Bắc Giang: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do nhiều lao động nhiễm Covid-19
- Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2022 | 7:43:22 AM
Hiện nay, số công nhân bị mắc Covid-19 tại doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Giang khá lớn khiến nhiều DN thiếu lao động, gây khó khăn cho sản xuất. Khắc phục tình trạng này, một số DN đã có giải pháp bước đầu để đáp ứng đơn hàng cho đối tác.
Hiện nhiều DN trong KCN thiếu lao động, gặp khó khăn khi vận hành dây chuyền sản xuất.
|
Tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng cao xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có công nhân trong KCN.
Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) chuyên sản xuất linh kiện điện tử đang vận hành dây chuyền chỉ đạt 60% so với trước bởi lượng công nhân nghỉ nhiều do dịch.
Anh Nguyễn Văn Tân, phụ trách bộ phận sản xuất của DN thông tin: "Số công nhân phải nghỉ do mắc Covid-19 và liên quan cách ly y tế lớn, chiếm khoảng 40% tổng số công nhân khiến DN gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, trước mắt chúng tôi tập trung tuyển dụng lao động mới và tăng ca sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ khiến DN khó bảo đảm hoạt động theo kế hoạch đề ra. Chúng tôi mong tỉnh sớm có giải pháp gỡ khó về lao động, có thể cho phép người lao động đi làm ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính mà không cần theo dõi sức khỏe 7 ngày nữa”.
Công ty TNHH Samkwang vina (KCN Quang Châu) hiện số lao động đi làm cũng chỉ đạt 50% trong tổng số 6 nghìn công nhân nên một số dây chuyền chỉ vận hành cầm chừng. Bên cạnh tuyển dụng mới lao động, Công ty tăng cường liên kết với DN hỗ trợ để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu cho đối tác.
Theo đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện nay trong các KCN có 383 DN đang hoạt động, đa phần gặp khó khăn về lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song chưa có đơn vị nào phải ngừng hoạt động. Hiện số lao động đi làm thực tế giảm khoảng 30 nghìn so với trước.
Về vấn đề này, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc F0 sau khi điều trị khỏi vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày tại nhà đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Do đó, sau khi lắng nghe ý kiến DN, tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ ngay những bất cập; yêu cầu Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đúng quy định về kết thúc cách ly, điều trị F0. Theo đó, Sở Y tế ban hành công văn nêu rõ, vừa qua giấy/phiếu xác nhận điều trị khỏi Covid-19 của các đơn vị vẫn yêu cầu F0 tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày, điều này ảnh hưởng đến lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc xét nghiệm còn gây lãng phí không cần thiết. Để khắc phục những tồn tại trên, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly, điều trị với người quản lý, chăm sóc tại nhà. Trong đó lưu ý các F0 điều trị tại nhà khi đủ tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly, điều trị thì không phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Tăng cường rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly F0 tại nhà; đẩy nhanh việc cấp mã ca bệnh để F0 kết thúc cách ly tại nhà/ra viện ngay khi đủ tiêu chuẩn.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.