Lục Ngạn: Nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất sau mưa lũ
- Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2022 | 10:21:48 AM
Trận mưa lũ bất thường xảy ra tại địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tuy không thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân nhiều nơi không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, mất trắng. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong huyện đã tập trung nhân lực, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống người dân khi lũ đi qua.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lục Ngạn và người dân địa phương giúp thầy, cô Trường Tiểu học Phong Vân vệ sinh trường, lớp học sau lũ.
|
Tập trung thu dọn bùn đất
Sách, vở của học sinh Trường Tiểu học Phong Vân sau khi được rửa sạch bùn đất. |
Sáng 11/5, tại Trường Tiểu học Phong Vân, hơn 100 người thuộc lực lượng công an, dân quân huyện, xã, giáo viên và phụ huynh học sinh rửa bàn ghế, vệ sinh lớp học, thu dọn bùn đất. Thầy Ngô Đức Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường nằm cạnh suối, khi mưa to, nước lũ dồn về làm đổ tường vành lao, sân trường ngập sâu khoảng 1,3 m nước. Nước lên nhanh, các thầy cô chỉ kịp đưa hơn 180 em đang học ở tầng một di chuyển lên tầng hai an toàn còn hầu hết bộ đồ dùng học tập bị ngâm trong nước, hư hỏng. Ước tính mất khoảng 600 cuốn truyện, sách giáo khoa, sách tham khảo, 112 bộ bàn ghế và nhiều vật dụng khác”. Cũng theo thầy Hưng, nhờ được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc dọn vệ sinh trường, lớp học cơ bản hoàn tất, nhà trường đón học sinh trở lại học từ ngày 12/5.
Được biết, đến chiều 11/5, 8/8 trường học ở các xã Phong Vân, Tân Hoa, Sa Lý, Hộ Đáp, Cấm Sơn bị ảnh hưởng do lũ đã được thu dọn bùn đất. Các trường nhanh chóng ổn định, tổ chức dạy và học trở lại sau lũ.
Mưa lũ ảnh hưởng đến các xã của huyện Lục Ngạn như: Tân Sơn, Cấm Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý, Hộ Đáp, Biên Sơn, Tân Hoa, Phú Nhuận, Đồng Cốc, Phì Điền, Tân Quang, Tân Lập, Đèo Gia, Mỹ An, Phượng Sơn. Toàn huyện có 3 nhà bị sập; đổ gãy 6 cột trung áp, 86 cột hạ áp; hư hỏng 6 ngầm; thiệt hại 300 ha cây ăn quả, lúa, hoa màu… Tổng thiệt hại khoảng 34 tỷ đồng. |
Cùng với trường học, những hộ dân có nhà bị đổ cũng được hỗ trợ bảo đảm cuộc sống trong lúc khó khăn. Hộ anh Vi Văn Tọ, thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân là hộ nghèo có 6 khẩu. Rất may khi mưa lớn, nhà sập không có ai ở trong nhà. Ngôi nhà tường trình giờ chỉ là đống đổ nát ngổn ngang đất. Anh Tọ chia sẻ: "Toàn bộ vật dụng như ti vi, tủ lạnh bị vỡ nát, gạo, xoong nồi trôi theo dòng nước. Đêm qua, gia đình tôi được cấp mỳ tôm, dựng lán ngủ tạm. Tôi mong được chính quyền quan tâm hỗ trợ xây nhà ở kiên cố để yên tâm phát triển kinh tế”.
Mưa lũ cũng khiến nhiều nhà bị chìm trong biển nước. Dù đã nỗ lực dọn bùn, sỏi từ chiều hôm qua nhưng đến chiều 11/5, hộ anh Lương Văn Ánh, thôn Quán Cà, xã Biên Sơn vẫn còn hàng chục khối đất, sỏi trước sân. Anh dự kiến phải mất 3 ngày nữa mới dọn xong. "Ban đầu mưa nhỏ, tôi nghĩ chẳng sao cả. Ai dè, nửa giờ sau, nước đổ về cuồn cuộn, đất đá xô vào nhà. Chưa bao giờ tôi thấy trận lũ quét qua nhanh, kinh hoàng như vậy”- anh Ánh nói.
Bảo đảm an toàn giao thông, khôi phục sản xuất
Một điểm sạt lở trên tuyến ĐT 290, đoạn qua xã Phong Vân. |
Theo Hạt Quản lý Đường bộ huyện Lục Ngạn, toàn huyện có khoảng 100 điểm trên các tuyến đường bị sạt lở, nhiều vị trí nguy hiểm, nếu không khắc phục ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình khu vực đường tỉnh (ĐT) 290, Km12+200 đoạn qua thôn Cống Lầu, xã Phong Vân. Chiều dài sạt lở khoảng 40 m, sâu 3,2 m, chiều rộng cung sạt 3,5 m, tạo thành thế hàm ếch. Nếu không được xử lý ngay sẽ gây hư hỏng kết cấu mặt đường, mất an toàn giao thông. Hiện nay, đơn vị cắm biển cảnh báo, làm rào chắn, đợi cơ quan chức năng xem xét, khẩn trương xây dựng phương án khắc phục. Các điểm sạt lở khác thuộc quốc lộ 31, ĐT 279, đường huyện, xã bước đầu đã được khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt.
Nước lũ về nhanh khiến hơn 300 ha cây ăn quả, lúa, hoa màu bị thiệt hại, trong đó hơn 100 ha cây ăn quả. Mấy năm gần đây, bình quân hộ anh Nông Văn Bình, thôn Bến, xã Cấm Sơn thường thu được 30-40 triệu đồng từ vải thiều. Thế nhưng, vụ này gần như mất trắng. Toàn bộ vườn vải hơn 100 cây bị bật rễ, quả dập nát. Anh phải đốn cành, lá, hy vọng cây có thể hồi phục, cứu vãn ở năm sau.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, trước mắt để nhanh chóng khôi phục sản xuất, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổng hợp cụ thể đối tượng cây trồng thiệt hại, có thể bố trí kinh phí hỗ trợ giống, phân bón để người dân trồng lứa mới. Riêng cây ăn quả, nhất là vải thiều, huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn ngay biện pháp chăm sóc cây trồng khi lũ đi qua.
Xử lý nghiêm hành vi lấn suối
Một số hộ dân đổ đất xâm lấn dòng suối tại thôn Bến, xã Cấm Sơn. |
Thiên tai bất thường xảy ra đã gây hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, một điều đáng ngại là nguyên nhân xảy ra thiệt hại là do một số nơi xuất hiện tình trạng xâm lấn dòng chảy nên lũ thoát chậm, dồn lên cao. Trường hợp của Công ty TNHH Lâm sản Xuân Hoàng, thôn Cống Lầu, xã Phong Vân là một ví dụ.
Vị trí xưởng chế biến và bãi tập kết gỗ của doanh nghiệp (DN) này nằm sát ĐT 290 và chắn ngang dòng suối dưới chân núi. Vì thế, khi dòng lũ đi qua làm khu vực sân bãi và nhà xưởng của DN bị hư hại nặng, tạo thành các hố sâu, khiến chiếc xe ô tô tải của Công ty bị sụt xuống hố chưa thể di chuyển đến nơi an toàn. Ông Vũ Quang Hưng, Giám đốc Công ty cho biết, DN hiện có 2 xưởng chế biến gỗ. Một xưởng ở thôn Cống Lầu và một xưởng ở thôn Vựa Ngoài (cùng xã Phong Vân) vừa được xây mới và đi vào hoạt động gần 2 năm. Trận mưa, lũ ngày 10/5 khiến toàn bộ máy bóc gỗ, hàng trăm tấn gỗ nguyên liệu và gỗ đã băm dăm của DN bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng. "Chúng tôi phải sửa chữa, khắc phục trong thời gian ít nhất là nửa tháng thì các xưởng gỗ mới trở lại hoạt động bình thường”, ông Hưng nói.
Hay tại thôn Bến, xã Cấm Sơn, nhiều người dân cũng bức xúc phản ánh, một số hộ đổ đất, xâm lấn dòng suối, thu hẹp dòng chảy nên lũ dâng cao, gây ngập lúa, cây ăn quả. "Mục sở thị” cho thấy, ngay dòng suối đi qua thôn Bến, đống đất cao đổ ở lòng suối. Tình trạng lấn suối cũng diễn ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện.
Trước thực tế trên, huyện Lục Ngạn cần rà soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đất đai theo Chỉ thị 19 của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, cần có thông báo hoặc khuyến cáo người dân không nên thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi trong lưu vực sông, suối. Cấm tuyệt đối các hộ dân, DN, HTX… xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dòng chảy và việc thoát lũ của các sông, suối. Đồng thời bố trí lực lượng, xây dựng các phương án ứng cứu người và tài sản khi có mưa, lũ xảy ra.
Dưới đây là một số hình ảnh khắc phục hậu quả sau lũ:
Người dân thôn Quán Cà, xã Biên Sơn thu dọn đất đá trước cửa nhà do lũ gây ra. |
Nhân viên Hạt Quản lý đường bộ Bắc Giang kiểm tra điểm sạt lở trên ĐT 290, đoạn qua xã Phong Vân. |
Hiện trường điểm sụt lún tại Công ty TNHH Lâm sản Xuân Hoàng. |
Tường bao của Trường Tiểu học Phong Vân bị đổ sập. |
|
Người dân xã Phong Vân giúp hộ anh Vi Văn Tọ, thôn Cầu Nhạc thu dọn nhà cửa bị sập. |
Người dân thôn Bến, xã Cấm Sơn chặt bỏ những cây vải thiều đã bị cơn lũ tàn phá. |
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.