Những nông dân tiên phong trong chuyển đổi mô hình sản xuất

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2022 | 10:17:42 AM

Nông dân Nguyễn Văn Bé Ba và Nguyễn Văn Bi là hai trong số nhiều nông dân ở thành phố Cần Thơ biết cách khắc phục khó khăn để làm giàu từ chính mảnh vườn, đồng ruộng của mình.

7ha đất trồng sầu riêng của anh Nguyễn Văn Bé Ba đều được đầu tư hệ thống tưới tự đồng, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian, chi phí. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
7ha đất trồng sầu riêng của anh Nguyễn Văn Bé Ba đều được đầu tư hệ thống tưới tự đồng, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian, chi phí. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Năm 2022, thành phố Cần Thơ có hai nông dân lọt vào danh sách 100 nông dân xuất sắc Việt Nam là ông Nguyễn Văn Bi (khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn) và anh Nguyễn Văn Bé Ba (xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai).

Điểm chung ở hai nông dân này là những người thành công trong việc đi đầu chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng sầu riêng cho trái trên vùng đất ngập nước

Ở vùng đất xã Trường Xuân A hơn 15 năm trước, người dân chỉ biết gắn bó với cây lúa, hoa màu, rất ít người lên vườn trồng cây có múi như cam, quýt, chanh.

Bởi lẽ do đặc điểm là vùng đất bị ngập nước kéo dài vào những tháng mùa mưa nên việc trồng cây ăn quả không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thấy vậy, thay vì mua đất cho nông dân mướn trồng lúa, năm 2015, anh thợ điện Nguyễn Văn Bé Ba mạnh dạn lấy đất để lên liếp, xây bờ đê ngăn nước trồng xen canh các loại cây mới, lạ, thị trường ưa chuộng như na Thái, xoài Đài Loan, sầu riêng.

[Phát triển ĐBSCL thành hình mẫu thích ứng biến đổi khí hậu]

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, kết hợp hệ thống tưới tự động, đê bao kiên cố để bơm nước khỏi vườn vào mùa mưa (chống ngập vườn), có năm, quả xoài, quả na Thái đem về cho anh nguồn thu gần 1 tỷ đồng.

Xác định sầu riêng là cây trồng chính vì hiệu quả kinh tế cao, sau hơn 5 năm trồng, hiện nay, sầu riêng đã lớn, anh Bé Ba quyết định chuyển sang trồng chuyên canh sầu riêng với 7ha, trong đó, có khoảng 5ha sầu giống Ri6 (gần 1.000 gốc) đang cho trái, 1ha trồng sầu riêng Mosakin (khoảng 200 gốc) trồng được 3 năm.

Năm 2022, anh Bé Ba bán trên 30 tấn sầu riêng với giá trên, dưới 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lãi trên 1 tỷ đồng.

Mặc dù, hiện nay, năng suất sầu riêng ở vườn của anh Bé Ba chưa đạt cao nhưng đó cũng là thành quả đáng mừng, làm thay đổi suy nghĩ của người dân đối với cây sầu riêng.

Anh Bé Ba chia sẻ lúc mới trồng cây sầu riêng, ai cũng cười bảo sầu riêng trồng ở vùng này không có trái.

Tuy nhiên, anh vẫn trồng, vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm và tìm nguyên nhân vì sao cây sầu riêng trồng ở đây không cho trái.

Là người đầu tiên trồng sầu riêng ở xã Trường Xuân A nên để cây cho trái thành công như hiện nay, anh Bé Ba học kinh nghiệm từ báo đài, bạn bè về cách trồng sầu riêng (cách xử lý cho cây sầu riêng ra hoa sớm, tưới nước, tưới phân bằng hệ thống tự động...). Quan trọng nhất anh đã tìm được nguyên nhân chính khiến sầu riêng không cho trái.

"Nơi này xa sông lớn nên mùa mưa nước rút chậm. Khi nước ngập, không rút được nên cây chết, không đậu trái. Vì vậy, tôi lên liếp, làm đê bao không cho nước vào. Mùa nước lớn thì cho máy bơm nước ra khỏi vườn," anh Bé Ba chia sẻ.

Nhìn thấy vườn sầu riêng của anh Bé Ba đã cho trái, nhiều người dân ở xã Trường Xuân A cũng trồng theo.

Ông Đỗ Văn Ô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân A, cho biết đến nay, diện tích sầu riêng của xã đã nhân rộng với khoảng 30ha, đa phần là giống sầu Ri6, MonThong.

Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, kết hợp hỗ trợ người dân làm vườn kém hiệu quả chuyển sang trồng sầu riêng để tăng thu nhập.

Hiện nay, ngoài trồng sầu riêng, vợ chồng anh Bé Ba còn kết hợp kinh doanh nhà trọ, mua bán lúa đem lại nguồn thu khoảng vài tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người khác cách làm hiệu quả, anh Bé Ba còn đi đầu trong công tác từ thiện như hỗ trợ xã làm cầu đường, giúp đỡ người khó khăn, ủng hộ công tác khuyến học...

Làm giàu từ trồng rau muống

Từ một nông dân "bất lực" khi trồng các loại cây hoa màu bấp bênh, ông Nguyễn Văn Bi (tên gọi thân mật Tám Bi) ở quận Ô Môn đến với cây rau muống như sự lựa chọn cuối cùng.

Sau hơn 20 năm trồng rau muống đã đem lại cho gia đình ông và 60 hộ dân ở khu vực Thới Hòa có cuộc sống khấm khá như hiện nay.

Nhung nong dan tien phong trong chuyen doi mo hinh san xuat hinh anh 2Nông dân Nguyễn Văn Bi làm giàu từ trồng cây rau muống. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ông Tám Bi nhớ lại ban đầu, ông gieo 2kg hạt giống rau muống trên khoảnh đất nhỏ trong vườn.

Trồng được bao nhiêu vợ ông mang ra chợ bán, sau đó, dần có mối bán nên ông Tám Bi mở rộng diện tích trồng rau muống. Đến nay, nhà ông Tám Bi có hơn 5.000m2 trồng rau muống.

Từ 5.000m2 trồng rau muống, với giá bán dao động khoảng 5.000-8.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí, ông còn lãi bình quân khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.

Như vậy, mỗi tháng, gia đình ông thu lợi từ việc bán rau muống khoảng 45-50 triệu đồng. Hiện nay, mỗi năm, ông Tám Bi thu lãi khoảng 1-1,3 tỷ đồng từ trồng rau muống.

Thấy mô hình trồng rau muống đem lại nguồn thu ổn định, ông hướng dẫn cho người dân trong khu vực cùng làm.

Ông Nguyễn Văn Bi cũng chính là Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát.

Hiện nay, đi vào khu vực Thới Hòa hỏi chỗ trồng rau muống ai ai cũng biết bởi có 60 hộ cùng trồng với khoảng 18ha. Nơi đây là vùng trồng rau muống lớn của thành phố Cần Thơ, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 15-18 tấn rau.

Tại những ruộng rau muống hạt ở khu vực Thới Hòa, nông dân đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, có máy xới đất, hệ thống vận chuyển rau muống bằng đường ray... thay thế cho việc cuốc đất bằng tay, tưới bằng thùng nước xách tay, gánh từng bó rau như trước kia.

"Làm rau muống tuy cực phải thức khuya, dậy sớm để nhổ rau giao cho khách nhưng nếu biết cách trồng, chăm sóc và chịu khó thì có thu nhập thường xuyên, lợi nhuận cao hơn, đầu ra ổn định, nếu giá bán lên hay xuống cũng đều có lãi. Trồng rau củ quả, mặc dù khỏe hơn nhưng giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định dẫn đến bị lỗ," ông Tám Bi bộc bạch.

Niềm vui lớn nhất của ông Tám Bi là không chỉ giúp ổn định kinh tế gia đình mà còn giúp nhiều người khác làm giàu từ trồng rau muống.

Ở người đàn ông chất phát này, điều quan trọng là sự cho đi. Xuất thân từ một người nghèo khổ, đường cùng mới tìm ra phao cứu cánh là cây rau muống để vực dậy kinh tế gia đình nên hiện nay, ngoài trồng rau muống, ông Tám Bi tập trung làm từ thiện, vận động người dân trong ấp đóng góp xây cầu đường.

Nhung nong dan tien phong trong chuyen doi mo hinh san xuat hinh anh 3Không chỉ là nông dân giỏi sản xuất, ông Nguyễn Văn Bi còn thường xuyên vận động kinh phí của người dân, doanh nghiệp, tổ chức để xây cầu, làm đường ở Thới Hòa. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Chia sẻ về gương nông dân xuất sắc Nguyễn Văn Bi, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ cho biết ông Bi không chỉ là nông dân giỏi mà còn là người có tấm lòng vì cộng đồng. Chính nghề trồng rau muống đã giúp hàng chục hộ dân ở khu vực Thới Hòa vươn lên khá giả.

Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Bi đã vận động người dân, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể ở địa phương xây nhiều cây cầu, sửa chữa, làm mới các tuyến đường giao thông, góp phần cùng Nhà nước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở phường Thới An thêm sạch đẹp.

Nông dân Nguyễn Văn Bé Ba và Nguyễn Văn Bi là hai trong số nhiều nông dân ở thành phố Cần Thơ biết cách khắc phục khó khăn để làm giàu từ chính mảnh vườn, đồng ruộng của mình. Họ là những người góp phần giữ màu xanh trên cánh đồng nông thôn, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương./.

Theo TTXVN (NT)

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự