Thực hiện Nghị quyết 401 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nông nghiệp tăng tố
- Cập nhật: Chủ nhật, 17/7/2022 | 7:42:52 AM
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 401-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, sản xuất nông nghiệp đã tăng tốc mạnh mẽ.
Nông dân xã Liên Sơn (Tân Yên) chăm sóc dưa trong nhà lưới.
|
Nhiều cơ chế khuyến khích
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường, ngày 3/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 401-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Sơ chế rau, củ, quả tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng. |
Nghị quyết đề ra chiến lược tổng thể, toàn diện về nông nghiệp. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Mở rộng diện tích lúa chất lượng đạt 55% tổng diện tích; vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng; hình thành các vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu, với quy mô chiếm khoảng 50% tổng diện tích rau màu của tỉnh (từ 14 - 15 nghìn ha)...
Trên cơ sở Nghị quyết, các sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, dự án khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Điển hình như Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND Quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông; Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND Quy định mức hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung...
Qua đó, Bắc Giang đã huy động nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, thông qua nhiều nguồn vốn, tỉnh đã chi hơn 2,5 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng phát triển nông, lâm, thủy sản, thủy lợi, giao thông nội đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư bố trí gần 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 730 tỷ đồng, còn lại vốn ODA.
Thêm những vùng sản xuất tập trung
Xác định tích tụ ruộng đất, mở rộng các vùng sản xuất tập trung (SXTT), ứng dụng công nghệ cao là "chìa khóa” hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đề ra, các địa phương lựa chọn, xác định hướng đi riêng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế. Ghi nhận tại huyện Yên Dũng cho thấy, địa phương quan tâm mở rộng vùng SXTT chuyên canh có sự tham gia của DN.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện xây dựng chính sách đặc thù cũng như cơ chế thúc đẩy tích tụ đất đai, tạo quỹ đất để khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ví như để mở rộng diện tích lúa chất lượng, huyện duy trì 33 cánh đồng mẫu, kết nối, mời gọi DN cùng tham gia cung ứng vật tư đầu vào, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chiếm 69,4% tổng sản lượng (mục tiêu 70%); diện tích lúa chất lượng gần 42,7 nghìn ha, chiếm 42,8% tổng diện tích (mục tiêu là 55%); diện tích rau an toàn hơn 11,8 nghìn ha, chiếm 45,7% tổng diện tích (mục tiêu 50%), trong đó diện tích rau phục vụ chế biến xuất khẩu là gần 2,7 nghìn ha (mục tiêu 5 nghìn ha)... |
Mỗi năm, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ duy trì, mở rộng 4-5 mô hình liên kết sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ đối với lúa, hoa màu.
Nhờ đó đến nay, huyện có 10 mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 135 ha; xây dựng 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tương tự, UBND huyện Tân Yên xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch và có cơ chế chính sách riêng nhằm phát triển các vùng SXTT quy mô lớn, tăng năng suất, chất lượng.
Tiêu biểu như các kế hoạch về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển chăn nuôi trang trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh... Đến nay, huyện đã hình thành, duy trì sản xuất tại 24 cánh đồng mẫu, 88 vùng SXTT, hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,5-2 lần so với sản xuất thông thường.
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, 3 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 6-11 lần so với sản xuất thông thường.
Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), giá trị sản xuất không ngừng được nâng lên, đạt bình quân 135 triệu đồng/ha (năm 2021), tăng 31,5 triệu đồng/ha so với năm 2018. Điển hình như mô hình ứng dụng công nghệ cao của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh (SN 1963) ở thôn Dương Sơn, xã Liên Sơn (Tân Yên).
Năm 2019, vợ chồng ông phá bỏ vườn cam hiệu quả kinh tế thấp, sâu bệnh nhiều để đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau màu. Được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, gia đình đầu tư thêm gần 300 triệu đồng xây dựng 2 nghìn m2 nhà lưới. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ 70% giá giống (đối với giống mới đưa vào trồng) và kết nối với DN bao tiêu sản phẩm. Hiện mỗi năm ông Cảnh trồng 2-3 vụ dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc và 2 vụ dưa chuột, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Tuy vậy, qua đánh giá, do nguồn lực còn hạn chế, trong khi cơ chế hỗ trợ tại các địa phương khác nhau nên người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình được hỗ trợ song không phát huy hiệu quả.
Nhìn nhận những tồn tại này, các ngành, địa phương đã xác định rõ chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Với chức năng của mình, ngành nông nghiệp tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung bản đồ số hóa vùng SXTT, chuyên canh để phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất trồng lúa, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Sau 3 năm, nhiều chỉ tiêu đã tiệm cận mục tiêu phấn đấu đến năm 2030. Điều này cho thấy những nội dung của Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thực chất. Để Nghị quyết tiếp tục lan tỏa, cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ, ngành sẽ nghiên cứu để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo "cú hích” trong những năm tiếp theo, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra”.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.