5 lý do thúc đẩy doanh nghiệp Italy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2022 | 9:42:37 AM
Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Italy đang trong thời kỳ sôi động hơn bao giờ hết. Vừa qua, chính phủ Italy tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại đầu tư đến 2030.
Việt Nam đang thúc đẩy việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ: TTXVN
|
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 5/7, Hội thảo Hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp Italy" do Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Pisa và Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) phối hợp tổ chức, đã diễn ra thành công với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng cùng đoàn công tác của Đại sứ quán, lãnh đạo các thành phố Pontedera, Pisa, Cascina, Calcinaia, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Pisa, cùng các doanh nghiệp địa phương của tỉnh Pisa và vùng Toscana.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Italy đang trong thời kỳ sôi động hơn bao giờ hết, đúng theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mang tính bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và Italy. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Italy là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 5,6 tỷ US, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so với 2020. Hiện có hơn 110 doanh nghiệp Italy đầu tư vào 18 tỉnh thành của Việt Nam và hoạt động thành công. Vừa qua chính phủ Italy tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại đầu tư đến 2030.
Đại sứ Dương Hải Hưng đã nêu ra 5 lý do khiến các doanh nghiệp Italy nên đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Một là sự năng động của kinh tế Việt Nam. Hai là, sự hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam, hiện là thành viên của 16 Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong đó có các FTA thế hệ mới và lớn như EVFTA, RCEP và CPTPP. Ba là các cải cách và ưu tiên phát triển của Việt Nam. Bốn là, các biện pháp hỗ trợ về vốn của chính phủ Italy cho các doanh nghiêp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm "Made in Italy” và quốc tế hóa các thị trường mới nổi. Năm là, sự tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước.
Đại sứ tin tưởng rằng cuộc hội thảo là cơ hội trao đổi thông tin và sự mở đầu cho những dự án hợp tác mới trong thời gian tới giữa vùng Toscana với Việt Nam, cam kết sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương, các Liên đoàn công nghiệp, các Phòng Thương mại và các doanh nghiệp hai nước để tăng cường sự hợp tác song phương rất nhiều tiềm năng này. Đại sứ bày tỏ hy vọng rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Italy nói chung và doanh nghiệp vùng Toscana nói riêng tiếp nối thành công của công ty Piaggio đầu tư vào Việt Nam, cũng như sự tăng cường giao lưu, ký thỏa thuận kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Toscana. Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, vùng Toscana, với các thế mạnh về giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, du lịch, ẩm thực, rượu vang, thời trang và các sản phẩm thủ công, công nghệ cao, sẽ ngày càng được biết đến và hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo, bà Francesca Posarelli, đại diện của công ty in ấn Esanastri, có nhà máy tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng ngoài kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất đồ trang trí in lụa và biểu tượng 3D, cũng như tầm nhìn xa khi chuyển việc sản xuất đồ trang trí mũ bảo hiểm, đồ họa kết dính và biểu tượng 3D đến Việt Nam, chính môi trường kinh doanh thân thiện tại Việt Nam đã trở thành một nhân tố quyết định cho sự phát triển của công ty để tạo ra giá trị cho chính mình và cho vùng đất mà công ty đang hoạt động. Đến nay, Esanastri Việt Nam đang có 50 người lao động và đã sản xuất được hơn nửa triệu đồ trang trí với doanh thu khoảng 3 triệu euro trong năm 2021. Bà Posarelli cũng cảm ơn sự quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ của các cơ quan, chính quyền địa phương Việt Nam trong những năm gần đây, đảm bảo môi trường gắn kết và giảm thiểu những bất lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục đầu tư vào công nghệ mới nhằm đảm bảo cho công ty một tương lai bền vững trong một bối cảnh kinh tế mà cạnh tranh và tính bền vững nhất thiết phải cùng nhau song hành.
Còn ông Franco Domicini, đại diện của công ty Segis, cũng có nhà máy tại Việt Nam, chia sẻ với những người tham dự hội thảo về những thành công của công ty Segis Việt Nam khi các mặt hàng nội thất của công ty, được thiết kế riêng và giành được nhiều giải thưởng thiết kế từ Hiệp hội thiết kế công nghiệp tại Italy (Compasso D'oro), được xuất khẩu sang Italy, châu Âu và Mỹ trong 10 năm qua.
Bên lề cuộc hội thảo, Đại sứ Dương Hải Hưng đã gặp Giám đốc Sở thương mại và hoạt động sản xuất thành phố Pisa, ông Paolo Pisciatini, Thị trưởng thành phố Pontedera, nơi có trụ sở tập đoàn Piaggio, ông Matteo Franconi, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ công nghiệp tỉnh Pisa, bà Patrizia Alma Pacini và ông Valter Tamburini, Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Bắc Toscana. Đại sứ Dương Hải Hưng đã kêu gọi sự hỗ trợ của các chính quyền thành phố trên trong việc thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn, đầu tư tại Việt Nam đề nghị các thành phố tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Italy trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Về phần mình, ông Pisciatini khẳng định sẽ tăng cường công tác thông tin, giới thiệu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố Pisa làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nền giáo dục đại học có truyền thống gần 1.000 năm của Việt Nam thông qua Văn Miếu Quốc tử giám, chia sẻ những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Italy và mong muốn có thể góp phần vào việc tăng cường hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Còn ông Franconi nhấn mạnh sự quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thành phố Pontedera trong quá trình làm ăn với Việt Nam, theo bước Piaggio. Ông cũng thông tin về việc chính quyền thành phố đang làm việc tích cực để có sớm ký thỏa thuận kết nghĩa giữa thành phố Pontedera với huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo ông đây sẽ là một cột mốc quan trong để tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp Italy với Việt Nam nói chung.
Nhân chuyến công tác, Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã đến thăm nhà máy của Piaggio và đánh giá cao hoạt động của tập đoàn Piaggio tại Việt Nam đồng thời khẳng định vai trò mang tính biểu tượng và cầu nối của công ty trong quan hệ hợp tác giữa Italy và Việt Nam.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.