Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2022 | 9:16:19 AM
Những chuyển động tích cực trong sản xuất, kinh doanh đang diễn ra khá đồng đều trong cả nước. Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch, doanh nghiệp luôn có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới, những giải pháp cụ thể nhằm nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển trong tình hình mới.
May túi xuất khẩu tại Công ty Huyền Bính ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, Nam Định. (Ảnh TRẦN QUỐC)
|
Không chỉ nỗ lực tìm mọi cách để cầm cự trong hơn hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam luôn tìm cách tận dụng mọi cơ hội để cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Những chuyển động tích cực
Gần một năm trở lại thành phố Hồ Chí Minh để kết nối triển khai dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC), bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thành phố thấm đẫm trong hoạt động kinh tế vừa bật lên sau quãng thời gian khó khăn vì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
Nửa cuối năm 2021, những cuộc giao ban trực tuyến của Ban IV với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phía nam rất "nóng” vì quá nhiều khó khăn được nêu ra. Nhưng giờ đây, phản ánh của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những vấn đề họ đang phải đối mặt mà luôn có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới, những giải pháp cụ thể đang triển khai thực hiện để nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển trong tình hình mới. "Những phát biểu, chia sẻ của doanh nghiệp, doanh nhân cho thấy tính hành động đã cao hơn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy lạc quan.
Ông Nguyễn Gia Huy Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh (YBA) cho biết, Hiệp hội có gần 1.000 thành viên, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong 20 nhóm ngành nghề kinh doanh chính. Trước đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp của YBA liên quan đến chuyển đổi số và quá trình này hiện đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vì chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh.
Đây cũng chính là một trong bốn trụ cột trong hoạt động của YBA, để từ đó hiện thực hóa chiến lược gắn chuyển đổi số với quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại giá trị gia tăng cho các thành viên. Nhìn một cách tích cực, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thích ứng rất nhanh. Với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chính là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiệp hội có 600 thành viên thì 60% doanh nghiệp đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ.
Ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký HAWA chia sẻ, ngành gỗ đang rất phát triển về số lượng doanh nghiệp và may mắn là trong hai năm bùng phát dịch, xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ vẫn tăng trưởng trung bình 15%/năm. HAWA cam kết đồng hành với dự án IPSC trong thời gian 5 năm với mong muốn được hỗ trợ hữu ích cho các nội dung doanh nghiệp gỗ đang yếu và thiếu. Đó là thông tin về thị trường quốc tế như rào cản kỹ thuật, khuynh hướng tiêu dùng; chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng...
Liên kết để mạnh mẽ hơn
Những chuyển động tích cực trong sản xuất, kinh doanh đang diễn ra khá đồng đều trong cả nước. Tổng cục Thống kê cho biết, hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nền kinh tế ước đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2021, cán cân thương mại nhập siêu 581 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,31 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,89 tỷ USD.
"Nhập siêu quay trở lại là một dấu hiệu đáng quan tâm, mặc dù số liệu hai tháng đầu năm chưa đủ để đánh giá xu hướng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt là do tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Đây cũng có thể coi là dấu hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước khi các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu đẩy mạnh sản xuất, do đó cần tiếp tục theo dõi tình hình để có giải pháp quản lý, điều hành phù hợp”, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.
Tình hình đăng ký kinh doanh cũng có nhiều tín hiệu lạc quan, thể hiện ở số lượng lập doanh nghiệp mới tăng 11,9% so cùng kỳ, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh 102,5%. Đáng lưu ý, tín hiệu lạc quan được lan tỏa mạnh mẽ khi tất cả các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; bán buôn; bán lẻ; dịch vụ việc làm; du lịch... đều tăng trưởng ở mức ba con số.
Nhưng hoạt động của doanh nghiệp không phải đã vơi bớt khó khăn. Chính vì vậy, những dự án như IPSC được khởi động vào thời điểm này được kỳ vọng sẽ đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhờ vào cách thiết kế các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và các gói hỗ trợ riêng cho từng nhóm doanh nghiệp rất sát với hoạt động thực tiễn.
Tùy đặc thù hoạt động, các hiệp hội doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia các gói hỗ trợ cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng Hợp phần liên kết doanh nghiệp và liên kết ngành, dự án IPSC cho biết dự án có 6 gói hỗ trợ, bao gồm: Thích ứng và tăng trưởng, duy trì và cải thiện hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến; nâng tầm giá trị Việt với tính độc đáo, riêng biệt trong sản phẩm; số hóa hoạt động doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính; giá trị Việt Nam vươn ra thế giới.
Dự án IPSC do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động đầu năm 2022, quy mô 36 triệu USD, được thực hiện từ nay đến năm 2027 với mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, để giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp gia nhập thị trường khu vực và quốc tế, định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt.T
Theo Báo Nhân Dân (NT)
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.