đồng thời toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách có phần nghiệt ngã nhất. Và năng lượng tích cực ấy dường như đang được lan tỏa trong cuộc triển lãm giữa mùa dịch này để mỗi người thêm trân quý hơn những ngày mình đang sống.
Điểm nhấn của Triển lãm "Nhà báo vẽ” phải kể đến là các bức tranh chân dung. Mà như tác giả Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: "Tôi thích vẽ chân dung. Vì khi vẽ chân dung là tôi nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm của nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến. Tôi vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ theo kiểu truyền thần. Khi vẽ tôi có cảm giác như mình đang được nói chuyện với nhân vật”.
Coi vẽ chân dung như một cuộc trò chuyện với bạn bè nên Huỳnh Dũng Nhân vẽ liên tục như thế trong nhiều ngày qua và cảm giác ngày nào cuộc sống của ông cũng rộn rã tiếng nói cười, bận rộn với các cuộc vui và kỷ niệm với bè bạn qua… tranh vẽ. Thế nên ngắm nhìn 100 bức tranh được trưng bày tại triển lãm thật thích thú, an nhiên.
Nếu ai đó nói rằng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đang có cuộc "rong chơi mới… với tranh chân dung…” quả không sai. Bởi mới cầm cọ vẽ chỉ hơn 4 tháng nay, ông vẽ tới 400 bức tranh, vẽ nhanh, vẽ mọi lúc, thậm chí nửa đêm vẫn thấy ông đăng facebook về một bức chân dung vừa hoàn thiện còn chưa ráo màu. Bạn bè, đồng nghiệp được ông vẽ gần như ngày nào cũng có đôi lời chia sẻ, cảm ơn, trân trọng trên trang cá nhân, các bài báo viết, giới thiệu cứ liên tục ra lò. Nghiệp viết, nghề vẽ của một người đã bước vào cái tuổi 67 rồi mà vẫn sôi nổi, rổn rảng trên cả đời thực lẫn thế giới ảo… thì cũng là hiếm thấy trong làng báo hôm nay.
Là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, ông cũng là người rất gắn bó với HNBVN. Ông nguyên là Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ HNBVN (khóa 8-9), Phó Chủ tịch HNB TP. Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước… Với sự gắn bó ấy, dịp triển lãm này đối với ông mà nói có rất nhiều cảm xúc. "Triển lãm này gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm với HNBVVN, với nghề nghiệp, với đồng nghiệp ghê lắm... Cảm giác như tôi được trở về nhà, trở lại một thời đầy đam mê với công tác Hội” – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhấn mạnh.
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.