Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với công nhân
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/6/2022 | 4:48:35 PM
Đông đảo công nhân lao động có nguyện vọng được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi KTXH…
Nhà máy chế biến viên nén Bảo Châu Phú Yên ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn cho công nhân trong sản xuất. Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN
|
Chiều 9/6, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Chương trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân có chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” và Chương trình "Giờ thứ 9+".
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, dự kiến sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tại tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự chương trình.
Trước đó, đông đảo công nhân lao động cả nước có nguyện vọng được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của công nhân… Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại vào sáng 12/6/2022 tại Bắc Giang.
Đây là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.
Để chuẩn bị cho chương trình, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề. Qua khảo sát, công nhân lao động quan tâm kiến nghị nhiều vấn đề như: tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, sửa đổi chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở, an toàn thực phẩm…
Cùng dự buổi đối thoại với công nhân ngày 12/6 sẽ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, đại diện lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo tỉnh, thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố.
Dự kiến, sáng 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đi thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ và nhà ở xã hội; tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022.
Chương trình khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai Chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động; khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chính thức ra mắt Chương trình "Giờ thứ 9+”, một chương trình giải trí truyền hình dành cho công nhân lao động trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp. Thông qua chương trình, công nhân lao động nói lên tâm tư, nguyện vọng việc làm, đời sống; thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm công dân với xã hội. Đồng thời, chương trình khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, yêu lao động của công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước./.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.