Vải thiều Bắc Giang “cháy” hàng ở Hà Nội
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2022 | 2:56:11 PM
Từ đa dạng kênh bán hàng nên vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ rất thuận lợi ở thị trường Hà Nội. Hiện đã vào cuối vụ nên nhiều thời điểm các đơn vị kinh doanh và tiểu thương hết hàng.
Khách hàng mua vải thiều Lục Ngạn trong hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nam.
|
Đa kênh tiêu thụ
Dạo qua thị trường Hà Nội, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, vải thiều Bắc Giang tiêu thụ rất thuận lợi. Tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, chợ truyền thống… mặt hàng vải thiều được bày bán ở vị trí bắt mắt. Đáng chú ý, ngay từ thời điểm đầu vụ, vải thiều đã có mặt tại các hệ thống siêu thị thực phẩm như Sói Biển, Bác Tôm, Clever Food…, giá bán khoảng 90 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với chợ truyền thống.
Lý giải giá bán cao, đại diện hệ thống siêu thị Bác Tôm cho biết đây là loại vải được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, khâu bảo quản được chú trọng, chất lượng vải luôn bảo đảm để phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp.
Theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng, 76 siêu thị, cửa hàng tự chọn với thương hiệu BRG Mart và Haprofood/BRG Mart đã vào cuộc đồng hành cùng người dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều. Tương tự, Tập đoàn Aoen, Mega Market, Co.op Mart… cũng cử đại diện thu mua làm việc với một số doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều chuẩn bị sản lượng, vùng nguyên liệu, thương thảo, ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm tại các mã vùng trồng.
Bên cạnh đó, nối tiếp thành công của những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã mở rộng thị phần nhờ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp kết hợp đưa hàng lên trang Alibaba.com để quảng bá, sau đó chốt đơn đáp ứng nhu cầu của khách hành. Trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… cũng xuất hiện nhiều nhóm rao bán vải thiều Bắc Giang.
Nhìn chung các kênh phân phối đã có sự chuyên nghiệp hơn từ khâu liên kết, quảng bá cho đến phục vụ khách hàng, nhờ đó việc tiêu thụ thuận lợi. Chưa có con số thống kê chính thức song riêng hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn vải thiều Bắc Giang.
"Cháy” hàng theo ngày
Khảo sát tại một số chợ và điểm bán nhỏ lẻ ở TP Hà Nội, giá bán vải thiều tăng- giảm tùy thuộc từng thời điểm, cơ sở kinh doanh. Theo chủ một cửa hàng kinh doanh hoa quả tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), thời điểm đầu vụ, lượng hàng không nhiều nên giá bán cao, sau giảm vào thời điểm chính vụ.
Ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối cung - cầu với hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart, Lotte Mart, Vin Mart… Đồng thời, phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang, qua đó kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa”. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Một tiểu thương ở chợ 337, phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, năm nay vải thiều chất lượng ngon, ít sâu đầu cuống. Thời điểm chính vụ giá 15 nghìn đồng/kg, ba ngày gần đây tăng lên 20- 25 nghìn đồng/kg.
Dưới ánh đèn đường, vừa thoăn thoắt bán hàng cho khách, chị Phạm Thị Huyền (quê ở tỉnh Thanh Hóa) kinh doanh hoa quả trên đường Nguyễn Xiển chia sẻ, đây là năm đầu tiên chị kinh doanh thêm mặt hàng vải thiều Bắc Giang. Để có sản phẩm tiêu thụ, từ trước mùa vải, vợ chồng chị đã lên huyện Lục Ngạn liên hệ đặt hàng với một số nhà vườn.
Hằng ngày chồng chị trực tiếp đưa xe ô tô lên vận chuyển vải về bán. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, vợ chồng chị cân đối số lượng nhập về hợp lý để bán trong ngày, bảo đảm cho trái vải thiều luôn tươi, tránh khô héo. "Dù mới năm đầu kinh doanh vải thiều Bắc Giang nhưng tôi thấy người mua đánh giá chất lượng vải rất tốt.
Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 5-7 tạ vải. Dù vất vả đêm hôm nhưng trừ gốc và các chi phí khác, hy vọng vụ vải kết thúc, vợ chồng tôi có thêm một khoản thu nhập khá”, chị Huyền nói.
Cách điểm bán hàng của chị Huyền không xa, bên chiếc xe tải có biển đề vải 17 K sắp hết hàng, nữ chủ hàng phấn khởi khoe hôm nay mới cuối giờ sáng đã "cháy” hàng, nhiều người đến hỏi mua nhưng không có bán. Sớm mai lại lên Bắc Giang nhập hàng song số lượng sẽ nhiều hơn.
Hiện đa số khách hàng đều có chung tâm lý tranh thủ mua bởi sắp hết vụ vải thiều. Chị Hồng Cẩm, nhà ở quận Thanh Xuân cho biết, nhà gần chợ, cứ đến mùa vải gia đình chị thường xuyên mua về để ăn. Từ đầu mùa vải năm nay chị đã nhiều lần mua vải về ăn dần và làm quà biếu. "Mấy chị em ở cơ quan vào buổi trưa cũng hay mua vải về quây quần thưởng thức. Vải thiều Bắc Giang năm nay nói chung mọng nước, vị ngọt hơn, ít sâu cuống, giá bán phải chăng, thường ở mức hơn 20 nghìn đồng/kg, chỉ tiếc là đã vào cuối vụ”, chị Hồng Cẩm thông tin.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.