Tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2022 | 9:32:54 PM
Để đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực để thống nhất với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sáng 5/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình làm kinh tế giỏi nuôi trồng chế biến xuất khẩu nông sản do hội viên Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương làm chủ tại Hợp tác xã Tân Minh Đức. Ảnh:Thống Nhất/TTXVN
|
Tổ chức sản xuất và xây dựng liên kết chuỗi giá trị
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, việc điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp. Tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp cũng nghiên cứu và tham mưu Chính phủ ban hành chính sách mới để thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư vào các khâu chế biến, bảo quản nâng cao giá trị gia tăng thương phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng; phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Phát triển tổ chức sản xuất theo hợp đồng và xây dựng liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trở nên khá phổ biến. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, như đối với rau an toàn, hoa quả, cà phê, chè, thuỷ sản và nhóm hàng hoá khác. Nâng tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 lên hơn 20% hiện nay; trong đó tỷ lệ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho rằng, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đã khẳng định là hướng đi đúng đắn của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, được phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương và nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất gắn với phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn, tập trung, quy mô lớn, phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 phê duyệt "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”. Triển khai các nội dung phát triển vùng nguyên liệu, tập trung thuộc địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: Cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng, thủy sản (tôm). Trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 bố trí 440 tỷ đồng ngân sách nhà nước (trong tổng mức vốn huy động của Đề án trên 2.200 tỷ đồng, bao gồm cả sự đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân hỗ trợ hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ liên kết. Ưu tiên hỗ trợ hạ tầng logistics, kho bãi, silo tập trung nguyên liệu, cho các HTX phục vụ sơ chế, chế biến, phân loại, bảo quản nông sản, thúc đẩy liên kết và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, hợp tác công - tư.
Những tồn tại kéo dài
Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp; một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Các nhà khoa học rất khó tham gia ký hợp đồng liên kết...). Quy mô thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp nhỏ; quy mô vốn, doanh thu của các HTX còn nhỏ, quá trình tích lũy vốn của HTX nông nghiệp diễn ra chậm. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thoả thuận mua bán; tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế không cao. Việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm ở nhiều địa phương còn chậm, dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết còn ít.
Phân tích nguyên nhân của các tồn tại này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, trình độ hạn chế, nên khó áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến dẫn đến năng suất và chất lượng, năng lực cạnh tranh chưa được như mong muốn. Nhận thức của người dân nhiều nơi còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt; trong khi đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn ra khó lường như hiện nay.
Ngoài ra, chính sách chưa phù hợp với điều kiện tiếp cận của HTX nông nghiệp. Luật HTX và các văn bản có liên quan còn những bất cấp, như: Quy định về chính sách đất đai chưa phù hợp, nhiều HTX chưa được hỗ trợ đất làm trụ sở, kho bãi, nhà xưởng để tổ chức sản xuất, nhất là phục vụ sơ chế, chế biến...; quy định tỷ lệ vốn góp, quy định số lượng thành viên, tỷ lệ cung ứng dịch vụ cho thành viên còn những bất cập.
Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX còn ít; chưa bố trí được dòng ngân sách riêng dành cho phát triển HTX nông nghiệp. chủ yếu lồng ghép thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nguồn kinh phí bố trí để thực hiện chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP còn rất hạn chế.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.