Người tiêu dùng xoay xở tính toán chi tiêu khi hàng thiết yếu tăng giá
- Cập nhật: Thứ năm, 24/3/2022 | 9:34:29 AM
Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu và dịch vụ tăng lên đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhiều gia đình phải xoay xở để đảm bảo chi tiêu.
Nhiều người đã thay đổi cách chi tiêu để phù hợp với tình hình mới.
|
Giá hàng thiết yếu "leo dốc"
Nhiều hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, mắm… trong thời gian qua đều tăng giá. Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, một số các mặt hàng thực phầm, lương thực như đường mía, trứng, dầu ăn, gạo… đang tăng cao so với thời điểm đầu tháng.
Theo đó, trước đây, mỗi bao gạo như Tám Thái, Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu có giá 170.000 – 180.000 đồng/bao 10kg nhưng hiện tại, giá tất cả các loại trên đều đã tăng thêm 20.000 – 30.000 đồng/bao.
Cùng với đó, các loại dầu ăn cũng tăng giá, giá dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 đồng/chai 2 lít giờ tăng lên 90.000 đồng; một số khác như dầu ăn Simply trước 50.000 - 52.000 đồng/chai 1 lít đã lên tới 64.000 - 68.000 đồng/chai.
Theo khảo sát, tại khu vực chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… giá trứng gà ta trước đây có giá 30.000 – 40.000 đồng/chục, tăng lên 5.000 - 10.000 đồng so với tháng trước; trứng gà công nghiệp có giá 25.000 đồng/chục, tăng 4.000 đồng, mì tôm cũng tăng từ 80.000 đồng lên 102.000 đồng/thùng…
Chị Nguyễn Liên, bán hàng tạp hóa tại Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, mối buôn liên tục báo tăng giá. Mì tôm Omachi đợt đầu năm nhập vào là 180.000 đồng/thùng giờ tăng lên 210.000 đồng/thùng; nước mắm phân khúc bình dân từ 24.000 đồng/chai thì hiện lên 31.000 đồng/chai 500ml; đường trắng từ 17.000 đồng/kg hiện lên 25.000 đồng/kg; các loại bia cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm. Ngoài ra, thời gian qua, hầu hết loại bánh kẹo đều được các đầu mối liên tục tăng giá với mỗi đợt tăng 1.000-2.000 đồng/sản phẩm.
"Các đầu mối lấy hàng đều thông báo đợt nhập tới giá sẽ tiếp tục tăng vì các nhà sản xuất nói sẽ tăng giá tiếp. Giá nhập vào tăng nên tôi buộc phải điều chỉnh giá bán ra, nếu không sẽ không có lãi”, chị Duyên cho hay.
Người dân xoay xở đảm bảo chi tiêu
Chị Nguyễn Thị Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá mà thu nhập của hai vợ chồng chị vẫn không tăng thì bắt buộc chị phải tính toán lại và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Trước đây, chị có thể sẵn sàng chi tiền mua hơn chục bộ quần áo cho các con trong mỗi lần đi mua đồ, nhưng hiện nay chị sẽ chỉ mua vài bộ, và ưu tiên chọn những loại vừa tiền hơn, không cần quá đẹp, miễn sao đảm bảo chất lượng và thoải mái.
Đối với những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, mắm muối…, chị Nhung cũng thay đổi cách mua hàng. Thay vì mua từng chai dầu ăn nhỏ, hết lại mua thì chị chọn mua loại chai to để giảm chi phí và thường hay được chiết khấu nhiều hơn. Đồng thời, giữa các nhãn hàng cùng mặt hàng, chị Nhung sẽ chọn những loại giá mềm hơn thay vì "gặp gì mua nấy" như trước.
"Trước đây khi xăng chưa tăng giá, mỗi tuần tôi sẽ mất 200.000 đồng tiền đổ xăng. Từ khi ra Tết, tôi chuyển sang làm việc online để giảm chi phí đi lại. Tôi đã phải dành một buổi để tính toán lại, cân đối chi tiêu trong gia đình, vì thu nhập của hai vợ chồng vẫn vậy, thậm chí còn bị giảm hơn so với trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thắt chặt chi tiêu là điều bắt buộc”, chị Nhung cho hay.
Còn gia đình anh Nguyễn Tuấn (Mê Linh, Hà Nội), trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của hai vợ chồng anh đều bị giảm sút. Vợ anh là giáo viên mầm non nên dịch chủ yếu ở nhà trông con, trường không mở, không có thu nhập nên gánh nặng kinh tế dồn hết vào suất lương của anh Tuấn. Cùng với đó, khi thấy các mặt hàng đều tăng cao, anh Tuấn đã quyết định mua toàn bộ đồ thực phẩm, ăn uống từ quê gửi xuống thay vì đi chợ, siêu thị như trước. Anh Tuấn cho biết, ở quê đồ rẻ và sạch hơn nên mỗi tuần, anh sẽ rao lên chợ khu dân cư để "gom hàng”, ai có nhu cầu thì người nhà anh ở quê sẽ "đi chợ hộ”, tính tiền làm sạch đồ…
"Tính ra như vậy rẻ hơn được rất nhiều, rau củ, thịt cá ở quê đều rẻ hơn, và khi mua chung thì cước phí chuyển đồ cũng được san sẻ nên gánh nặng tiêu dùng cũng được giảm bớt. Cả hai vợ chồng tôi cũng cắt giảm mua những đồ không cần thiết khác, chi tiêu có tính toán hơn trong giai đoạn khó khăn này”, anh Tuấn cho biết.
Chị Hương Lan ở Long Biên (Hà Nội) thì không còn đi làm bằng xe ôm công nghệ nữa mà chuyển sang xe buýt để tiết kiệm. "Cùng một quãng đường, trước đi mất 40.000 đồng thì nay lên 50.000 đồng. Do vậy, tôi đi xe buýt lên cơ quan, mua vé tháng rất rẻ. Xăng, đồ ăn, thức uống đều tăng nên dù đang độc thân nhưng tôi cũng phải tính toán lại chi tiêu để không bị rơi vào cảnh túng thiếu”, chị Hương Lan chia sẻ.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.