Doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư tại Bắc Giang
- Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2022 | 2:51:45 PM
5 năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bắc Giang luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, TP cao nhất cả nước, qua đó cho thấy địa phương là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn. Tiếp tục xác định công nghiệp là động lực chính cho phát triển, Bắc Giang đẩy mạnh thu hút vốn FDI, trong đó có nguồn vốn từ Hàn Quốc.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên).
|
Điểm đến của các nhà đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng thứ nhất về số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với hơn 320 dự án, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký với gần 1,4 tỷ USD. Các DN Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của khối FDI toàn tỉnh; đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Số lao động làm việc trong DN Hàn Quốc chiếm hơn 23% tổng lao động khối FDI.
Công ty TNHH Hoshiden Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu là DN chuyên sản xuất linh kiện điện tử chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 song với sự hỗ trợ của các cấp, ngành tỉnh Bắc Giang, sự năng động của lãnh đạo DN, đến nay Công ty hồi phục nhanh chóng. Không ngừng mở rộng quy mô, DN đang tạo việc làm cho hơn 11,5 nghìn lao động. Riêng năm 2021, Công ty nộp ngân sách nhà nước hơn 92 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm trước.
Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng thứ nhất về số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Bắc Giang với hơn 320 dự án, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký với gần 1,4 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp khối FDI toàn tỉnh. |
Công ty TNHH Seojin Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng) dù mới đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng đã có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của DN đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2020, nộp ngân sách hơn 80 tỷ đồng. Là DN chuyên sản xuất phụ kiện cung cấp cho Tập đoàn Samsung, Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty cải tạo nhà xưởng, sắp xếp công nhân ở tại DN nên sản xuất duy trì ổn định. Ông Maeng Heesoo, Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về phòng, chống dịch, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn. Từ khi hoạt động trở lại, Công ty sản xuất liên tục, bảo đảm các đơn hàng giao cho đối tác. Bình quân, Công ty cung cấp khoảng 350 triệu sản phẩm/năm”.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng. |
Ngoài giải quyết việc làm cho lao động trong nước, với hơn 1,2 nghìn lao động Hàn Quốc làm việc tại Bắc Giang đã mang đến cho tỉnh nguồn lực quan trọng, giúp đội ngũ doanh nhân của tỉnh được trao đổi, tiếp cận công nghệ hiện đại, phong cách quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đồng hành hỗ trợ DN
Với việc nhiều DN nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Giang cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh có nhiều cải thiện, tạo sức hút đối với nhà đầu tư. Bằng chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng nâng hạng.
Hạ tầng KCN Việt Hàn đang được xây dựng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. |
Với mong muốn hỗ trợ DN ngày càng phát triển, đầu năm mới 2022, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến để lắng nghe ý kiến của DN. Qua đây, Bắc Giang gửi thông điệp "tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN sản xuất, kinh doanh thuận lợi” tới cộng đồng DN.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nhiều DN kiến nghị một số nội dung về giảm chi phí xét nghiệm Covid-19; hỗ trợ tuyển dụng lao động; hướng dẫn chi trả chế độ cho lao động nghỉ việc do bị F0. Tại đây, các ý kiến đều được lãnh đạo tỉnh giải đáp thỏa đáng.
Đồng thời, ưu tiên tháo gỡ khó khăn về thể chế cho DN. Quy định nào không phù hợp, lạc hậu sẽ sửa nhanh nhất, thuộc thẩm quyền của T.Ư thì kiến nghị sửa đổi. Tỉnh tiếp tục duy trì đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của DN; xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu DN; không để DN gặp khó khăn do yếu tố chủ quan.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Hàn Quốc năm 2020 là 2,3 tỷ USD, năm 2021 là 3,5 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh (sau Trung Quốc). Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, dây cáp điện, dây cáp quang, sản phẩm hàng may mặc, băng dính, băng dính cách điện. |
Về hạ tầng phục vụ, tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng; dành nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông đối ngoại, kết nối như: Cầu Như Nguyệt, cầu Hà Bắc 2, cầu Hòa Sơn và nhiều dự án khác phấn đấu thi công vượt kế hoạch.
Đặc biệt, tỉnh phối hợp với hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh làm con đường nối dài ven biển nhằm giúp DN vận chuyển hàng hóa đến cảng Hải Phòng ngắn nhất. Bắc Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng nhà ở cho công nhân.
Đi đôi với giải pháp trên, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, với quan điểm xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo cho phát triển, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, TP thường xuyên lắng nghe kiến nghị của DN; tham mưu giải quyết ngay vướng mắc cụ thể; đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tin tưởng, yên tâm đầu tư vào tỉnh Bắc Giang.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.