Báo, tạp chí văn học nghệ thuật thay đổi để tồn tại, thích ứng và phát triển
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2022 | 7:58:47 AM
Các cơ quan báo, tạp chí văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, luôn đóng góp tích cực cho nền báo chí. Trong dòng chảy ấy các báo, tạp chí văn học nghệ thuật đã có nhiều đổi mới phù hợp với thời đại, đáp ứng yêu cầu cao của công chúng.
Một số báo chí văn nghệ trên cả nước, nguồn ảnh: toquoc.vn
|
Thay đổi từ tư duy đến hành động
Hiện nay cả nước có hơn 80 cơ quan báo chí văn học nghệ thuật, trong đó có các sản phẩm báo, tạp chí văn học nghệ thuật thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Hội đồng Lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương; Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra còn có các báo, tạp chí văn nghệ của các lực lượng vũ trang như: Văn nghệ Quân đội, Văn hóa Văn nghệ Công an…
Ở địa phương, hầu các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam đều có các Hội Văn học - Nghệ thuật và có các sản phẩm báo, tạp chí của địa phương. Đây đều là diễn đàn thông tin, giới thiệu sáng tác, phê bình lý luận của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Trong thời gian qua, các báo tạp chí văn học nghệ thuật đã liên tục đổi mới để phát triển, nhiều cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật còn xuất bản sản phẩm điện tử và sử dụng các kênh mạng xã hội để cập nhật tin tức, quảng bá thông tin, giới thiệu và phát hiện các tác giả cùng các sáng tác mới cũng như công bố các nghiên cứu lý luận phê bình văn học - nghệ thuật…
Tại khu vực Bắc miền Trung, các tạp chí văn nghệ đã nhận thấy rõ những yêu cầu cần đổi mới trong đời sống báo chí, tự thân nhận thấy cần phải đổi mới đối với chính cơ quan tạp chí để tồn tại, để không muốn đứng ngoài dòng chảy phát triển của lịch sử.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng của đời sống văn hóa xã hội, sự vận động mạnh mẽ của các xu hướng báo chí hiện đại trong nước và quốc tế, các tạp chí văn nghệ địa phương nói chung, tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung nói riêng cần phải tìm ra những hướng đi mới cho báo chí văn nghệ.
Nhà báo Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam cho rằng: Bên cạnh những cơ hội của người làm tạp chí văn nghệ cũng chính là những thách thức không nhỏ. Chúng ta buộc phải nhìn lại, buộc phải thay đổi, buộc phải thích nghi, buộc phải vươn lên… nếu không muốn bị giậm chân, bị tụt hậu, thậm chí mất vai trò của mình trong đời sống tinh thần công chúng. Phải thẳng thắn để nhận thấy rằng, cả một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều những khó khăn đến từ khách quan và chủ quan.
"Bên cạnh việc chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực thì chính chúng ta, những người làm báo chí văn nghệ đã tự thu hẹp mình trong một địa hạt nhỏ bé riêng biệt, tư duy làm việc ngại thay đổi, xa rời đời sống thực tại, chậm chạp trong tìm nguồn tin lẫn cách thức đưa thông tin. Đơn cử, đến sức mạnh của báo chí điện tử trong đời sống hiện nay mà nhiều cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương vẫn thờ ơ, chưa biết nắm lấy, khai thác. Ngay cả việc cạnh tranh hay song hành, biết vận dụng để khai thác những trang văn chương mạng, các cây viết nổi lên từ "cõi mạng” nhiều người quản lý báo chí lẫn các biên tập viên cũng không để ý, không coi trọng…” nhà báo Phạm Thùy Vinh chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt - Tạp chí Hồng Lĩnh thì cho rằng: "Công việc cấp thiết lúc này của Tạp chí văn nghệ địa phương là phải kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo chí văn nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thức thể hiện và chất lượng nội dung thông tin để đáp ứng tính nghệ thuật, tính thời sự, tính định hướng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Dù thế nào thì chất lượng tư tưởng – nghệ thuật vẫn là yếu tố tiên quyết xác lập chỗ đứng của sản phẩm báo chí, giúp tờ báo tìm được chỗ đứng trong lòng bạn đọc”.
Hòa nhịp nhanh chóng vào "dòng chảy” chuyển đổi số
Thực tế cho thấy, ở nhiều tạp chí văn nghệ đã tự đổi mới mình để không bị lạc hậu ở chính địa phương mình, bắt nhịp với sự đổi mới giống như các cơ quan báo chí trên địa bàn. Họ đã đổi mới về nội dung và hình thức, đã mở thêm nhiều chuyên mục, nhiều chuyên đề văn học, văn hóa với nhiều bài viết hay, nóng bỏng, gần với đời sống, mở chuyên mục mới...để phù hợp với thời đại và đáp ứng yêu cầu cao của bạn đọc.
Không nằm ngoài cuộc, các tạp chí văn nghệ cũng đang từng bước thực hiện các mô hình chuyển đổi số. Thay đổi từ nhận thức về chuyển đổi số đã đưa ra chiến lược và chiến thuật phù hợp để phát triển báo, tạp chí văn học - nghệ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nền báo chí cách mạng hiện nay.
PGS.TS. Hà Huy Phượng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Tư duy làm báo Cách mạng của ngày hôm nay phải là tư duy sản xuất báo chí để phục vụ công chúng và phụng sự đất nước; là tư duy quản trị cơ quan báo chí và hoạt động kinh tế báo chí - truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, phương thức làm báo trong thời đại số, báo chí của chúng ta sẽ tụt hậu, bị truyền thông mạng xã hội đẩy lại phía sau và Báo chí cách mạng sẽ mất vai trò, sứ mệnh là những phương tiện truyền thông chính yếu của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
"Để báo chí văn học - nghệ thuật hòa nhịp nhanh chóng vào dòng chảy chuyển đổi số, lãnh đạo các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí văn học - nghệ thuật cần thay đổi cách nhìn truyền thống, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về xu hướng phát triển của báo chí và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Nên lựa chọn một mô hình tổ chức hoạt động tòa soạn phù hợp, hiện đại, tinh gọn theo hướng hội tụ, tích hợp, đa phương tiện. Từ đó có thêm nguồn lực tạo ra nhiều sản phẩm báo chí văn học - nghệ thuật phong phú, đa dạng; góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa - nghệ thuật của nước nhà” - PGS.TS. Hà Huy Phượng gợi ý.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.