Việt Yên: Đầu tư hạ tầng duy trì vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
- Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2022 | 9:32:51 PM
Là huyện có nhiều khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) phát triển nông nghiệp theo hướng duy trì, hỗ trợ vùng sản xuất tập trung. Đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, tạo sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nông dân thôn Minh Sơn, xã Trung Sơn thu hoạch cà chua.
|
Dễ tiêu thụ
Trước đây tại cánh đồng thôn Ruồng, xã Thượng Lan (Việt Yên), người dân mạnh ai nấy làm, trên cùng một khu đồng nhưng nông dân gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau, phát sinh sâu bệnh hại nặng. Khắc phục hạn chế này, vụ xuân năm nay, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân trong thôn chỉ cấy một giống lúa duy nhất TBR225 trên diện tích 80 ha.
Cùng với hỗ trợ giống đối với vùng sản xuất lúa tập trung của UBND tỉnh (mức hỗ trợ 18,5 nghìn đồng/kg giống), địa phương hỗ trợ thêm 8,5 nghìn đồng/kg giống. Nhờ sản xuất cùng giống lúa trên một vùng và thời gian nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lan cho biết: "Vụ xuân này, toàn xã gieo cấy hơn 430 ha lúa, trong đó 70% là giống lúa chất lượng cao TBR225. Hiện lúa chuẩn bị thu hoạch, năng suất dự kiến khoảng 2,3 đến 2,5 tạ/sào. Sản xuất tập trung không chỉ giảm chi phí đầu vào mà việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Việt Yên, toàn huyện hình thành 8 vùng sản xuất tập trung lúa với diện tích hơn 1 nghìn ha và 5 vùng trồng rau 200 ha. Diện tích này tập trung tại các xã Việt Tiến, Tự Lạn, Quang Minh, Minh Đức…
Nhờ đó, 5 năm trở lại đây tăng trưởng ngành Nông nghiệp của huyện đạt bình quân 2,3%/năm; trên địa bàn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Ghi nhận tại hai vùng sản xuất rau tập trung ở thôn Kim Sơn và thôn Hà Thượng (cùng xã Thượng Lan) cho thấy, các sản phẩm đều được thương nhân cam kết thu mua với giá ổn định.
Hay như tại thôn Minh Sơn, xã Trung Sơn (Việt Yên), nhiều năm nay, 24 ha đất trồng màu của thôn được người dân tận dụng triệt để, mùa nào, thức đó với những cây trồng chủ lực như: Bầu, bí, mướp, cà chua, dưa chuột... Ông Lê Duy Thành, thôn Minh Sơn nói: "Với 10 mẫu ruộng, hai vợ chồng tôi quay vòng trồng các loại rau màu. Việc tiêu thụ thuận lợi, thương nhân đến tận nơi thu mua nên gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm”.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Thực tế cho thấy việc sản xuất tập trung đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện, tạo ra vùng nguyên liệu nông sản dồi dào không chỉ phục vụ tiêu dùng mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, qua đánh giá, dù đã được quan tâm song cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản xuất hữu cơ.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Việt Yên, hiện toàn huyện hình thành 8 vùng SXTT lúa với diện tích hơn 1 nghìn ha và 5 vùng trồng rau có diện tích 200 ha. |
Cùng đó hệ thống kênh tưới nội đồng một số tuyến còn là kênh đất, thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc dòng chảy dẫn đến nguồn nước tưới chủ động từ công trình thủy lợi cho cây trồng tại các vùng sản xuất tập trung mới chỉ bảo đảm khoảng 85% diện tích cây trồng; hệ thống đường giao thông nội đồng một số tuyến là đường đất đã, đang bị hư hỏng xuống cấp thiếu tính kết nối nội vùng và liên vùng, đặc biệt là vào vụ thu hoạch. Đến nay mới cứng hoá được 165 km/366 km, đạt 45% tổng chiều dài đường giao thông nội đồng.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, hướng đến mục tiêu đưa Việt Yên trở thành thị xã và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khu vực công nghiệp, dịch vụ, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp hướng dẫn người sản xuất tiếp tục thực hiện duy trì ổn định, hiệu quả các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có; rà soát, phát triển mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp và các bếp ăn trường học trên địa bàn gồm: Vùng sản xuất rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các xã: Quảng Minh, Trung Sơn, Nghĩa Trung, Việt Tiến, Tự Lạn, Minh Đức (tổng diện tích khoảng 80 ha); phát triển các sản phẩm chủ lực tại các xã: Thượng Lan, Tự Lạn, Việt Tiến, Quảng Minh (ớt, dưa các loại, khoai tây, bí xanh, khoai lang…); vùng sản xuất hành quy mô 60 ha tại các xã Nghĩa Trung và Ninh Sơn...
Để đáp ứng nhu cầu tại các khu công nghiệp, trường học, UBND huyện xây dựng đề án hỗ trợ cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ nay đến năm 2025, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ đường nội đồng và kênh mương tại 14 vùng sản xuất tập trung, trong đó có 9 vùng trồng lúa (diện tích là 50 ha/vùng trở lên); còn lại là sản xuất rau màu (diện tích 20 ha/vùng trở lên).
Đồng chí Nguyễn Viết Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói: "Dự kiến trong giai đoạn này, UBND huyện bố trí khoảng 100 tỷ đồng để củng cố cơ cở hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung. Cùng với cứng hóa đường giao thông, kênh mương, tại các vùng sản xuất tập trung, huyện sẽ xây dụng khu vực tập kết, thu mua nông sản".
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.