Việt Nam và Lào có đóng góp to lớn trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN
- Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2022 | 8:08:26 AM
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumasay Kommasith về những đóng góp của Việt Nam và Lào trong ASEAN, cũng như việc ASEAN phải làm gì để giải quyết những thách thức, những vấn đề mới phát sinh để bảo vệ vai trò trung tâm của Khối trong thời gian tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
|
Thưa Phó Thủ tướng, năm nay là kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Lào và Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên ASEAN cũng như tiến trình phát triển của khu vực?
Việt Nam trở thành thành viên ASEAN năm 1995, Lào gia nhập chậm hơn Việt Nam 2 năm. Cả hai nước Việt Nam và Lào đã tham gia với tư cách là thành viên tích cực, góp phần quan trọng vào hoạch định chính sách, tầm nhìn của ASEAN. Kể từ khi Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar gia nhập ASEAN, chúng ta đã góp phần làm thay đổi lớn tôn chỉ cũng như mục đích ban đầu của tổ chức này.
Cho đến nay, 10 quốc gia ASEAN đã tìm được tiếng nói chung, cùng hợp tác hòa bình trong ngôi nhà chung, sự hiểu biết lẫn nhau và lòng tin ngày càng được củng cố. Đó chính là những đóng góp rất to lớn của Việt Nam và Lào trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Về vấn đề xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam là quốc gia lớn trong khu vực, có vai trò quan trọng, có mối quan hệ với nhiều quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, đó cũng là sự đóng góp trực tiếp vào vai trò quan trọng của ASEAN đối với khu vực và quốc tế.
ASEAN có vị trí địa chính trị quan trọng, nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả các cường quốc đều muốn thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN thông qua cơ chế ASEAN và đối tác, đối thoại. Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trải qua 3 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, trong khi Lào đã 2 lần giữ chức Chủ tịch và đến năm 2024 là lần thứ 3.
Cả Việt Nam và Lào đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo trung tâm của ASEAN, đó là những đóng góp to lớn của hai nước chúng ta, đó cũng là thành quả hợp tác chặt chẽ của hai nước Lào, Việt Nam từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo cấp cao. Những sáng kiến của Việt Nam và Lào đã đem lại lợi ích chung cho các nước ASEAN, là những bước tiến quan trọng hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết.
Thưa Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ phối hợp giải quyết những thách thức mới phát sinh, những vấn đề nóng như thế nào để bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN?
Thành quả lớn nhất của ASEAN đến nay là hòa bình và ổn định. Điều này có được là do sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng cho hòa bình và ổn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như ASEAN. Trước khi Việt Nam, Lào, Campuchia gia nhập ASEAN, các quốc gia trong khu vực vẫn còn thái độ thận trọng, hoài nghi lẫn nhau. Nhưng kể từ khi 10 quốc gia tập trung dưới mái nhà ASEAN, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ. Các quốc gia, cường quốc đều muốn thiết lập và tăng cường hợp tác với ASEAN, đó là thành quả rất lớn về chính trị.
Về kinh tế, các quốc gia đã giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, làm cho khoảng cách giàu - nghèo trong khu vực ngày càng được rút ngắn, điển hình như sự phát triển của Việt Nam đã ngang tầm với nhiều quốc gia trong khu vực, khoảng cách giàu nghèo giữa Lào với các nước tuy vẫn còn tồn tại, song đã được cải thiện một cách đáng kể. Thời đại ngày nay, mỗi quốc gia đều có vị trí và vai trò nhất định, nhưng nếu thống nhất, hình thành được quan điểm và lập trường chung càng nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.
Thực tế hiện nay, tất cả các tổ chức trên thế giới đều tồn tại những bất đồng và thách thức cần phối hợp cùng nhau giải quyết. Về phía ASEAN, cần tiếp tục duy trì vai trò trung tâm, lập trường đồng thuận trong giải quyết các thách thức. Thứ nhất, do tác động trực tiếp bởi các cường quốc đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải tính toán, xử lý sao cho có thể vượt qua được bất đồng, bảo đảm cho ASEAN duy trì tốt mối quan hệ trong khối, cũng như điều chỉnh mối quan hệ với các cường quốc không để cho quốc gia nào trong khu vực phải rơi vào tình huống phải lựa chọn phe.
Việt Nam và Lào có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Thứ hai, hiện nay, trong khu vực cũng như trên thế giới nhiều vấn đề mới phát sinh và cũng có những đánh giá và nhìn nhận khác nhau, do hệ thống chính trị khác nhau nhưng vấn đề quan trọng cần bảo đảm cho các quốc gia ASEAN cùng nhau phát triển và duy trì được những lợi ích cốt lõi chung. Hiện nay, có nhiều mô hình hợp tác mới được đề xuất, các nước muốn ASEAN tham gia, song nền tảng là chúng ta kiên định vai trò trung tâm của ASEAN, các thành viên ứng xử với nhau một cách chân thành, vì lợi ích chung thì chắc chắn, ASEAN sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.