Làm chủ kỹ thuật khó trong khám, chữa bệnh
- Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2022 | 3:35:11 PM
Nhiều cơ sở y tế trong tỉnh Bắc Giang đã khẳng định chất lượng chuyên môn nhờ làm chủ những kỹ thuật khó, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ vậy, uy tín của các cơ sở y tế đối với người bệnh từng bước được nâng lên.
Buồng IVF Chamber theo dõi quá trình sinh trưởng của phôi thai (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang).
|
Tuyến huyện thực hiện nhiều kỹ thuật mới
Giữa tháng 4, ông Ng.V.X, 41 tuổi, ở xã Yên Sơn (Lục Nam) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Lục Nam trong tình trạng gãy hở 1/3 dưới xương chày. Sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất nhiều máu.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa vận hành buồng điều khiển và đọc kết quả chụp cắt lớp vi tính. |
Bác sĩ Diệp Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại cùng kíp mổ tiến hành phẫu thuật cấp cứu để nắn lại xương, khâu nối các mạch máu đồng thời loại bỏ dị vật, phần cơ bị dập nát, cố định vết thương. Nhờ xử lý kịp thời trong thời gian vàng (6 giờ) kể từ khi bị thương, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt.
Trước đây, trường hợp tai nạn hở xương như trên phải chuyển tuyến thì nay nhờ có đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, ê kíp bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo nên Trung tâm có thể can thiệp phẫu thuật ngay tại đơn vị. Qua một tuần theo dõi, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt.
Ngoài phẫu thuật gãy xương hở thì gần đây Trung tâm Y tế huyện Lục Nam còn có nhiều bước tiến về chuyên môn như: Nội soi ổ bụng; nội soi can thiệp thoát vị bẹn ở trẻ em; phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc lấy sỏi niệu quản 1/3 trên; thận nhân tạo...
Trong năm 2021, Trung tâm là một trong số ít đơn vị y tế tuyến huyện vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra về phát triển kỹ thuật mới. Số ca chuyển tuyến giảm rõ rệt, uy tín, niềm tin của người bệnh đối với đơn vị nâng lên.
Thay vì vất vả đi xa, chi phí tốn kém, bệnh nhân đến với đơn vị y tế gần nhất để được chăm sóc, điều trị là tín hiệu đáng mừng của y tế tuyến huyện. Theo bác sĩ Vũ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, đơn vị đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật hiện đại mà trước đây chỉ có ở tuyến tỉnh như: Lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo; mổ mắt thay thủy tinh thể bằng phương pháp pha cô; phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng...
Từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị triển khai thêm 5 kỹ thuật mới về y học cổ truyền và 2 kỹ thuật liên quan đến xét nghiệm.
Ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên
Theo số liệu do Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khảo sát trước năm 2020, Bắc Giang có khoảng 10 nghìn cặp vợ chồng cần can thiệp hỗ trợ sinh sản. Hằng năm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 1,5 nghìn sản phụ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm đến sinh con. Con số này cho thấy nhu cầu hỗ trợ sinh sản đối với các cặp vợ chồng ở Bắc Giang là rất lớn.
Hiện nay, Bệnh viện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên vào tháng 6 tới đây. Khoa Hỗ trợ sinh sản tại tầng 2 nhà B với diện tích hơn 1,1 nghìn m2 đã lắp đặt nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại. 2 kíp gồm bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, kỹ thuật viên có chuyên môn về xét nghiệm được đào tạo tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản T.Ư).
Bác sĩ chuyên khoa II Hán Mạnh Cường, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của Bệnh viện cho biết, ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, các chuyên gia từ T.Ư về phối hợp thực hiện, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh nhân là chị N.H.K (TP Bắc Giang) bị tắc 2 vòi trứng sau khi sinh con đầu lòng 5 năm. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt vòi trứng và đăng ký áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện.
Triển khai kỹ thuật ECMO
Tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang các bác sĩ vừa tập trung nhân lực cho công tác khám chữa bệnh, đồng thời rốt ráo chuẩn bị triển khai kỹ thuật ECMO. Đây là kỹ thuật hiện đại được áp dụng để điều trị các ca suy tim hoặc suy hô hấp cấp vì thế đòi hỏi nhân viên y tế phải được đào tạo đạt trình độ cao về chuyên môn.
3 năm qua, Sở Y tế đã phê duyệt mới và bổ sung gần 8 nghìn danh mục kỹ thuật mới cho các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện (trong đó công lập: 3 nghìn kỹ thuật; tư nhân: 4,9 nghìn kỹ thuật). |
Các thiết bị, máy móc tinh vi, vận hành theo quy trình chăm sóc đặc biệt. Bệnh viện đã đào tạo nhân lực đồng thời dành kinh phí hơn 3 tỷ đồng mua sắm vật tư thiết bị y tế. Việc triển khai 2 kỹ thuật cao nói trên tại bệnh viện tuyến tỉnh được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân về khám, điều trị trong bối cảnh các bệnh viện chuyên khoa tuyến T.Ư quá tải.
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 tác động nặng nề khiến đến nhiều chỉ tiêu, kế hoạch phát triển lĩnh vực y tế không hoàn thành. Hiện nay, ca mắc Covid-19 đang giảm sâu, các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh đang trong trạng thái bình thường là điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm.
Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phát triển y tế Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định mục tiêu hướng xây dựng ngành y tế từng bước hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, cung cấp đa dạng loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tuy vậy, ở một số cơ sở tuyến tỉnh, tuyến huyện vẫn còn khó khăn, chủ yếu do cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thu hút được bác sĩ giỏi về công tác. Với phương châm "khó ở đâu gỡ ở đó”, tỉnh chủ trương dành nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa để từng bước cải tạo, xây dựng hạ tầng cơ sở y tế theo tiêu chuẩn hiện đại của Bộ Y tế.
Cùng đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ; tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế ưu đãi trong tuyển dụng, thu hút bác sĩ giỏi về huyện làm việc.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.