Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để mô hình hợp tác xã phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2022 | 3:14:00 PM
Sáng 27/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - Thực tiễn về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới” với mục đích cung cấp thêm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương mới về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
|
Hợp tác xã là bộ phận xương sống của kinh tế tập thể Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Qua 20 năm (2002-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chúng ta đạt được kết quả: Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% hợp tác xã hoạt động có kết quả; đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, nhất là kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan chức năng đã rất tích cực triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị để Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét có những quyết sách mới về đổi mới và phát triển kinh tế tập thể; đổi mới chính sách về đất đai. Đây sẽ là những quyết sách hết sức quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta trong nhiều năm tới. GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Hội đồng Lý luận Trung ương đã có quá trình làm việc, nghiên cứu, tổng kết về 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Giáo sư Tạ Ngọc Tấn cho biết, hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam là bộ phận xương sống của kinh tế tập thể và thành công của Hội thảo không chỉ nhằm tổng kết quá trình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà còn tiếp tục phát triển nhận thức về vấn đề rất quan trọng của đất nước, đó là kinh tế hợp tác xã... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lợi (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, hợp tác xã không chỉ là tổ chức mang tính chất xã hội, càng không phải tổ chức từ thiện, mà là tổ chức kinh tế đặc biệt thúc đẩy "hợp tác” trong cộng đồng xã viên hợp tác xã nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu chung trong hoạt động kinh tế và nhu cầu xã hội, văn hóa của xã viên, trước hết mang lại lợi ích kinh tế cho xã viên. Hợp tác xã là thể chế không thể thiếu được góp phần vào sự phát triển đất nước hài hòa về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, ở cả vùng nông thôn và thành thị; đáp ứng nhu cầu phong phú của đời sống cộng đồng theo các nguyên tắc hợp tác xã. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lợi, nhận thức về bản chất của hợp tác xã hiện chưa rõ ràng, chưa thống nhất, thậm chí lệch lạc. Nhiều nơi vẫn cho rằng hợp tác xã là một số cá nhân, góp vốn để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường kết hợp với một số nguyên tắc hợp tác xã như tham gia tự nguyện, quản lý dân chủ... Hệ thống lý luận đều nhấn mạnh việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải hoàn thành nghĩa vụ đối với cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên rồi mới ra thị trường. Theo Tiến sĩ Phí Thị Diễm Hồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cơ chế kiểm soát và hoạt động của hợp tác xã hiện mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Các chỉ tiêu phương án kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ hợp tác xã khó đo lường và nhận diện... Mô hình hợp tác hiện nay của Việt Nam mới chỉ đạt được một phần của giai đoạn phát triển tăng trưởng, chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của nguồn lực hiện có. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn những tồn tại, bất cập và hạn chế về quy mô và hiệu quả hoạt động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, vẫn còn những "điểm nghẽn" trong nhận thức về vai trò của hợp tác xã, cơ chế hoạt động, pháp luật và chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu kém. Trong bối cảnh chung mới của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế-chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh mang tầm chiến lược vĩ mô để phát triển bền vững kinh tế tập thể, hợp tác xã. Để nhận diện hợp tác xã hiệu quả, Tiến sĩ Phí Thị Diễm Hồng cho rằng, cần căn cứ vào bản chất và mục tiêu của hợp tác xã, từ đó đảm bảo nguyên tắc tự nguyện - dân chủ, mang lại lợi ích cho cả thành viên, tập thể hợp tác xã; đồng thời cần chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư, nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực tổ chức điều hành. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của hợp tác xã, từ đó hoạch định được những nội dung liên quan đến khuôn khổ pháp lý, các quy định để hỗ trợ, động viên giúp hợp tác xã phát triển; hoàn thiện cơ sở pháp lý để mô hình hợp tác xã phát huy hiệu quả trong tương lai... Bên cạnh đó, để mô hình hợp tác xã ở Việt Nam đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần chỉnh sửa và bổ sung các quy định pháp lý (bao gồm cả Luật và văn bản dưới luật) theo hướng minh bạch các tiêu chí về bản chất hợp tác xã và tư cách thành viên của hợp tác xã; hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý, của hợp tác xã để kiến tạo hoặc duy trì được "sức khỏe” cho hợp tác xã trong dài hạn. Các đại biểu cũng đề xuất cần bổ sung các quy định pháp lý theo hướng thúc đẩy năng lực tổ chức, điều hành của hợp tác xã để "nuôi dưỡng” hoạt động cho hợp tác xã đúng hướng, đúng bản chất, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.