Xây dựng vải thiều thành sản phẩm quốc gia
- Cập nhật: Thứ năm, 23/6/2022 | 8:17:08 AM
Từ lâu, vải thiều Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nức tiếng cả nước. Tuy vậy, để đặc sản này nâng tầm thành sản phẩm quốc gia cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là người trồng vải.
Thương nhân thu mua vải thiều xuất khẩu tại vườn của hộ ông Ngô Văn Hào, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hoà (Tân Yên).
|
Nâng chất lượng sản phẩm
Tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều hơn 28,3 nghìn ha, lớn nhất cả nước. Sản lượng vải dao động từ 180 đến hơn 200 nghìn tấn/năm, đạt giá trị hơn 5 nghìn tỷ đồng (chưa kể dịch vụ phụ trợ).
Nhằm hướng tới sản phẩm quốc gia và để nâng cao giá trị cây vải, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 401 ngày 3/4/2019 về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tỉnh xây dựng các vùng sản xuất vải thiều chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Quả vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng.
Hiện thực hoá chủ trương này và thực hiện Quyết định số 2153 ngày 25/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề án "Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia” (giai đoạn 2018- 2020 trước đó), các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - đơn vị chủ trì đề án, Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên đã chủ động phối hợp, triển khai thực hiện.
Mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, tăng diện tích và giá trị quả vải. Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh triển khai 5 đề tài KH&CN cấp tỉnh và cấp quốc gia liên quan đến sản phẩm vải thiều, tiêu biểu như: Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang; ứng dụng công nghệ của Công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng 16 mô hình sản xuất vải cho hai huyện Lục Ngạn và Tân Yên; 30 mô hình sản xuất vải ứng dụng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt; 2 mô hình sản xuất vải theo hướng hữu cơ. Sở KH&CN phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên với diện tích 15 ha.
Kết quả, vải chín sớm Phúc Hòa tăng năng suất 15-20%, vải thiều chính vụ Lục Ngạn tăng 30-35% so với đối chứng. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, các mô hình sản xuất này vẫn duy trì và tiếp tục nhân rộng.
Anh Vũ Nguyên Bình, thôn Phú Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cho biết, học cách thâm canh mới theo mô hình nâng cao độ phì đất bằng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện vải thiều của gia đình đạt hơn 10 tấn/ha, giá bán cao hơn bình quân chung trên thị trường từ 10-15%.
Tích cực quảng bá, mở rộng thị trường
Phát huy thành công của đề án nêu trên, với sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng ngành chức năng, đặc biệt là nỗ lực của người dân, đến nay diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh đạt 15,4 nghìn ha (tăng 2,4 nghìn ha so với năm 2017), sản lượng khoảng 112,9 nghìn tấn. Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt hơn 100 ha, sản lượng 1 nghìn tấn.
Thu hoạch vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản tại thôn Na Hem, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn). |
Sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Canada… Nếu như năm 2020, Bắc Giang chỉ có 18 mã vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, thì nay tăng lên 35 mã, diện tích hơn 269,4 ha, sản lượng khoảng 2 nghìn tấn. Riêng thị trường Trung Quốc có 149 mã số vùng trồng, diện tích gần 15,9 nghìn ha, sản lượng khoảng 95 nghìn tấn. Dự kiến năm nay khoảng 65% sản lượng vải của tỉnh được xuất khẩu.
Theo quy định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN, sản phẩm quốc gia (lĩnh vực trồng trọt) là sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng và mang lại giá trị xuất khẩu cao; tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, khu chế biến và phát huy được tối đa lợi thế tài nguyên của đất nước, có tiềm năng thị trường tiêu thụ lớn, ý nghĩa xã hội quan trọng...
Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường được đánh giá là "khó tính” bậc nhất này, mở ra cơ hội tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở nhiều thị trường trên thế giới. |
Đối chiếu với các quy định trên, hiện nay vải thiều Bắc Giang mới đạt yêu cầu về giá trị, quy mô nhưng chưa được chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng.
Ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, để vải thiều trở thành sản phẩm quốc gia, trước tiên ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ người trồng vải áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mở rộng diện tích.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đa dạng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho quả vải.
Theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, nếu trở thành sản phẩm quốc gia, vải thiều của Bắc Giang sẽ được Nhà nước hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, cùng nhiều ưu đãi khác.
Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến được hưởng các ưu đãi về tín dụng, thuế, sử dụng đất theo quy định pháp luật... Vì thế, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là người trồng vải. Cùng đó, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành T.Ư đưa vải thiều Bắc Giang vào Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 thì loại trái ngọt này mới có cơ hội trở thành sản phẩm quốc gia.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.