Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/8/2022 | 9:22:30 AM

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về vai trò kinh tế tập thể; từ đó phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) Lâm Thị Kim Thoa giới thiệu mô hình sản xuất, kinh doanh chè kết hợp làm du lịch của Hợp tác xã.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) Lâm Thị Kim Thoa giới thiệu mô hình sản xuất, kinh doanh chè kết hợp làm du lịch của Hợp tác xã.


Bài 1: Nâng cao hiệu quả kinh tế

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã có bước phát triển mới về chất lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng để phát triển. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn thấp; bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể chưa đạt yêu cầu; tồn tại nhiều rào cản trong khung khổ pháp lý, chính sách,…

Chính vì vậy, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đang là vấn đề được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Nghị quyết 20-NQ/TW đã nêu các mục tiêu rất cụ thể: Đến năm 2030, hơn 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; đến năm 2045, hơn 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

Tăng liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất

Được thành lập vào năm 2007 với 7 thành viên, đến nay, Hợp tác xã Suối Giàng (thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có 20 thành viên; trong đó, 98% lao động hợp tác xã là con em đồng bào dân tộc H’Mông, còn lại là các dân tộc Kinh, Dao, Tày.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Lâm Thị Kim Thoa, Suối Giàng ra đời và đi vào hoạt động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng và giúp bà con dân tộc H’Mông trồng và gìn giữ cây chè quý.

Sau nhiều năm kiên trì giữ vững vùng nguyên liệu sạch, năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng. Đến năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của Hợp tác xã trở thành sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

"Nhờ tham gia vào Hợp tác xã, bà con các dân tộc ít người đã dần thoát khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc để chuyển sang hình thức sản xuất liên kết, hợp tác sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Từ đó góp phần tăng doanh thu cho hợp tác xã, thu nhập bình quân người lao động trong hợp tác xã cũng tăng cao, đạt từ 5,7-6 triệu đồng/tháng", bà Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ.

Không chỉ Hợp tác xã Suối Giàng, được ví như "bà đỡ" cho gần 1.000 hộ thành viên, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) gần mười năm nay cũng kiên trì thực hiện mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Hiện hợp tác xã có mối liên kết sản xuất nông sản với 7 doanh nghiệp. Mỗi năm, hợp tác xã cung ứng từ 170 - 200 tấn vật tư nông nghiệp cho các thành viên; thực hiện tiêu thụ qua hợp đồng gần 4.000 tấn nông sản.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Toàn, nhờ chịu khó phát triển thêm các dịch vụ liên kết, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã không ngừng tăng qua mỗi năm. Theo đó, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 18 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 230 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

"Mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh theo chuỗi giá trị của chúng tôi đang nhận được sự đồng thuận cao của người dân, thành viên hợp tác xã. Mô hình này cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, hạn chế bỏ ruộng không sản xuất, đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương và phong trào xây dựng nông thôn mới", ông Hoàng Văn Toàn cho biết.

Tăng tốc chuyển đổi số

 

Cùng với việc tham gia chuỗi liên kết để gia tăng giá trị sản phẩm, chuyển đổi số được coi như "chìa khóa" giúp mở cửa đưa thương hiệu sản phẩm của các hợp tác xã ra bên ngoài. Liên quan đến chuyển đổi số, Nghị quyết 20-NQ/TW cũng đưa ra những mục tiêu hết sức cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, có hơn 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hợp tác xã công nghệ thông tin Huế (Thừa Thiên Huế) được thành lập năm 2010, với mục đích nhằm phát triển các phần mềm hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc quản lý, sản xuất. Các sản phẩm chính của hợp tác xã bao gồm: phần mềm kế toán hợp tác xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy xuất nguồn gốc gỗ, hệ thống tổng hợp báo cáo,...

Theo Giám đốc Hợp tác xã Đặng Văn Chính, hệ sinh thái chuyển đổi số của hợp tác xã đã đáp ứng cơ bản các nền tảng của việc chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tập thể, từ công tác quản lý cho đến sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng qua thực tế hơn mười năm làm việc với các hợp tác xã, ông Đặng Văn Chính nhìn nhận, nhìn chung các hợp tác xã nội lực còn yếu, chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi của đất nước và thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có sức ảnh hưởng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu. Việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi số đều rất hạn chế. Mặc dù một số hợp tác xã đã chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và áp dụng chuyển đổi số để tồn tại và phát triển ổn định, bền vững, nhưng số lượng hợp tác xã như vậy còn rất ít, chưa quy củ.

Nguyên nhân do nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cơ hội phát triển của mình. Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận chuyển đổi số, ông Chính kiến nghị các hợp tác xã cần tận dụng tối đa các nguồn lực từ chính quyền như các chính sách, chương trình hỗ trợ về thúc đẩy chuyển đổi số, nông nghiệp số; tận dụng tối đa các nền tảng miễn phí tốt và phổ biến từ cộng đồng như Google Business, Facebook Business, Offical Zalo,...; chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ, khuyến khích áp dụng những tiêu chuẩn phù hợp năng lực hiện tại như OCOP, VietGAP, hữu cơ,...

Tương tự như vậy, Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) từ khi thành lập đến nay rất quan tâm đến công nghệ, như lập trang web và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, quản lý và giới thiệu với khách hàng bằng tem QR code. Do đó khi dịch Covid-19 xảy ra, hợp tác xã vẫn có đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, tháo gỡ phần nào khó khăn đối với đầu ra của sản phẩm.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Tri Sáu, từ khi thành lập năm 2012 đến nay, hợp tác xã có 113 thành viên liên kết và chính thức. Đối với canh tác sản xuất trên vườn cà-phê, hợp tác xã đầu tư công nghệ tưới nước, chêm phân tự động, tiết kiệm được 15% điện nước tưới và công lao động.

"Công nghệ 4.0 rất hiệu quả đối với nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất khác. Trong thời kỳ giá thành đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhân công hạn chế, công nghệ hiện đại đã đem lại thuận lợi và hiệu quả rất nhiều. Nhưng cùng với đó, hợp tác xã cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn do trình độ hiểu biết về công nghệ của cán bộ thành viên còn hạn chế, không có nguồn vốn đầu tư để đồng bộ công nghệ", ông Nguyễn Tri Sáu cho biết.

Từ thực tế trên, để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển ổn định, đáp ứng kịp yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới, Hợp tác xã Sáu Nhung đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ cho các hợp tác xã, giúp đơn vị đồng bộ được công nghệ trên toàn hệ thống; có chương trình tập huấn nâng cao năng lực áp dụng, sử dụng và vận hành công nghệ cho cán bộ, lãnh đạo, thành viên hợp tác xã.

                                                                                                                    (Còn nữa)

                                                                                                  Theo Báo Nhân Dân (NT)

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự