Bắc Giang xây dựng chính quyền thân thiện, nâng trách nhiệm cán bộ, công chức
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2022 | 2:08:32 PM
Từ tháng 8/2021, Bắc Giang triển khai mô hình chính quyền thân thiện ở xã, phường, thị trấn. Qua vận hành mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC) theo hướng cởi mở, thân thiện, nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Cán bộ bộ phận một cửa phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) hướng dẫn công dân giải quyết TTHC.
|
Người dân là trung tâm phục vụ
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình chính quyền thân thiện TP, từ hiệu quả của mô hình điểm chính quyền thân thiện do tỉnh triển khai tại phường Trần Phú, BTV Thành ủy quyết định nhân rộng mô hình ở 15 phường, xã còn lại trong tháng 4/2022.
Cùng đó, UBND TP hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho các đơn vị nâng cấp, chỉnh trang bộ phận một cửa theo mô hình mẫu, bảo đảm cơ sở vật chất đồng bộ; đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc. Tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, văn hóa công sở cho CBCC thuộc các phòng chuyên môn của UBND TP và các phường, xã. Quán triệt tinh thần phục vụ "4 xin, 4 luôn, 5 không” trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Khảo sát tại các phường, xã của TP Bắc Giang hiện nay, mô hình chính quyền thân thiện không chỉ hiện diện ở cơ sở vật chất mà thái độ phục vụ của CBCC cũng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Mới đầu giờ sáng, ông Nguyễn Việt Dũng, tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đến bộ phận một cửa phường làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh. Khi hoàn tất, ông sử dụng máy tính bảng ở ô tiếp đón để đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ chuyên môn.
Chính quyền thân thiện phải bảo đảm các tiêu chí như: Xây dựng hình ảnh người đứng đầu gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với công việc; công chức luôn có thái độ lịch sự, cởi mở, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, tổ chức đến làm TTHC. |
Ông Dũng nói: "Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây là không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp. Không gian rộng, thoáng mát. Cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, kết quả giải quyết TTHC được trả sau 15 phút”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế, bộ phận một cửa là nơi đầu tiên người dân tiếp xúc với chính quyền nên phường đã đầu tư kinh phí hơn 700 triệu đồng để sửa chữa, bài trí phù hợp, bảo đảm tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Một đồng chí phó chủ tịch UBND phường thường trực tại bộ phận một cửa để ký và giải quyết TTHC tại chỗ cho người dân.
Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính năm 2019, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) có diện tích lớn và dân số đông với hơn 21 nghìn nhân khẩu, khối lượng công việc tăng nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Đồi Ngô được chọn là 1 trong 3 đơn vị làm điểm mô hình chính quyền thân thiện của tỉnh nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện. Quá trình triển khai, thị trấn chú trọng các giải pháp nhằm hướng đến sự hài lòng của tổ chức, công dân. Đơn vị đã xây dựng cổng thông tin điện tử, lập các trang fanpage, zalo để kịp thời tiếp thu, xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân. Chính quyền thị trấn lắp wifi miễn phí tại một số điểm công cộng; hệ thống Internet nội bộ, tổng đài hỗ trợ hệ thống một cửa.
Cán bộ quyết định
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư cơ sở vật chất xây dựng bộ phận một cửa; đẩy mạnh cải cách TTHC. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Trọng tâm là đổi mới lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục; xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.
Bộ phận một cửa phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) bố trí phòng chờ giải quyết TTHC với bàn ghế, sách báo. |
Thực hiện mục tiêu này, từ tháng 8/2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai thí điểm mô hình chính quyền thân thiện tại xã Hợp Đức (Tân Yên), thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) và phường Trần Phú (TP Bắc Giang). Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 mô hình ở các huyện: Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, TP Bắc Giang. Trong đó TP Bắc Giang là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai tại 100% xã, phường. Với những lợi ích từ mô hình chính quyền thân thiện mang lại, hiện nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng lên kế hoạch, nhân rộng tại cơ sở.
Chia sẻ về kinh nghiệm của đơn vị, ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức (Tân Yên) cho biết: "Khi bắt tay triển khai, xã đặc biệt chú trọng tới tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC. Những hồ sơ như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân... đều được giải quyết ngay. Xã tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân để kịp thời nắm bắt, tiếp thu ý kiến đóng góp về công tác CCHC và thái độ ứng xử của CBCC khi thực thi công vụ”.
Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Sau một thời gian triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện sự thân thiện, gần gũi trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử của chính quyền với nhân dân. Công tác cải cách hành chính, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính được nâng cao.
Cán bộ đoàn hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Để mô hình phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định đây là việc làm xuyên suốt, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Trên cơ sở đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu hơn về ý nghĩa của mô hình, trách nhiệm giám sát, phản ánh, kiến nghị và quyền được thụ hưởng các dịch vụ công.
Phát huy vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền thông qua các tổ tự quản, tổ dân vận cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Dân vận, UBND các huyện, TP hướng dẫn và theo dõi, giám sát việc thực hiện. Về giải pháp lâu dài thì cán bộ vẫn là yếu tố quyết định đến sự thành công của mô hình chính quyền thân thiện.
Bởi vậy, mỗi CBCC, người lao động cần trau dồi kỹ năng, nâng cao chuyên môn, tác phong, tinh thần làm việc phục vụ nhân dân. Các huyện, TP tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Trên cơ sở đánh giá kết quả một năm thực hiện thí điểm, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất việc nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.