Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kiên quyết khắc phục việc ghi danh dự án đầu tư công khi thủ tục chưa hoàn thiện
- Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2022 | 9:39:42 AM
Ngày 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đã chủ trì các cuộc họp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với một số bộ, cơ quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
|
Tham dự các cuộc họp có đại diện các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.
Nhiều đơn vị tiến độ giải ngân đang rất chậm
Phát biểu mở đầu các cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị đại diện các bộ, cơ quan dự họp làm rõ tình hình giải ngân của bộ, ngành, cơ quan mình, chỉ ra đang chậm ở khâu nào. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những vướng mắc trong chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay chính là chính sách, cách thức phối hợp trong nội bộ các bộ, cơ quan cũng như giữa các bộ, cơ quan, địa phương với nhau.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều dự án chậm giao vốn xuất phát từ cả hai bên. Cơ quan hướng dẫn và cơ quan thụ hưởng nguồn vốn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Một số dự án đầu tư chưa được chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng cả về hồ sơ đến năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân 5 tháng (tính đến 31/5/2022) của 8 bộ, cơ quan Trung ương (Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khoảng 310,174 tỷ đồng, đạt 4,25% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,27%.
7/8 đơn vị dự kiến giải ngân rất thấp dưới 10%, gồm các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ước giải ngân 5 tháng (tính đến 31/5) của 8 cơ quan gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam khoảng 153,938 tỷ đồng, đạt 3,26% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,27%.
6/8 đơn vị dự kiến giải ngân rất thấp dưới 10%, cụ thể: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.
Thảo luận tại các cuộc họp, các bộ, ngành, đơn vị thuộc Tổ công tác số 3 theo dõi, đôn đốc đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá nguyên nhân chậm giải ngân các dự án là do bộ quản lý, chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án chưa kỹ lưỡng nên gặp vướng mắc khi triển khai. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc giao vốn ngân sách nhà nước chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện nhiều dự án vốn ODA đang bị chậm do nhiều quy trình, thủ tục còn phức tạp, mất rất nhiều thời gian khi thực hiện các điều chỉnh trong dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, cơ cấu tổ chức bộ máy trong lĩnh vực đầu tư công, từ tư vấn, quản lý dự án, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều xáo trộn. Khi triển khai thực hiện, sự phối hợp trong nội bộ và giữa các bộ, ngành chưa được nhịp nhàng, thông suốt.
Các bộ, ngành và thành viên Tổ công tác cho rằng, giá nguyên vật liệu tăng cao, tình trạng giá cả nguyên nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt giá thép, cát xây dựng tăng mạnh so với dự toán được duyệt, dẫn đến việc các nhà thầu thi công xây dựng chậm triển khai thực hiện các gói thầu đã có kết quả trúng thầu. Nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án do tăng tổng mức đầu tư.
Về các dự án khởi công mới, đa số các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ thực hiện còn rất chậm nên giải ngân rất thấp. Một số dự án mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công.
Nhiều dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng do vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù; người dân khiếu nại về giá bồi thường, không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, tranh chấp về đất đai, thủ tục thu hồi đất mất rất nhiều thời gian, có ít đơn vị tư vấn xây dựng giá đất dẫn đến khối lượng công việc giải phóng mặt bằng tồn đọng tại các địa phương.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, các bộ, ngành và thành viên Tổ công tác đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí giao vốn đầu tư công sớm hơn để có kế hoạch giải ngân tốt hơn; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đã được giao Kế hoạch năm 2021 sang năm 2022.
Các bộ, ngành kiến nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo các bộ, cơ quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, các bộ, cơ quan cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có giải pháp, cơ chế, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao như trong thời gian vừa qua.
Tập trung hoàn thành khối lượng các dự án đầu tư đúng tiến độ
Kết luận các cuộc họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các bộ, ngành và thành viên Tổ công tác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo chi tiết về những vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án chậm trễ rất lâu, nhu cầu vốn rất lớn nhưng chậm được bố trí thực hiện. Các bộ, ngành tập trung đôn đốc các bộ phận chức năng hoàn thành khối lượng các dự án đầu tư theo đúng tiến độ.
Về chuẩn bị đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn tất khâu chuẩn bị đầu tư cho một số dự án, tránh tình trạng đã có vốn đầu tư song chậm giải ngân do khâu chuẩn bị đầu tư chưa hoàn tất; kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa dự án vào danh mục đầu tư mà thủ tục chưa hoàn thiện; thực hiện dứt điểm việc giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần có giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.